Aa

Bệnh “đùn đẩy trách nhiệm” ở Khánh Hòa nhìn từ vụ việc của Vinaconex

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Sáu, 02/06/2023 - 05:37

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, việc Vinaconex đề xuất xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp là không đúng quy định. Tuy nhiên, thay vì đưa ra hướng xử lý, cơ quan này tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm lên tỉnh.

Ngày 6/3/2023, Vinaconex có Tờ trình số 0705/2003/CV-BQLDA1, gửi UBND thị xã Ninh Hòa, về việc chấp thuận phương án xây dựng công trình tạm nhà ở - văn phòng của nhà thầu thi công phục vụ thi công đoạn Km337+500 - Km368+350, dự án thành phần đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Để giải quyết đề xuất này, ngày 10/4/2023, ông Nguyễn Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa ký Văn bản số 1251/UBND, gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, về việc Vinaconex muốn xây dựng công trình tạm làm chỗ ở và làm việc cho cán bộ, công nhân viên thực hiện dự án thành phần đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Văn bản của UBND thị xã Ninh Hòa nêu rõ: “Qua kiểm tra, vị trí xây dựng công trình tạm trên của công ty Vinaconex nằm trên đất nông nghiệp của hộ dân và tiếp giáp với tuyến đường cao tốc”.

xây nhà tạm trên đất nông nghiệp
Văn bản của UBND thị xã Ninh Hòa gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, về việc Vinaconex muốn xây dựng công trình tạm làm chỗ ở và làm việc cho cán bộ, công nhân viên thực hiện dự án thành phần đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Cũng theo UBND thị xã Ninh Hòa, căn cứ khoản 1, Điều 6, Luật Đất đai 2013, quy định về nguyên tắc “sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất” và khoản 3, Điều 12, Luật Đất đai 2013, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm “không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”, vì vậy, việc Công ty Vinaconex đề xuất xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp là không đúng quy định.

Ngoài ra, việc thực hiện xây dựng công trình tạm phải đảm bảo các yêu cầu về tháo dỡ, an toàn chịu lực, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và quy định pháp luật có liên quan.

Do đó, để tạo điều kiện cho nhà thầu thi công xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, UBND thị xã Ninh Hòa đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét và có ý kiến chỉ đạo.

Câu chuyện của UBND thị xã Ninh Hòa không phải vấn đề riêng lẻ, mà đã trở thành chủ đề nóng tại Quốc hội gần đây. Chưa khi nào tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm... lại đáng báo động như gần đây. Hiện tượng này không chỉ diễn ra đơn lẻ, mà lan rộng từ Trung ương đến địa phương.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi, tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư.

Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Theo đại biểu có hai nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Ở nhóm 1, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhận định, bất kỳ cơ quan, đơn vị nào hiện nay cũng tồn tại một số ít cán bộ có tư tưởng sợ vi phạm pháp luật, điều này, "các đơn vị này có nhận diện được hay không và xử lý thế nào?".

"Tôi cho rằng trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng cần ưu tiên thay thế cán bộ yếu kém này bằng những người tốt và trách nhiệm. Chúng ta không thiếu cán bộ tốt. Giống như trong bóng đá, huấn luyện viện trưởng sẽ vì sự phát triển của cả đội bóng, vì màu cờ sắc áo mà sẵn sàng thay thế bất kỳ cầu thủ nào thi đấu kém hiệu quả", ông Tuấn ví von.

Ở nhóm 2, đây là nhóm chiếm số đông trong số những cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những cản trở nêu trên, gây tắc nghẽn hệ thống chính trị. Những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện "cùng một nội dung quy định nhưng có hai cách hiểu khác nhau". Hiện tượng này cũng xuất hiện ngay tại cơ quan lập pháp và hành pháp.

Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, nhiều vụ việc vi phạm từ vài năm trước, đến nay vẫn bị xử lý. Chính từ những vụ án hình sự lớn thời gian qua đã khiến một bộ phận cán bộ lo sợ, do từng làm những việc tương tự trước đây. Từ đó, hình thành tâm lý ngần ngại, sợ bị kỷ luật, nặng hơn là xử lý hình sự.

Từ những thực trạng trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới.

Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Đồng quan điểm, Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho rằng, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là giải quyết căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang tồn tại và có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.

Còn Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh: “Cần có liều thuốc đặc trị căn bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai và đặc biệt không để lan ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước".

Trước đó vào ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương do thực tế ở một số bộ ngành, địa phương xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám xử lý công việc, đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các Bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan, địa phương... Hậu quả của việc này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

"Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền. Không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cơ quan khác", Thủ tướng nói và khẳng định phải có biện pháp xử lý cán bộ, đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top