Aa

Bệnh viện Việt Nam trên “chặng đua” chuyển đổi số

Thứ Tư, 25/03/2020 - 15:29

Trong khi các bệnh viện công đặt mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động và kết quả y tế, các bệnh viện tư nhân đang khởi đầu một chặng đua mới về chuyển đổi số để nâng giá trị của họ.

Đây là công bố mới của YCP Solidiance, một công ty tư vấn tập trung tại thị trường châu Á, có tựa đề “Nhìn về tương lai: Cách số hóa chuyển đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam”.

Cú hích chuyển đổi số ở các bệnh viện tư

Được đăng trên Tạp chí khoa học Healtcareitnew uy tín, báo cáo của YCP Solidiance nhận định, kể từ tháng 7 năm 2019, 100% bệnh viện công tại Việt Nam đã cài đặt hệ thống dữ liệu thông tin bệnh viện (HIS). Việc áp dụng Hệ thống thông tin phòng thí nghiệm (LIS) tương đối cao tại các bệnh viện cấp trung ương, với 36 trên 49 bệnh viện đã triển khai hệ thống, trong khi việc áp dụng được tiến hành khá chậm ở các bệnh viện cấp thấp hơn.

Cho đến giữa năm 2019, 14 bệnh viện công đã triển khai hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử EMR. Mặc dù các bệnh viện chưa chuyển đổi hoàn toàn từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, nhưng lợi ích trước nhất của việc giảm thời gian viết báo cáo y tế đã được chứng minh. Một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện tỉnh cho rằng hệ thống EMR có khả năng tiết kiệm tới 25% tổng chi phí của bệnh viện bằng việc giảm chi phí lưu trữ, thuê nhân viên và phí thủ tục hành chính.

Các hệ thống bệnh viện tư lớn có động lực để liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm quản lý hiệu quả hệ thống và củng cố vị thế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế

So với các bệnh viện công, nhiều bệnh viện tư có hệ thống quản lý y tế tương đối tiên tiến. Điều này chủ yếu là do ba yếu tố. Thứ nhất, bệnh nhân có thu nhập cao hơn có nhu cầu và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe minh bạch, thuận tiện, hiện đại và chất lượng cao.

Tiếp theo, các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài với các tiêu chuẩn quản lý quốc tế đầu tư mạnh vào các nền tảng kỹ thuật số bao gồm HIS, LIS hoặc PACS ở giai đoạn đầu thành lập. Cuối cùng, các bệnh viện tư nhân địa phương nhận thấy số hóa là một yếu tố bắt buộc để duy trì vị thế cạnh tranh của họ trên thị trường, đặc biệt là với sự gia tăng của các bệnh viện nước ngoài.

Các bệnh viện tư nhân lớn như Bệnh viện Vinmec, Hoàn Mỹ và Victoria đang hoạt động theo chuỗi với nhiều chi nhánh trên cả nước. Các hệ thống bệnh viện lớn như thế này có động lực để liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số không chỉ để quản lý hiệu quả các chi nhánh bệnh viện mà còn củng cố vị thế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Việc triển khai nền tảng kỹ thuật số tại các bệnh viện tư nhân này ít phức tạp hơn so với các bệnh viện công nhờ vào hệ thống tiêu chuẩn hóa tại các chi nhánh bệnh viện của họ.

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả điều trị

“Dân số Việt Nam đang già đi và mô hình bệnh tật cũng thay đổi rất nhanh, vì vậy, hệ thống y tế Vinmec đang có những chuẩn bị tích cực để có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh” - Bà Lê Thúy Anh, TGĐ Hệ thống y tế Vinmec chia sẻ. Hiện Vinmec đang tiến tới hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa vào các mô hình, như mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình chăm sóc sức khỏe ảo để bác sĩ có thể sàng lọc bệnh nhân nhanh nhất. “Điển hình như trẻ em bị viêm tai mũi họng tiến tới không phải đến bệnh viện chờ đợi mà có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bác sĩ, bác sĩ sẽ thăm khám trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ và chẩn đoán, trong 24 giờ tới cần uống thuốc và chăm sóc như thế nào, nếu không có thuốc thì bệnh viện sẽ cấp thuốc về nhà"- bà Lê Thúy Anh nói.

Hệ thống y tế Vinmec đang nằm trong nhóm tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong y tế. Tháng 10/2019, Vinmec đã chính thức triển khai Ứng dụng quản lý phòng mổ toàn chuỗi nhằm quản lý hoạt động, xuất báo cáo theo dõi vận hành (ghi nhận ekip tự động, thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê). Ứng dụng này đã giúp giảm 60% sai sót trong việc ghi nhận ekip phẫu thuật, thủ thuật, thời gian sử dụng phòng mổ. Ngoài ra, ứng dụng hỗ trợ người nhà theo dõi được trạng thái ca phẫu thuật thông qua màn hình chờ.

Vinmec hiện đang vận hành Trung tâm phẫu thuật Robot tư nhân đầu tiên tại Việt Nam; làm chủ kỹ thuật phẫu thuật robot điều trị các bệnh lý ung thư, tiêu hóa, tiết niệu... với tỷ lệ thành công lên đến 95%

Nhằm tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, Vinmec cũng đã phát triển ứng dụng Bảo hiểm y tế (BHYT) giảm thiểu thao tác nhập tay, tích hợp tự động với Chăm sóc khách hàng, kết nối cổng Thông tin BHYT quốc gia với danh mục Vật tư tiêu hao. Ứng dụng này sẽ đồng bộ tự động hàng ngày dữ liệu BHYT với Cổng thông tin quốc gia (trước đây thực hiện bằng tay/ tuần) và giảm thời gian thực hiện xử lý hồ sơ BHYT từ 5 phút xuống còn 1 phút cho một giao dịch. Dự kiến trong thời gian tới, Vinmec sẽ phát triển trung tâm chăm sóc y tế từ xa Virtual Care dựa trên công nghệ phần mềm là app, website, công nghệ phần cứng là các thiết bị wearables theo dõi nhằm cung cấp các dịch vụ mang tính chất tương tác như trả lời câu hỏi, tư vấn và dịch vụ tại nhà.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông minh và quản trị thông minh vào y tế đem lại nhiều lợi ích. Đối với chuyên môn, các ứng dụng trên nền tảng số như hội chẩn từ xa, ứng dụng kỹ thuật thông minh như phẫu thuật robot hoặc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định ... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán điều trị. Đối với người bệnh và thân nhân, công nghệ giúp tăng tiện ích dịch vụ y tế trong quá trình trải nghiệm khám chữa bệnh, tăng cường giao tiếp với nhân viên y tế và giảm thời gian chờ đợi thông qua các tiện ích như đặt lịch hẹn online, thẻ khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm online. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top