Thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong 4 ngày từ 1 - 4 Tết Kỷ Hợi, bệnh viện đã tiếp nhận 528 cấp cứu, trong đó có 254 ca nhập viện và cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT),136 ca tai nạn sinh hoạt. Đáng lưu ý, trong các ca tai nạn sinh hoạt có có 22 ca tai nạn do đánh nhau vào cấp cứu; 8 ca tai nạn do pháo nổ và 3 ca tai nạn do chất nổ khác.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên nhân vì ngày Tết tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm tăng mạnh hơn so với ngày thường. Khi không đội mũ bảo hiểm mà bị gặp tai nạn thì đương nhiên thương tích sẽ nặng nề hơn.
Đặc biệt, tình trạng TNGT do có liên quan đến rượu bia trong ngày Tết cũng tăng cao hơn ngày thường và khi bị tai nạn trong lúc say rượu, nạn nhân sẽ không có các phản xạ chống đỡ nên tổn thương cũng nghiêm trọng hơn.
Ngoài số lượng bệnh nhân cấp cứu do bị TNGT, dịp Tết năm nay, số cấp cứu do tai nạn pháo nổ cũng tăng cao hơn so với mọi năm. Theo các bác sĩ, việc điều trị cho bệnh nhân tai nạn do pháo nổ rất khó khăn. Thường thì nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ bị tổn thương ở phần đầu cổ, mặt và tay nên ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và vận động. Các nạn nhân này hầu như không thể khắc phục được việc vận động nếu bị chấn thương nặng ở tay.
ÔngKhuất Việt Hùng -Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay, các ngày nghỉ Tết, trung tâm liên tục tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất như thuốc diệt cỏ hay do ma túy tổng hợp.
“Đáng lưu ý, ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhân bệnh nhân ngộ độc rượu. Họ ở mọi lứa tuổi và không chỉ là nam giới. Có bệnh nhân mới 19 tuổi, có người là phụ nữ trẻ cũng bị ngộ độc cấp do rượu”, bác sĩ Nguyên nói và cho biết, trong các ngày gần đây, mỗi ngày Trung tâm Chống độc cấp cứu điều trị 2 - 3 trường hợp ngộ độc do rượu, hóa chất.
Tương tự, tại Khoa Cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp chuyển đến cấp cứu từ các tỉnh và bệnh viện tuyến dưới chuyển đến, chủ yếu mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, xuất huyết tiêu hóa... Các bác sĩ cho biết, trung bình các ngày nghỉ Tết (từ 30 Tết), tại đây cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày, tăng 30% so với ngày thường.
Trong đó, 50% số ca chuyển tuyến; các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan, suy thận cấp. Ngoài ra, tại khoa hiện vẫn đang tiến hành lọc máu cấp cứu cho một trường hợp nghi ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol nguy kịch.
Nhiều bệnh nhân nặng được cấp cứu trong bệnh viện dịp Tết. Ảnh Dương Ngọc/TTXVN
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
“Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề bệnh nhân nhập viện dongộ độc cồn công nghiệpchứa methanolcũng đáng báo động. Đa số các ca do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
Trong phạm vi cả nước, tính đến ngày 8/2, tổng số bệnh nhân còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh là 99.522 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 41.916 bệnh nhân, nhập viện điều trị nội trú 28.897 bệnh nhân, chuyển viện 2.472 bệnh nhân, thực hiện 2.465 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 42 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân và cho xuất viện 15.052 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, số ca tử vong do TNGT giảm 22%; số ca khám, cấp cứu do pháo nổ tăng tới 32%, còn số lượng ca đánh nhau phải nhập viện không tăng, nhưng vẫn ở mức cao. Qua đây, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân phải nhận thức rõ mối nguy hiểm của pháo nổ, đồng thời tham gia giao thông thật thận trọng, luôn giữ bình tĩnh, tuyệt đối tránh những thiệt hại sức khỏe và tính mạng để có một năm mới an toàn hạnh phúc.