Aa

Bến Tre tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Thứ Năm, 28/12/2023 - 14:21

Tính đến cuối tháng 10/2023, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê của các khu công nghiệp (KCN) An Hiệp, Giao Long và cụm công nghiệp (CCN) Long Phước là 196,88 ha, đạt tỷ lệ 93% (trên tổng diện tích 211,88 ha). Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại còn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, sẽ kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Hiện

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để không bị gián đoạn trong quá trình xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh phát triển các CCN và triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh.

Bến Tre tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam hướng dẫn nhà đầu tư đi khảo sát thực địa. (Ảnh: Thiện Chí)

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Hiện tỉnh đang triển khai Kế hoạch phát triển các CCN tại các huyện, thành phố giai đoạn 2021-2025, phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, khoảng 50% CCN có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật (HTKT) và đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đạt trên 50% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Theo đó, thời gian qua, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, vừa kết nối với các hạ tầng kỹ thuật hiện có hoặc dự kiến, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để thuận lợi trong quá trình thực hiện đầu tư, khi đầu tư CCN cần ưu tiên kết nối giao thông thông suốt, tận dụng được hạ tầng hiện có, tránh đầu tư chồng lấn, nhất là không giải phóng mặt bằng (GPMB) nhiều lần trên cùng một dự án.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Các sở, ngành, các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công gồm thành lập, mở rộng CCN, lập quy hoạch chi tiết CCN, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng CCN, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng HTKT CCN... Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong CCN.

Theo báo cáo của Sở Công thương Bến Tre, đến thời điểm hiện tại, có 08 CCN được thành lập gồm: CCN Phong Nẫm, CCN Thị trấn - An Đức, CCN Long Phước, CCN Tân Thành Bình, CCN An Hòa Tây, CCN Phú Hưng, CCN Bình Thới và CCN Sơn Quy, với tổng diện tích 317,94ha; trong đó có 07 CCN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 217,2ha, đã cho thuê 81,39ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 37,48% diện tích đất công nghiệp.

Các CCN có 28 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.839,02 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.953 lao động. Hiện tại có 03 CCN đi vào hoạt động, đã kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong cụm, kết quả bước đầu khá tốt, cụ thể: CCN Phong Nẫm – Giồng Trôm có tổng diện tích 73,68ha, diện tích đất công nghiệp là 54,25ha, diện tích đất hạ tầng khác 19,43ha; CCN Tân Thành Bình – Mỏ Cày Bắc: tổng diện tích 32,71ha, diện tích đất công nghiệp 23,37ha, diện tích đất hạ tầng khác 9,34ha; CCN Thị trấn – An Đức, huyện Ba Tri: tổng diện tích 35,5ha, diện tích đất công nghiệp 25,5ha, diện tích đất hạ tầng khác 10ha.

Tuy nhiên, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn có những hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các CCN ở huyện chưa được GPMB tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp thuê để hoạt động sản xuất. Thay vào đó, các huyện dùng hình thức vận động doanh nghiệp tự ứng vốn để đền bù GPMB tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Đối với doanh nghiệp năng lực tài chính yếu thì gặp khó khăn khi đầu tư theo hình thức này, nên ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Cụ thể, CCN Phong Nẫm – Giồng Trôm cho thuê 33,37ha/54,25ha tổng diện tích đất công nghiệp của cụm, đạt 61,51% lấp đầy (03 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất); CCN Tân Thành Bình cho thuê 9,11ha/23,37ha tổng diện tích đất công nghiệp của cụm, đạt 38,98% lấp đầy (chỉ có 01 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất).

Mặt khác, hầu hết các CCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải, tiến độ GPMB kéo dài quá thời gian quy định khiến việc kêu gọi đầu tư gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ách tắc khi kêu gọi đầu tư vào cụm. Ngoài ra, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn; hạ tầng ngoài hàng rào các CCN phần lớn chưa có hoặc yếu kém, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Xét trên tổng thể thì hiệu quả sử dụng đất tại các CCN thấp, suất đầu tư/ha đất công nghiệp thấp và giá trị sản xuất/ha đất công nghiệp không cao. CCN chưa thực hiện tốt vai trò thu hút các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đô thị vào CCN nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

Tập trung phát triển CCN tại các huyện, thành phố

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang triển khai Kế hoạch phát triển các CCN tại các huyện, thành phố giai đoạn 2021-2025, phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, khoảng 50% CCN có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đạt trên 50% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã bố trí kinh phí hơn 25,3 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các CCN như Tân Thành Bình, CCN - tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm.

Bến Tre tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp- Ảnh 2.

Cụm công nghiệp Phong Nẫm – Giồng Trôm. (Ảnh: Thiện Chí)

Ngoài ra, tỉnh tập trung hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện, thành phố thực hiện phương án phát triển CCN, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 các CCN trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố có CCN được quy hoạch quy mô đạt 70ha/cụm. Tập trung kinh phí hỗ trợ cho các CCN có triển vọng tốt (Phong Nẫm - Giồng Trôm, Tân Thành Bình - Mỏ Cày Bắc, Thị trấn - An Đức - huyện Ba Tri), xây dựng hoàn thiện hạ tầng thiết yếu, trước hết là hạ tầng môi trường cho cụm để đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư lấp đầy, phát triển sản xuất góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh.

Ngân sách tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ cho CCN các huyện, thành phố kinh phí giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, khu đô thị vào CCN nhằm giải tỏa ô nhiễm môi trường, thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND các huyện, thành phố thực hiện giám sát, hướng dẫn quản lý phát triển CCN theo quy hoạch, quản lý sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất đai.

UBND các huyện, thành phố hằng năm dành một phần nguồn vốn đầu tư công của huyện, thành phố bố trí xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn. Quản lý, sử dụng đất công nghiệp trong CCN đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh trường hợp để doanh nghiệp thuê chiếm đất công nghiệp, lãng phí đất. Tăng cường quản lý môi trường trong các CCN theo quy định pháp luật. Thêm vào đó, tỉnh tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút thêm các dự án đầu tư thứ cấp cũng như đầu tư hạ tầng vào CCN. Địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư và củng cố lại Tổ dịch vụ công cấp tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư. Mặt khác, hạ tầng giao thông ngoài cụm cũng được quan tâm đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp trong CCN cũng đầu tư phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top