Cụ thể, theo danh sách mà Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, khá nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành BĐS bị bêu tên như: Him Lam, Quốc Cường Gia Lai, Công ty Nam Long, Công ty Địa ốc Hoàng Quân, CTCP Đầu tư Thảo Điền, Công ty Liên doanh TNHH Capitaland – Vista, CTCP Tập đoàn SSG, CTCP Đầu tư IDICO, Công ty Novaland, Công ty kinh doanh nhà Gia Hòa, Hưng Lộc Phát…
Việc công khai thông tin các dự án thế chấp ngân hàng được dư luận hoan nghênh. Những dự án có tranh chấp thời gian qua cho thấy vấn đề minh bạch thông tin là rất cần thiết. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng việc minh bạch thông tin trên vẫn chưa đầy đủ, có thể gây hiểu lầm cho khách hàng. Ông Lê Hùng Mạnh, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa cho biết sau khi tên một dự án chung cư của công ty nằm trong danh sách các dự án đang thế chấp ngân hàng được công bố, nhiều khách hàng và đối tác đã liên lạc với công ty để chất vấn. Mặc dù, trên thực tế, Gia Hòa không thế chấp dự án để vay tiền.
Để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo điều 56 của Luật kinh doanh bất động sản, dự án của Gia Hòa đã được Vietbank nhận thế chấp để bảo lãnh hoàn thành dự án. Đây là hình thức thế chấp để phát hình chứng thư bảo lãnh cho từng căn hộ của chủ đầu tư nhằm hợp pháp hóa việc bán nhà hình thành trong tương lai và đảm bảo quyền lợi khách hàng. Thực tế, Gia Hòa không vay vốn tại Vietbank. Ngay khi công ty Gia Hòa bàn giao căn hộ đến khách hàng thì Vietbank sẽ chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh theo đúng quy định của phát luật.
Chứng thư phát hành bảo lãnh của Ngân hàng Vietbank cho chủ đầu tư Gia Hòa |
Theo ông Mạnh, việc công bố thông tin các DN đang thế chấp ngân hàng nhằm minh bạch thị trường là cần thiết. Nhưng thông tin công bố của Sở TN-MT cần phải phân loại và giải thích rõ mục đích thế chấp để tránh ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của DN. Ông Mạnh cũng cho rằng thay vì công bố chung chung như hiện nay, có thể phân làm ba loại thế chấp gồm thế chấp để thực hiện bảo lãnh theo quy định, thế chấp dự án để vay tiền nhưng đang hoạt động lành mạnh và DN đang có vấn đề.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova cũng cho biết, việc thế chấp ngân hàng có nhiều dạng như thế chấp để bảo lãnh, thế chấp từng phần… Nếu chỉ nêu tên mà không đưa ra mục đích thế chấp cụ thể sẽ làm khách hàng nhầm tưởng doanh nghiệp có dự án thế chấp làm ăn không đoàng hoàng như Harmona. Riêng dự án Sunrise City của Novaland đã được giải chấp ngay khi bàn giao cho khách hàng, hiện chỉ còn lại 20 căn được công ty giữ lại cho mục đích sử dụng riêng và được thế chấp như tài sản cá nhân. Đại diện Nova cho biết không có chuyện dự án chưa giải chấp mà đã mang bán cho khách hàng.
Cùng trường hợp với Novaland còn có dự án cao ốc Hưng Phát của công ty Hưng Lộc Phát. Đại diện Công ty BĐS Hưng Lộc Phát cho biết dự án của doanh nghiệp này đã hoàn thành giải chấp và bàn giao sổ hồng cho khách hàng vào ở từ lâu. Hiện cả dự án chỉ có 5 căn hộ là được thế chấp ngân hàng và 5 căn hộ trên đều mua theo diện doanh nghiệp hỗ trợ nhà ở cho nhân viên công ty. Việc doanh nghiệp này bị bêu tên trong danh sách khiến nhiều khách hàng tỏ ra khó hiểu.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc HimLam cho biết việc công ty mình bị bêu tên là vô lý vì việc cầm cố dự án cho ngân hàng là không sai luật. Doanh nghiệp địa ốc phải vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án là điều bình thường và hợp pháp. Theo luật thì chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải có 15% số vốn, số còn lại đi vay và huy động từ người mua. Thêm vào đó, việc thế chấp dự án cho ngân hàng để ngân hàng bảo lãnh cho CĐT đủ điều kiện bán là hợp lý và đúng luật. Không thể đánh đồng những chủ đầu tư uy tín có dự án lớn với những chủ đầu tư nhỏ làm ăn không đàng hoàng.
Việc công bố thông tin thế chấp cần chi tiết để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng |
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM khẳng định công khai các dự án đang thế chấp là cần thiết, góp phần xây dựng thị trường BĐS ngày càng minh bạch hơn. Tuy nhiên việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp là việc bình thường. Hơn nữa, Luật BĐS năm 2014 cũng cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư.
Phần lớn các dự án BĐS đang được phát triển hiện nay đều được chủ đầu tư thế chấp để lấy vốn triển khai do doanh nghiệp khó có thể đủ vốn để tự thực hiện một dự án và việc thế chấp vay là hợp pháp. Do vậy khi công bố các dự án BĐS đang thế chấp, cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư (để phát triển dự án, xây dựng công trình, thực hiện bảo lãnh ngân hàng...) để người dân nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà.
Việc công khai thông tin thiếu đầy đủ sẽ vô tình tạo ra tiếng xấu cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tác động xấu đến uy tín thương hiệu, khiến thị trường chỉ mới phục hồi tiếp tục đối mặt với khó khăn.