Bi kịch Làng lên Phố
Phố Mễ Trì Hạ (Nam Từ Liêm, Hà Nội)
8 giờ tối.
Bên vệ đường, bà Tuyến gom lại mấy mớ rau cho vào túi, bỏ số trứng còn lại vào giỏ trấu. Còn cả ký cà chua và dăm trái bí chưa bán được:
–“Hôm nay ế quá”! - Bà lão thở dài.
Thu dọn xong xuôi, bà Tuyến vắt bị hàng lên vai, chống cây gậy đứng dậy, rồi lách qua dòng xe đang tấp nập qua lại trong con ngõ rộng chưa đầy 10m, chậm rãi bước về nhà.
Bà Tuyến năm nay đã ngoài 80. Nhà ở xóm ngụ cư ngoài bãi ruộng phía dưới cầu vượt Mễ Trì. Nói là nhà nhưng thực ra là căn lều tạm bợ, được quây bằng mấy tấm tôn, fibro xi măng và gỗ vụn.
Quãng hơn chục năm về trước, đô thị hóa tràn đến Mễ Trì, nhiều công trình hạ tầng mang tầm Quốc gia dần được xây dựng. Từ Đại lộ Thăng Long, đến các con đường lớn, Trung tâm Hội nghị Quốc gia… đến những tòa cao ốc, những khu đô thị hiện đại nhất nhì Hà thành lúc bấy giờ, cũng đều “mọc” lên trên đất Mễ Trì.
Diện mạo vùng quê nghèo thay đổi một cách chóng vánh. Một diện tích lớn “bờ xôi ruộng mật” bị thu hồi để thực hiện các dự án. Gia đình bà Tuyến cùng hàng trăm hộ dân ở Mễ Trì bỗng dưng được đổi đời khi nhận khoản tiền đền bù khổng lồ...
Ngày làng lên phố, giá đất khu vực Mễ Trì cũng tăng phi mã. Những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bỗng trở thành “đại gia” tiền tỷ.
Nhận được khoản tiền đền bù gần 1 tỷ đồng, anh Được, con trai bà Tuyến bán thêm mảnh đất, có trong tay hơn 2 tỷ bạc, anh xây ngôi nhà ống 4 tầng khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi.
“Nhà cao, đất rộng nhưng giờ lại phải ở nhờ ngoài ruộng thế này đây” - Bà Tuyến thở dài.
Gương mặt lam lũ của bà cụ bỗng lặng lẽ, u sầu. Ngày tấc đất thành tấc vàng, bà tưởng rằng sẽ được an nhàn hưởng tuổi già nhưng ai ngờ, đến giờ vẫn phải chạy chợ kiếm cơm, sống bữa nào hay bữa nấy.
Ngày đó, cái đường dây lô đề, cờ bạc không biết từ đâu đến, biến anh Được từ một “lão nông tri điền” thành con nghiện, rơi vào hố sâu cạm bẫy. Đồ đạc trong nhà cứ thế “không cánh mà bay”, rồi đến ngôi nhà và cả vườn tược cũng lần lượt rơi vào tay kẻ khác. Những khoản nợ tiền tỷ đã đẩy nhà bà rơi vào cảnh bần cùng.
Đó không phải là câu chuyện của riêng nhà bà Tuyến.
Thực tế, nạn lô đề, cờ bạc, cá độ như một bóng ma len lỏi vào mọi ngõ ngách của làng trong quá trình lên phố, khiến những người nông dân “giàu bất ngờ” trở nên “nghèo bất thường”. Bởi không phải gia đình nào cũng biết cách làm ăn, khiến đồng tiền sinh sôi nảy nở. Mà ngược lại, họ choáng ngợp và lúng túng khi cuộc sống bỗng dưng thay đổi mà đến nằm mơ cũng khó tưởng tượng ra.
Không có việc gì làm, lại có trong tay số tiền lớn, thanh niên bị dụ dỗ, lún sâu vào tệ nạn, không lối thoát. Thời điểm đó, không chỉ đàn ông, thanh niên trong làng mà cả phụ nữ cũng trở thành những con bạc. Nhiều gia đình nát tan, số nợ lên đến vài chục tỷ đồng. Khi họ giật mình nhìn lại thì đã quá muộn.
“Thế mới nói, cứ là nông thôn thì chả sao, tự nhiên lên phố, có đồng tiền là ăn chơi bừa bãi, lười làm lười ăn. Nghĩ, giờ 60 triệu đồng/m2 đất, rồi cả trăm triệu một mét thì chỉ cần bán một tí đi là ăn chơi khỏe. Nên bán dần, ăn dần. Rồi khi không biết tiêu gì lại “nướng” vào cờ bạc, cá độ...
Đàn ông 40 tuổi cũng chơi, thanh niên vài ba chục tuổi cũng chơi. Xong rồi nợ nần chồng chất. Côn đồ đến dọa giết thì phải bán hết đất đi để trả nợ. Đáng ra khi bị đẩy vào thế khó rồi, đến cái vực thẳm rồi mà nó dừng lại thì không sao, nhưng cứ cố bước qua nên lại rơi hẳn vào cái vực thẳm. Mỗi lần thua thì lại cay cú, lại muốn gỡ. Có nhà bán hết chỗ rộng đi rồi “chui” vào chỗ hẹp. Đang ở nhà mặt đường nhưng rồi phải đi tít vào trong xó, đường ngoắt ngoéo mới vào đến nơi cũng phải chịu, chả làm sao được”, một cụ già ở Mễ Trì Thượng bùi ngùi kể lại.
Ảnh: sưu tầm
Hai làng Mễ Trì Thượng - Hạ xưa có chung ngôi đình ở đầu phía Bắc đầm Đại. Đình thờ Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền là hai trong số 50 người con theo Lạc Long Quân đi ra biển cả. Về sau, đình bị đổ nát nên hai làng dựng đình riêng. Đình Mễ Trì Hạ thờ Lý Lữ - tướng của Lê Đại Hành, đình Mễ Trì Thượng phụ thờ Diêm Lý Phật Tử. Đình Mễ Trì Hạ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào dịp Người đi kiểm tra chống hạn (11/1/1958).
Người nông dân Mễ Trì trước đây nổi tiếng về trình độ thâm canh lúa nước, từ việc cày bừa, chọn giống, đến chăm sóc. Họ còn có kỹ thuật nuôi trâu cày. Do nhiều ruộng, lại nhiều kinh nghiệm nên xưa kia, làng có rất nhiều thóc. Cũng vì thế mà có tên gọi là Mễ Trì (Ao gạo). Gạo Tám Xoan Mễ Trì là đặc sản nổi tiếng ở miền Bắc, từng là sản vật tiến vua. Ngày trước, hầu như cả làng làm cốm. Vào chính vụ, làng cốm Mễ Trì luôn rộn ràng tiếng chày và đượm hương cốm mới. Người nông dân Mễ Trì đã từng sung túc nhờ cánh đồng của làng mình.
Kể lại, họ vẫn thấy tự hào nhưng cũng tiếc nuối khôn nguôi...
Từ ngày lên phố, đất ruộng không còn nhiều, nghề cốm cũng mai một dần, chỉ còn rất ít hộ dân giữ được nghề. Cái sự “kín cổng cao tường” đã khiến những nét đẹp văn hóa, rồi tình làng nghĩa xóm cũng dần nhạt phai.
Tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, đặc biệt, khi huyện Từ Liêm được chia tách thành 2 quận Bắc và Nam Từ Liêm (năm 2014) đã khiến diện mạo nơi này thay đổi hoàn toàn. Hệ lụy của cơn sốt bán đất xây nhà từ những năm trước 2010 đã khiến khu vực ven đô này dày đặc các khối bê tông. Những chiếc cổng làng bỗng trở nên nhỏ bé và bị lu mờ trước những ngôi nhà tầng cao chót vót.
Do không thành công trong chuyển đổi nghề nghiệp nên nhiều lao động trẻ tại đây đã rời làng đi nơi khác làm việc, sinh sống. Trong khi một lượng lớn người dân ngoại tỉnh đổ về khu vực này. Do đó, ngành nghề của các hộ dân bản địa còn lại là chạy chợ, xe ôm, kinh doanh hàng quán và cho thuê phòng trọ.
Ông Ngô Công Đồi (70 tuổi, Mễ Trì Thượng) ngồi lặng lẽ rít một hơi thuốc lào. Rồi ông lại vòng ra đầu cổng lấy cây chổi quét sân, quét ngõ. Nhà ông là một trong số ít nhà trong khu phố còn giữ được khoảng sân nho nhỏ, vẫn trồng được một ít cây xanh, vẫn còn khoảng thở chứ chưa bị bịt kín bởi bê tông.
Tiền đền bù đất ruộng, như bao hộ khác, ông Đồi cũng dùng để cất căn nhà 3 tầng. Rồi căn nhà cấp 4 hai gian ngày xưa, ông chia nhỏ thành 4 phòng trọ, cho thuê với giá 1 triệu đồng/ phòng.
“Hai vợ chồng tháng có 4 triệu đồng, với tiền làm tổ dân phố 1 triệu đồng nữa. Đủ ăn”, ông Đồi cười khanh khách.
Trước làm nghề cốm, vợ chồng ông nuôi 4 đứa con ăn học đàng hoàng. Giờ con cái đã thành đạt, ông Đồi nghĩ vậy là đủ. Nên vẫn tiếc rẻ cái khoảng sân này, không muốn xây lên hay nói đúng hơn là ông không có điều kiện, cũng không dám mạo hiểm để xây lên như nhà người ta.
“Hồi giá đất tăng, nhà nhà thi nhau bán đất để cất nhà, vì người ta có nhà to mà mình không có nhà thì cứ như con gà tức nhau tiếng gáy. Giờ hết đất rồi, không biết làm gì ăn, lại phải đập cái nhà cũ đi, vay tiền ngân hàng để xây cao lên nữa, thành cái chung cư mini có cả mấy chục phòng.
Tính ra nếu có điều kiện xây lên thì đã đành. Đây lại phải vay mượn để xây. Giờ xây cũng phải hết 4 - 5 tỷ đồng. Nếu có 20 phòng cho thuê, 1 tháng được 30 - 40 triệu đồng cũng phải 5, 6 năm mới trả hết nợ. Rồi còn tiền ăn tiêu, tiền con cái học hành, rồi đủ thứ tiền.
Nên mới nói là phải liều thì mới dám xây. Bởi giờ nhiều nhà thực tế chỉ trông chờ số tiền từ cho thuê phòng trọ để mà ăn thôi. Đi buôn thì chẳng biết buôn bán gì, buôn bán trong làng thì không cẩn thận lại bị dẹp, nhất là mỗi khi có chương trình văn minh đô thị thì chắc chắn là bị dẹp. Các quán nước vỉa hè, trà đá thì phải ‘đút’ tiền mới bán hàng được”, ông Đồi cho hay.
Rít thêm một hơi thuốc lào, ông lão 70 tuổi nói tiếp về sự được mất khi làng lên phố. Được là nhà cửa khang trang hơn, không phải lam lũ vất vả như ngày xưa. Nhưng mất là giờ làng ông nhìn lạ lẫm quá. Đời ông, hàng xóm láng giềng còn chút ân tình, nhưng không biết đến đời con, đời cháu, chúng nó có còn biết mặt người làng.
Tính riêng tổ dân phố nhà ông, trong 300 hộ dân thì đã có khoảng 100 hộ là người nhập cư về đây mua nhà ở. Đó là chưa kể một lượng lớn không đếm xuể là sinh viên, lao động ngoại tỉnh đến ở trọ. Thú thật, ngày ấy nghe tin làng lên phố, nghĩ về nhà cao, cửa rộng ai cũng phấn khởi, hy vọng nhiều. Nhưng giờ, ông Đồi lại tiếc, lại nhớ về cánh đồng làng, rồi ao nước ngày xưa, nhớ về cuộc sống tuy lam lũ nhưng lại rất thanh bình.
“Giờ ngột ngạt lắm. Trong ngõ sâu này còn đỡ. Chứ cứ bước ra đầu ngõ là thấy ồn ào, bức bối. Đi bộ cũng không còn đường để đi. Phải lách, phải tránh hàng dài xe máy, ô tô xuôi ngược cả ngày.
Ngày xưa từ ngách này ra ngõ tính chung quy chỉ có khoảng 5 hộ thôi, còn bây giờ thành 17, 18 hộ. Mỗi hộ lại “cõng” thêm bao nhiêu căn cao tầng bên trên nữa. Cứ 100 nhà thì 98 nhà cho thuê phòng trọ.
Ngày xưa, mùa hè cũng chỉ dùng quạt thôi hoặc chỉ có 1 mình nhà mình dùng điện với điều hòa. Còn bây giờ thì mỗi nhà có 25 phòng cho thuê là 25 cái điều hòa, cộng với nhà mình nữa thì rõ ràng là rất bức bối”, ông Đồi than thở.
Sự bức bối ngột ngạt sẽ vẫn còn tiếp diễn khi mọi ngõ ngách của Mễ Trì đang giống như một đại công trường, bừa bãi, lộn xộn. Những ngôi nhà phố 3 - 4 tầng được xây dựng từ tiền đền bù hoặc bán đất ngày trước đang dần bị thay thế bằng chung cư mini cao ngất ngưởng, vượt số tầng và mật độ xây dựng cho phép.
Diện tích các con ngõ vốn đã nhỏ nay lại càng bị thu hẹp hơn. Bởi mỗi nhà xây lên lại cố lấn ra một ít. Mật độ dân cư trở nên quá tải và không kiểm soát, không gian sống càng trở nên chật chội.
“Trong này chỉ được xây 4 tầng thôi. Cấp phép là thế nhưng cứ xây thêm một mét vuông là mất thêm 1 triệu đồng, tính ra xây lên 1 tầng có sàn 100m2 thì mất 100 triệu đồng, 2 tầng thì mất 200 triệu đồng. Cứ thế nhân lên. Nhưng 200 triệu đồng đó không phải thu vào ngân sách phường, cũng không phải vào ngân sách Quận. Đã xây thì ai chẳng muốn xây cao lên, để còn làm thang máy, còn cho thuê được nhiều. Nên cứ nộp tiền vào là xây thôi”, một người dân Mễ Trì tiết lộ khi chúng tôi tỏ ra thắc mắc về việc sao người ta có thể xây cao thế mà không bị cưỡng chế.
Trên mặt báo, các công trình vi phạm trật tự xây dựng, xây vượt tầng, sai quy hoạch ở Mễ Trì, rộng hơn là Nam Từ Liêm, rồi đến Bắc Từ Liêm, rồi cả Cầu Giấy, Hà Đông và các khu vực ven đô khác như Hoài Đức, Thanh Trì… có lẽ đã được phản ánh dày đặc. Nhưng tình trạng phạt để đó dường như đã trở thành lẽ thường ở những khu vực này.
Nói để thấy, những bất cập nhức nhối đó cũng không chỉ là câu chuyện riêng của Mễ Trì mà đến tất cả các làng quê nằm trong vết dầu loang của đô thị đều thấy một thực trạng chung như vậy. Những khối bê tông khổng lồ, phi thẩm mỹ... đã trở thành đặc trưng.
Khi những dự án mon men đến từng chân ruộng, người dân mất đi nguồn sinh kế, không biết làm gì để sống, họ không ngừng xây, không ngừng lấp đầy các khoảng thở. Mạnh ai nấy làm. Cấu trúc làng bị phá nát. Bởi sinh kế chính của họ bây giờ là cho thuê phòng trọ, mà nhiều người vẫn nói đùa là "nuôi lợn đầu đen".
“Cơn lốc” đô thị hóa ập đến các làng ven đô đã cuốn theo nhiều thứ giá trị và để lại nhiều hệ lụy cho tương lai. Bi kịch này có lẽ sẽ còn tiếp diễn dài nữa ở các làng quê Việt trên hành trình đô thị hóa.
Hàng chục năm đã trôi qua. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác mà thời gian lại chẳng đợi ai bao giờ. Như ông Đồi nói: Đời ông, hàng xóm láng giềng còn chút ân tình, nhưng không biết đến đời con, đời cháu, chúng nó có còn biết mặt người làng...
Dưới góc độ một kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch đô thị, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ sự trăn trở khi nhìn vào bức tranh các làng ven đô trước sự tác động thô bạo của “cơn lốc” đô thị hóa:
“Đô thị hóa đã khiến hàng ngàn vạn héc-ta đất nông nghiệp bị chuyển đổi để xây khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, resort và cả sân golf. Hôm qua còn là nông dân lam lũ, vất vả, quanh năm chân lấm tay bùn, sau một đêm ngủ dậy, ruộng nhà mình bị mất, thay vào đó là một đống tiền đền bù. Từ nghèo hèn bỗng trở nên giàu có! Thế là cả làng đua nhau phá bỏ những ngôi nhà ba gian, chặt bớt hàng cau, khóm chuối để xây nhà tầng, mua sắm tivi, tủ lạnh, xe máy như trên phố huyện.
Cái cổng làng bình dị, rêu phong, xù xì rễ đa, rễ duối cuốn quanh… có đến gần trăm tuổi, vốn xưa chỉ để người, trâu bò và xe cải tiến, nay phá dỡ để mở đường cho rộng, trải bê tông cho xe công nông và ô tô đời mới chạy.
Những không gian xanh của làng như rặng tre, vườn cây, bờ ao bị chặt phá, san lấp để lấy chỗ xây nhà. Thậm chí cả vườn chùa, đất chùa, các không gian thiêng cũng bị thu hẹp. Các kiến trúc tín ngưỡng đặc trưng của làng như đình, chùa, đền, miếu vẫn còn giữ được, nhưng nhiều di tích đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng. Nếu được trùng tu, sửa chữa thì lại bị biến dạng theo kiểu xây dựng mới như chuyện gác chuông, nhà tổ chùa Trăm Gian.
Những làng cổ nổi tiếng như Nhật Tân, Ngọc Hà, Ngũ Xá, Láng, Bưởi… đã dần biến mất, thay vào đó là phường, là phố, có chăng cái còn lại như nhân chứng là những cổng làng, vài ngôi đình, chùa và lối sống truyền thống yếu ớt của văn hóa làng mà những lớp người già, cao niên đang cố lưu giữ.
Còn ở khu vực vành đai 3, nơi đang đô thị hóa mạnh mẽ, thì nhiều làng cổ, làng nghề đã thành phường, thành phố cũng đang mất dần bản sắc truyền thống lâu đời của mình như làng Phú Đô, các làng xóm khác quanh khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì, Cầu Giấy...
Xa hơn nữa, thì Đường Lâm, ngôi làng cổ duy nhất cả nước được xếp hạng Di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt, cũng đang phải vật vã giải quyết mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn và phát triển khi mà nhu cầu sống của người dân đang đòi hỏi hàng ngày”…
Theo KTS. Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), có 2 hình thức phát triển đô thị: Một là “vết dầu loang”, thứ hai là sáp nhập thêm một số khu vực khác, lân cận thành phố chính. Ví dụ như Hà Nội sáp nhập thêm Hà Tây. Điều đáng nói, trong quá trình đô thị hóa dù theo phương thức nào, (đặc biệt là hình thức phát triển “vết dầu loang”) sẽ xuất hiện nhiều khu dân cư theo mô hình làng xóm, thuần nông, nằm cạnh khu đô thị đó. Sau đó, khi làn sóng đô thị hóa “quét” qua, những khu vực này sẽ trở thành khu dân cư đô thị hóa.
Đó là lẽ tự nhiên, nhưng vì bị bỏ mặc trong câu chuyện quy hoạch, vùng dân cư làng xóm đó thành "vùng chết", vùng trũng trong phát triển đô thị.
“Đất nông nghiệp lấy hết để phát triển đô thị nhưng làng xóm đó vẫn cần đất để phát triển thì lấy ở đâu? Không ai trả lời câu chuyện này. Khả năng kết nối của các khu dân cư này với khu đô thị mới đến đâu không phải ai cũng trả lời được. Cho nên rất nhiều khu dân cư, làng xóm đang sống bình yên ở ven đô thì khi đô thị hóa tràn đến, nó trở thành vùng tối trong đô thị. Còn chưa kể người dân xây dựng tự phát tạo nên sự mất cân đối, nhếch nhác, lem nhem. Xưa thoát nước ra ruộng đồng, còn giờ lại có nguy cơ thành rốn chứa nước. Đô thị hóa có rất nhiều vấn đề trở thành thách thức khi phát triển mà trong các quy hoạch không phải lúc nào cũng đề cập một cách toàn diện”, ông Chiến phân trần.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng nhìn nhận, với cách thức đô thị hóa như hiện tại thì 5 - 10 năm sau cũng không thành một đô thị mà chỉ là những khối bê tông được dựng lên thay cho những kiến trúc khác. Một thế giới bê tông nhiều hơn là những màu xanh. Những dự án lớn có thể về đến sát cửa làng và nó sẽ còn phát triển thô bạo hơn nữa.
“Đô thị mọc đến đâu thì đống gạch ngói bê tông thô cứng chạy đến đó, cướp đi những cánh đồng, cướp đi cây cối làng mạc thậm chí cả chùa chiền.
Người nông dân bị đẩy vào một con đường không thể chọn lựa. Họ không thể trở thành thị dân đúng nghĩa nhưng cũng không được làm người nông dân nữa. Họ rơi vào các cạm bẫy của tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, các vấn đề văn hóa gia đình cũng bị phá vỡ. Những mối quan hệ truyền thống hệ trọng cũng bị phá vỡ rất nhiều. Điều này sẽ dẫn đến một xã hội không có nền tảng”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ thêm.
Khu vực ven đô đóng vai trò rất quan trọng đối với đô thị. Nghiên cứu của giáo sư Michael Buxton thuộc trường Xã hội học và Đô thị toàn cầu - Đại học RMIT Australia cho biết, vùng ven là khu vực duy trì cơ sở về tài nguyên thiên nhiên, cung cấp nhân lực, lương thực thực phẩm chủ yếu cho thành phố và giá trị này sẽ còn tăng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chi phí năng lượng và việc thay đổi mô hình tiêu thụ thực phẩm trong tương lai.
Đứng trước thách thức đó, khu vực vùng ven cần phải có những thay đổi cụ thể để vừa giữ vững được vai trò truyền thống của mình vừa đáp ứng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như ngày nay.
Đặc biệt, cần tránh để các hệ quả không hay xảy ra trong đô thị lại tiếp tục lan ra khu vực vùng ven như ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu người dân, thiếu hụt lương thực - thực phẩm…
“Hà Nội đến năm 2050 chắc là sẽ có quá nhiều thay đổi. Và cũng khi ấy, không biết những ngôi làng cổ của Hà Nội ngày hôm nay liệu có còn không, hay sẽ lại trở thành phố, thành phường với muôn vàn tòa nhà cao tầng bằng bê tông, thép và kính lạnh lẽo, vô hồn.
Và nếu điều đó xảy ra thì thật đáng tiếc! Bởi vì Hà Nội sẽ bị mất một phần hồn cốt của mình, hồn cốt của một đô thị hình thành và phát triển vốn từ “làng lên phố và trong phố có làng”, KTS. Phạm Thanh Tùng trăn trở.
Theo vị KTS, đô thị hóa, hiện đại hóa là quy luật của sự phát triển nhưng không vì thế mà làm mất đi hoặc đánh đổi bằng mọi giá các giá trị truyền thống tốt đẹp của mình.
“Lịch sử Hà Nội là lịch sử phát triển của một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng. Vậy làm thế nào để bảo tồn được các làng truyền thống của Hà Nội trong quá trình phát triển. Đây là bài toán khó, cần có những lời giải khách quan, khoa học và không duy ý chí”, ông Tùng nói.
TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, các giá trị văn hoá truyền thống còn lưu giữ tạo nên các làng hay còn gọi là "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" trong lòng các đô thị hiện đại cần được các nhà quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, các nhà quản lý, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.
“Làm sao để yếu tố đặc thù “làng trong phố” hay các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" phải có chỗ đứng xứng đáng và phải góp phần tạo nên “nền móng” của một cấu trúc đô thị có bản sắc và hiện đại theo hướng phát triển bền vững. Chỉ có như vậy, mới đảm bảo cho các đô thị trở nên hấp dẫn, năng động, hiện đại, đặc sắc, có vị thế và sức cạnh tranh cao, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng và phát huy khí phách hào hoa, linh thiêng cho muôn đời”, ông Quảng nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định, để phát triển đô thị một cách bền vững, thì tất yếu phải tìm cách để các làng ven đô có thể giữ mình trước sự xâm lấn thô bạo của đô thị, để thực sự trở thành cái nôi lưu giữ những nét đặc sắc của truyền thống văn hóa, thực sự giảm tải áp lực quá tải cho khu vực trung tâm, thay vì phát triển chộp giật, chắp vá và đầy hệ lụy như hiện nay.
“Đô thị hóa hiện nay, lợi ích 10 năm có thể nhìn thấy nhưng lợi ích của 100 năm và 1000 năm sau thì là đầy những nguy cơ treo trước mắt. Một dân tộc không xác định được căn cước văn hóa của mình thì không thể làm gì được. Cho nên quá trình đô thị hóa cần phải được tính toán và nhìn lại kỹ lưỡng hơn để cân bằng nó giữa đời sống đô thị và đời sống văn hóa, giữa những lối sống văn minh với nền tảng văn hóa truyền thống”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp quan trọng để cứu các làng ven đô khỏi sự bào mòn của đô thị hóa mà nhà văn Nguyễn Quang Thiều đưa ra là không để người nông dân rơi vào chuỗi bi kịch khi bị thu hồi đất nông nghiệp.
“Nông dân từ bao đời nay vẫn gắn liền với đất, với những mảnh ruộng, ao vườn. Đô thị hóa tràn đến, sau một đêm họ bỗng thành thị dân và chuỗi bi kịch bắt đầu. Người nông dân đang sống một cuộc sống lam lũ, nghèo khó. Bỗng dưng họ được cầm khoản tiền lớn lên đến cả tỷ đồng. Số tiền đó quá lớn, lớn đến mức chính họ cũng khó có thể hình dung họ sẽ dùng tiền đó để làm việc gì. Họ chỉ tiêu tiền thôi chứ không làm ra tiền. Bởi trước nay họ chỉ biết đến công việc đồng áng, cấy trồng, chăn nuôi. Bao người đã cầm một cục tiền rồi xây lên những ngôi nhà thật to, thật diêm dúa, thật hoành tráng cầu kỳ, hay mua xe cộ, chơi bời. Nhưng “miệng ăn núi lở”, không để đồng tiền sinh sôi thì nó cũng dần hết thôi.
Những người nông dân không được định hướng rằng khi không còn đất canh tác thì họ sẽ làm gì. Không ai hướng dẫn cho họ. Họ toàn quyền tự do nhưng lại rất nguy hiểm. Không tư vấn thì họ không biết đầu tư vào đâu, chỉ biết tiêu cho đến hết. Lóe thành tỷ phú lại về bần nông.
Do đó việc quan tâm đến đời sống người dân, chú trọng công tác chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội ở khu vực làng lên phố là điều cần thiết phải thực hiện một cách có hiệu quả.
Quan trọng nhất là chính quyền địa phương, các nhà đầu tư ở đó phải tính toán lại những điều có thể xảy ra sau 50 năm, 100 năm. Nếu chỉ có chiếm đất, mở rộng thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn được và rồi sẽ gây ra những sự thất bại về văn hóa, thất bại về kinh tế, thất bại về thiên nhiên...”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều phân tích.
“Hồn vía” của các làng ven đô trong tiến trình lên phố đang dần bị lu mờ, thay vào đó là sự bí bách, lộn xộn. Để hạn chế điều này thì việc tạo ra sự cân bằng trong bài toán bảo tồn và phát triển là rất quan trọng.
KTS. Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, bảo tồn là giữ gìn, bảo vệ sự tồn tại nào đó, để cho nó không mất đi, chứ không phải để cho nó không phát triển.Chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi, chấp nhận những yếu tố mới phù hợp với cuộc sống hôm nay trong không gian làng cổ. Nhiều ngôi nhà hai, ba tầng kiến trúc hiện đại, tiện nghi sẽ được mọc lên thay thế ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói cũ kỹ. Nhiều con đường làng nhỏ hẹp lát gạch nghiêng xưa cũ sẽ trở thành những con đường bằng bê tông rộng rãi với hệ thống tiêu thoát nước, để thuận tiện cho hoạt động sản xuất và cuộc sống của một nông thôn mới.
Nhưng chúng ta phải cố gắng giữ gìn các thành tố cơ bản tạo nên cấu trúc làng Việt truyền thống, đó là các di tích vật thể như đình, đền, chùa, miếu, ao làng, giếng làng, không gian cảnh quan cây xanh mặt nước. Các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, điệu hát ru, ca dao tục ngữ, lối sống nhân ái trọng tình làng, nghĩa xóm...
Trăn trở về câu chuyện này nhiều năm qua, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bồi hồi nhớ lại quang cảnh của làng quê Việt xưa khi chưa bị đô thị hóa xâm lấn: Khi chúng ta đến một ngôi làng thì từ xa nhìn lại đã thấy đó là một dải xanh mướt của cây trái, những rặng tre, cây gạo, cây sấu, bóng đa... Điều đó làm ta xúc động. Cuộc sống con người từ trước đến nay luôn cần giao kết với thiên nhiên. Nếu mối giao kết này bị cắt đứt thì tức là ta đã hủy hoại một nửa đời sống tinh thần của mình. Làng còn mang dáng dấp của ký ức. Ở đó uy nghi, ấm áp và cảm giác như bước vào nơi trú ngụ tuyệt vời nhất. Ở đó có không gian kiến trúc đặc sắc, ở đó có đời sống tinh thần văn hóa.
“Chính bởi vậy mà chúng ta phải đặt ra câu hỏi làm sao đô thị hóa vẫn giữ được những giá trị đó. Ngược lại cũng cần nhìn nhận rằng, nếu chúng ta cứ giữ mãi văn hóa truyền thống thì tiếp cận thế giới hiện đại như thế nào?
Hãy nhìn sang 2 quốc gia láng giềng: Hàn Quốc và Nhật Bản – Họ đã giữ được những làng cổ ven đô ngoại thành vô cùng đẹp. Bên cạnh đó là cấu trúc hiện đại, nhưng nó làm nên sự hòa hợp. Đó là hai nước có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam và cũng là hai nước có sự phát triển mạnh mẽ nhất thế giới.
Tại sao họ vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp mà lại phát triển mạnh mẽ như vậy? Nếu đứng về sự phát triển kinh tế, họ hơn chúng ta 100 năm thì đứng về bảo tồn văn hóa, họ cũng hơn chúng ta 100 lần”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Theo nhà văn, cần phải hiểu rằng, đô thị hóa là biến một đời sống lạc hậu trở thành đời sống văn minh. Và sự văn minh đó không chỉ là vỏ bọc.
Đô thị hóa là mang đến một đời sống thuận tiện nhất cho con người để con người đó phát huy những khả năng, năng lực của mình, nhưng chúng ta vẫn sống trong thiên nhiên ấy, vùng văn hóa ấy.
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể trong quy hoạch đô thị nên hiểu hiện tượng “làng trong phố” hay "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" luôn là yếu tố tạo dựng “bản sắc dân tộc”, “bản sắc địa phương”, một nét rất riêng mang truyền thống của địa phương, của dân tộc mình mà những nơi khác không có.
Nét riêng đó là quá trình chắt lọc một cách tự nhiên những tinh hoa về vật chất, tinh thần. Còn tính “hiện đại” không có nghĩa là sự sao chép một cách máy móc các xu thế bên ngoài để gán ghép cho các đô thị. Tính hiện đại được hiểu như là sự thích ứng trong quá trình hội nhập và phát triển của một giai đoạn lịch sử nhất định.
Sự hiện diện các “làng trong phố” hay các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" ngay trong lòng các đô thị hiện đại vừa là đặc điểm của cấu trúc đô thị vừa thể hiện “bản sắc”của đô thị Việt Nam, một vốn quý của đô thị trong sự cạnh tranh “gay gắt” của thời kỳ hội nhập.
Bi kịch làng lên phố không phải là câu chuyện mới. Thực tế này đã nhen nhóm hình thành từ khi nước ta bắt đầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là một quãng thời gian đủ dài để những ngôi làng cổ ven đô ở Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Đông... gần như mất hết dấu tích. Có những nơi còn tên làng, được gọi là làng như để nhắc nhớ nhưng không gian thì xa lạ, hiếm hoi chất làng.
Và ở những nơi này, tiến trình biến đổi vẫn chưa dừng lại. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, sẽ không lâu nữa, các làng ven đô sẽ chỉ còn trong ký ức của một vài thế hệ. Sự xâm lấn của bê tông, của nỗi lo sinh kế sẽ đè nén lên tất cả, chôn vùi những giá trị tốt đẹp của văn hóa làng.
- "Cánh đồng ngày xưa nằm ở đây" - Bà Khà chỉ tay vào dãy nhà ống cao vun vút bên cạnh nói...
Bà Khà là một trong số ít người còn làm cốm ở Làng Cốm Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).
Nhiều năm qua, bất kể nắng hay mưa, bà lão dù đã bước vào tuổi xế chiều vẫn miệt mài, cần mẫn giã cốm rồi ngồi trước cổng làng bán cho khách thập phương.
Bà coi đó là thú vui, bà làm để lưu giữ những hoài niệm xưa cũ về một làng quê yên bình, tiếng giã cốm thay tiếng gà buổi sáng. Bà sẽ làm nghề cho đến hết đời bà, chứ chẳng định truyền nghề cho ai và đúng hơn là chẳng biết truyền cho ai...
Phía trong làng cốm, một chung cư mini cao 7 tầng với khoảng 35 phòng đang được hoàn thiện. Cô sinh viên trường báo đi qua, dừng lại, vẻ tiếc nuối. Bởi ngôi nhà này, mới năm ngoái, khi cô ở trọ nhà bên cạnh, mỗi sáng tinh mơ còn bị thức giấc bởi tiếng giã cốm xình xịch, mùi cốm thơm lừng. Ấy vậy mà…
Trong con ngõ nhỏ, đội cảnh sát trật tự đang thực hiện công việc chấn chỉnh văn minh đô thị. Chiếc xe bán tải đi tới, mấy chị hàng rong hô hào nhau chạy. Mấy cô bán hàng ở chợ cóc vội vã vơ hết hàng để nhờ vào trong nhà dân. Rồi hàng nem rán, hàng cà pháo của mấy nhà mặt ngõ cũng nháo nhác thu gọn vì lấn chiếm lòng đường.
Đội cảnh sát đi qua, mọi thứ lại quay về vị trí cũ...
“Đất ruộng thì lấy hết rồi. Giờ có mỗi việc này để kiếm cơm mà ngày nào cũng đuổi, biết lấy gì ăn”, người phụ nữ đang loay hoay sắp lại kệ hàng chả rán thở than...
Ở những khu vực ven đô khác, những người nông dân mất đất cho dự án khu đô thị mới hoặc cho sự phát triển đô thị theo vết dầu loang đang vui mừng vì nhận được những khoản tiền đền bù từ đất. Họ đang bàn nhau về kế hoạch xây nhà, dựng cửa. Họ bàn về giá đất sắp sốt xình xịch. Họ bàn về một cuộc sống giàu sang sắp tới. Nhưng không biết rằng, nếu không có sự thức tỉnh kịp thời, họ sắp bị cuốn vào chuỗi bi kịch mang tên làng lên phố...
Ảnh: sưu tầm