Ảnh minh họa.
Theo đại diện công ty này, năm 2004, theo đề nghị của Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên (nay là Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên), bến xe khách Lương Yên với diện tích 10.200 m2 được đưa vào khai thác, trong thời điểm các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thiếu, đã đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.
Do nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại bến xe Lương Yên, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đề nghị Sở GTVT Hà Nội sắp xếp lại các tuyến giao thông ra vào bến xe Lương Yên trên phần diện tích 5.576 m2 phía Bắc bến xe Lương Yên trong giai đoạn Tổng công ty triển khai xây dựng khu tổ hợp công trình cao tầng ở phía Nam bến xe Lương Yên.
Trong năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp, tổ chức lại hoạt động bến xe khách Lương Yên do Tổng công ty Lương thực miền Bắc trình, phục vụ cho việc điều chỉnh thu hẹp diện tích bến xe Lương Yên đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của bến xe Lương Yên trong thời gian triển khai giai đoạn 1 của dự án.
Đến nay, bến xe Lương Yên đã có 38 tuyến vận tải đi 20 tỉnh (thành phố), tần suất 335 lượt xe/ngày, với 319 phương tiện vận tải của 52 đơn vị vận tải. Bến xe Lương Yên đang hoạt động ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân kể cả trong các dịp cao điểm lễ, Tết.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT khu vực bến xe Lương Yên, theo đánh giá của lãnh đạo bến xe này, hiện nay, tại trục đường Nguyễn Khoái (trước cửa bến xe Lương Yên) cũng như các trục đường quanh khu vực các bến xe khách như Yên Nghĩa, Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm thường xuyên ùn ứ giao thông trong khung giờ cao điểm của thành phố.
Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm được nâng cấp cải tạo (không có bến xe Lương Yên).
Công ty lương thực Lương Yên cho biết, theo quyết định năm 2013 của UBND TP Hà Nội về việc tạm thời giữ lại bến xe Lương Yên thì quyết định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 26/7 tới đây. Do đó, công ty này đề nghị Sở GTVT Hà Nội có phương án di dời các tuyến xe đang hoạt động tại bến xe Lương Yên sau ngày 26/7.
Để di dời hoạt động của bến xe Lương Yên, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội và dự kiến xây dựng 2 phương án di dời xe khách sang các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội.
Phương án 1, sẽ điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố trong khi làm việc với các đơn vị khai thác bến xe để sắp xếp lại luồng tuyến tại các bến xe phục vụ cho việc tiếp nhận các tuyến mới từ bên xe Lương Yên chuyển sang, sắp xếp các tuyến xe khách liên tỉnh, xe buýt.
Với ưu điểm của phương án này góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái, tuy nhiên, nhược điểm sẽ làm xáo trộn nhu cầu đi lại của nhân dân trong một thời gian, tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên chuyển sang và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe này.
Phương án 2, điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận.
“Nếu lựa chọn phương án này thì việc thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giản hơn so với phương án 1 và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải vì điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới. Nhưng để làm được thì còn phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng bến xe Cổ Bi của Tổng công ty Vận tải Hà Nội", đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Trước đó, năm 2013, bến xe Lương Yên cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tuy nhiên sau đó, dưới sự kiến nghị của Hiệp hội vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp đang khai thác, UBND TP Hà Nội đã quyết định gia hạn thời gian hoạt động của bến xe này đến tháng 7 năm 2016.
Theo Báo An ninh Thủ đô