Quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ diện tích tự nhiên
Căn cứ vào Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (ban hành ngày 12/7/2023) và kết luận chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc ngày 31/7/2023 về triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện chỉ đạo, rà soát 30 quận, huyện, thị xã để triển khai sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Theo kết quả rà soát sơ bộ bước đầu, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, do quận chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết số 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu là 35km2, dân số 150.000 người. Trong 2 năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập. Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Trước thông tin này, dư luận bày tỏ nhiều quan điểm trái chiều. Một mặt ủng hộ việc sáp nhập các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, mặt khác nhiều người cũng cho rằng với riêng quận Hoàn Kiếm, đây là khu vực nội đô lịch sử, có nhiều ý nghĩa văn hóa, xã hội nên việc sáp nhập vào bất kỳ quận nào xung quanh cũng là không phù hợp. Nhiều người cũng bày tỏ sẽ rất hụt hẫng và thiếu vắng nếu như Hà Nội không còn cái tên “quận Hoàn Kiếm”.
Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm cần phải xem xét kỹ đến những yếu tố đặc thù về văn hóa, xã hội
Theo KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc quận Hoàn Kiếm sẽ sáp nhập vào quận nào hay quận nào sẽ sáp nhập vào quận Hoàn Kiếm là hai vấn đề khác nhau và cần phải xem xét rất kỹ, phân tích thấu đáo và có thể còn cần phải lấy ý kiến của cộng đồng.
Bởi không chỉ là một đơn vị hành chính, quận Hoàn Kiếm là quận đặc thù, có ý nghĩa rất đặc biệt với Hà Nội. Nếu như quận Ba Đình là trung tâm hành chính của Hà Nội trong thời kỳ mới, thì quận Hoàn Kiếm chứa đựng hồn cốt của Thăng Long - Hà Nội xưa, chất chứa rất nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa, rất nhiều địa điểm nổi tiếng như 36 phố phường, Hồ Gươm... là niềm tự hào không chỉ của người dân Hà Nội, mà còn của người dân cả nước.
Bề dày lịch sử và những trầm tích văn hóa đã đủ để quận Hoàn Kiếm trở thành “trái tim” của Hà Nội, như việc Hà Nội là Thủ đô của nước ta. Bản thân cái tên “Hoàn Kiếm” đã thể hiện khát vọng hòa bình của cha ông ta, của dân tộc ta hàng nghìn năm nay. “Hoàn Kiếm” tức là “trả gươm”, phản ánh tình yêu hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đặt vũ khí xuống để cầm cày, cầm cuốc lên lao động. Vậy nếu sáp nhập vào các quận khác, thì sẽ còn giữ tên quận Hoàn Kiếm hay không? Đây không chỉ là vấn đề của hành chính, mà đối với quận Hoàn Kiếm, còn là vấn đề về lịch sử.
Về bản chất, việc sáp nhập, quy hoạch đơn vị hành chính quận, huyện sao cho đủ 35km2 thì rất dễ, nhưng để mà có được một quận chứa đựng chiều dày văn hóa, lịch sử như quận Hoàn Kiếm thì rất khó. Không thể phủ nhận việc sáp nhập các đơn vị hành chính là nên làm, vừa để tinh giản bộ máy hành chính, vừa tập trung nguồn lực để phát triển, tuy nhiên với những quận đặc thù như quận Hoàn Kiếm của Hà Nội thì cần phải có cơ chế riêng và phải cân nhắc rất kỹ đến những yếu tố văn hóa, lịch sử.
Đồng quan điểm, TS.KTS.Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng nhận định, xét về yếu tố hành chính, quận Hoàn Kiếm chỉ thỏa mãn về quy mô dân số, còn diện tích chưa đáp ứng được. Nhưng chúng ta đang chiếu theo văn bản đại trà đối với tất cả các quận ở các thành phố khác mà chưa tính đến trường hợp đặc thù.
Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính đặc thù của Hà Nội, cũng như vị thế của Thủ đô đối với Việt Nam. Do đó, với riêng quận Hoàn Kiếm, chúng ta nên có những ứng xử đặc biệt hơn, như có chế đặc thù vì đây là quận chứa đựng những yếu tố về kiến trúc, xã hội đặc biệt hơn các đơn vị khác.
Dưới góc độ kiến trúc, văn hóa, việc sáp nhập chỉ thỏa mãn yếu tố diện tích chứ không thỏa mãn yếu tố xã hội. Hiện nay quận Hoàn Kiếm đã đạt đủ các yếu tố xã hội, cách thức mua bán, kinh doanh đều có dấu ấn riêng, do vậy hoàn toàn có thể hoạt động độc lập được, chỉ có vấn đề là diện tích nhỏ và chúng ta đang chỉ xử lý theo hướng diện tích chứ không xử lý quận nhỏ về mặt dân số. Cũng như khi phải sinh hoạt trong một ngôi nhà chật, chúng ta cần có các giải pháp để vẫn sinh sống trong ngôi nhà đó đồng thời đảm bảo các hoạt động cơ bản.
Nếu phải sáp nhập quận Hoàn Kiếm thì về cơ bản có hai giải pháp: Một là, sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào các quận khác; hai là sáp nhập quận khác hoặc một phần diện tích của quận khác vào quận Hoàn Kiếm để đảm bảo quy mô và diện tích theo yêu cầu hành chính. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ quản lý đô thị, quận Hoàn Kiếm có dân số đông, diện tích hẹp sẽ dễ nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, nhất là khi sáp nhập thêm dân cư thì các vấn đề xã hội còn phức tạp hơn.
Quận đặc biệt thì nên có cơ chế đặc thù, không nên đánh đồng các quận huyện như nhau. Đây là đơn vị đầu tàu, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội, nên không thể ứng xử với Hoàn Kiếm như những quận ở xa trung tâm được. Ví dụ, nếu sáp nhập với quận Long Biên thì có thể dễ về mặt quản lý hành chính vì giáp nhau, nhưng hai quận có cơ cấu kinh tế khác nhau. Quản lý đô thị không đơn thuần là ghép cái nọ vào cái kia, mà quản lý đô thị dựa trên sự tương đồng giữa các khu vực.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), căn cứ tiêu chí về diện tích thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, quyết định này còn phụ thuộc vào yếu tố đặc thù như lịch sử, văn hóa. Hiện nay vẫn đang trong quá trình rà soát, sau khi Hà Nội có phương án tổng thể sẽ gửi qua Bộ Nội vụ để xem xét nghiên cứu, sau đó tiếp tục xây dựng phương án cụ thể.
Như vậy, việc quận Hoàn Kiếm có phải sáp nhập hay không và sẽ sáp nhập như thế nào còn phải trải qua một quy trình đánh giá tổng thể không chỉ về tiêu chuẩn hành chính mà còn về các yếu tố đặc thù. Là một quận trung tâm của Hà Nội, có vai trò rất quan trọng về văn hóa, quận Hoàn Kiếm cần được định hướng theo những cơ chế đặc thù hơn so với những quận đại trà của những thành phố khác để vừa phát triển kinh tế - xã hội đúng với tiềm lực vừa bảo tồn và kế thừa những giá trị truyền thống./.