Quan điểm trên được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đưa ra tại cuộc đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP. Hà Nội về những vấn đề đời sống dân sinh được nhân dân Thủ đô quan tâm, sáng 9/8.
Ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nêu câu hỏi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính.
"Nhân dân rất quan tâm, muốn biết chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử", ông Linh hỏi.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết hôm 7/8 Thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Tinh thần là Hà Nội thực hiện nghiêm quy định của trung ương, nhưng đây cũng là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị.
Thành phố sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số. Nhưng bên cạnh đó có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này cũng đã được nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận", Bí thư Hà Nội nói.
Trước đó sáng 31/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Hoàn Kiếm là quận duy nhất của thành phố phải sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000. Hoàn Kiếm đủ tiêu chuẩn về dân số, nhưng chỉ đạt 15% diện tích.
Ngoài Hoàn Kiếm, ba quận lõi còn lại của Hà Nội đều không đạt tiêu chí diện tích. Cụ thể Ba Đình 9,21km2, Đống Đa 9,95km2, Hai Bà Trưng 10,26km2. Tuy nhiên, ba quận này dân rất đông, lần lượt hơn 225.000, trên 376.000 và gần 300.000. Một số quận mới cũng có diện tích dưới 35km2 như Tây Hồ 24,38km2, Cầu Giấy 12,38km2, Thanh Xuân 9,17km2 và Nam Từ Liêm 32,17km2, nhưng đều có số dân vượt mốc 150.000.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 với 18 phường. Đây là quận nhỏ nhất Hà Nội, nhưng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Điển hình là quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, nhà Thờ Lớn.
Đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (như TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM). Đơn vị hành chính cấp xã gồm xã, phường, thị trấn./.