Trong 30 năm sự nghiệp của mình, nhiếp ảnh gia người Mỹ - Nick Gleis đã sở hữu “gia tài” là những bức ảnh chụp hơn 1.000 chuyên cơ sang trọng bậc nhất thế giới từ Lear 20 cho đến Boeing 747- 400. Khi “bộ sưu tập” này được công bố cũng là lúc mọi người không khỏi choáng ngợp trước không gian tiện nghi chẳng khác nào khách sạn 5 sao mà giới siêu giàu đã chi hàng trăm triệu USD để sở hữu.
Ông trả lời trang Vice rằng, "Tôi chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc khi tôi được cầm máy và chụp hình".
Những chủ nhân của chuyên cơ cho phép ông ghi lại những bức ảnh tuy nhiên kèm theo một số điều kiện khắt khe, điển hình như: Tuyệt đối không được tiết lộ danh tính họ.
Một khoang máy bay chẳng khác gì khách sạn hạng sang.
Cơ hội trải nghiệm trên chiếc chuyên cơ triệu đô, với nhiều người là cả mơ ước, thế nhưng với ông Nick, điều này đơn giản chỉ là một ngày làm việc bình thường. “Tôi có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu đến Đông Nam Á, từ bất cứ đâu ở Mỹ đến các hòn đảo ở New Zealand. Tôi từng đi qua khu rừng nhiệt đới Borneo đến đỉnh núi cao 12.000 feet (tương đương 3.657m) của dãy An – pơ chỉ trong chưa đầy 24h. Thành thật mà nói, công việc đã cho tôi trải nghiệm tuyệt vời” - ông chia sẻ với tờ DailyMail.
Công việc đã cho ông cơ hội di chuyển nhiều nơi và kết thân với nhiều nhà tài phiệt giàu có.
Khi bước chân lên một chuyến bay xa hoa, giá trị của nó hoàn toàn không thể so sánh với tấm vé thương gia của các chuyến bay dân dụng. Phòng khách, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc, bồn tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ dát vàng và thậm chí là phòng ăn có thể ngắm bầu trời đầy sao… đó là những tiện nghi có thể bắt gặp tại đây.
Mặc dù thiết kế tùy theo thẩm mỹ và sở thích của từng nhà tài phiệt thế nhưng chủng loại máy bay được lựa chọn hầu như vẫn không nhiều thay đổi. Khách hàng vẫn ưa chuộng chuyên cơ của hãng Boeing và Airbus bởi sự rộng rãi thoải mái luôn là ưu tiên hàng đầu khi phải dành phần lớn thời gian di chuyển qua nhiều quốc gia, châu lục.
Để phù hợp cho việc di chuyển trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, những chiếc ghế salon còn được trang bị thêm hệ thống sưởi.
Mỗi chuyên cơ sẽ mang phong cách nội thất khác nhau: Cổ điển, trang nhã, hiện đại hay mang hơi hướng hoàng gia…
Để một “dinh thự” bay với vận tốc 500 hải lý/giờ, chịu được nhiệt độ -30 độ C, thì thiết kế đặc biệt cho nội thất bên trong cũng là vấn đề được khá nhiều nhà khoa học lưu tâm. Tủ quần áo, bàn ghế, giường, kệ.. khác biệt đáng kể với những vật dụng trên mặt đất. Thế nên để đạt độ bền và yêu cầu về trọng lượng phần lớn nội thất được làm bằng vật dụng composite.
Một trong những chuyến bay ông Nick từng có cơ hội tác nghiệp trong thời gian gần đây là Boeing-777 có giá trị lên đến 320 triệu USD. “Đó là mẫu thiết kế độc đáo nhất là tôi từng nhìn thấy” – ông thốt lên. Một thiết kế khác trong số 1.000 chuyến bay ông từng có cơ hội tham dự là chiếc máy bay được ví như “tắc kè hoa” khi trần thay đổi màu sắc tùy thuộc vào thời điểm trong ngày: Buổi sáng hay tối, hoàng hôn hay bình minh.
Có nhiều cơ hội trải nghiệm, thế nhưng không phải tất cả hình ảnh đều được ông công bố, do ràng buộc về mặt pháp lí cũng như đạo đức nghề nghiệp. Dẫu rằng đó có là những chuyên cơ với thiết kế đặc biệt hay được xếp vào hạng xa hoa bậc nhất thế giới.
Trung bình mỗi năm ông Nick có cơ hội chụp 30 – 40 chiếc máy bay.
Trong số đó có những chuyên cơ của thành viên hoàng gia hoặc nguyên thủ các quốc gia: Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Trung Quốc, Dubai và Kazakhstan…
Máy bay có thể mở rộng thêm 4 inch (khoảng 10cm) khi ở trên không nên các vật dụng đều phải thiết kế phù hợp với tiêu chí này.
Bồn rửa mặt bằng đá với hình dạng như một con bào ngư.
Không gian rộng rãi, nội thất tiện nghi khiến nơi đây chẳng khác gì phòng ngủ trong các dinh thự sang trọng.