Năm 2019 là năm thứ 4 có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI đề ra, do đó, để đi đúng theo định hướng kế hoạch cho “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, TP cần phát triển đồng đều nhiều yếu tố.
Tại "Tọa đàm mùa xuân 2019" diễn ra mới đây, các hiệp hội và doanh nghiệp TP. Đà Nẵng đã có những chia sẻ, góp ý, đề xuất với lãnh đạo TP nhằm giúp cho các dự án triển khai có hiệu quả, đồng thời tăng cường và nâng cao chất lượng, thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới đây.
Những từ khóa nổi bật được doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, hiệp hội nhắc đến gồm có “cải cách hành chính”, “ứng dụng công nghệ thông tin”, “cơ sở hạ tầng” và “nhân lực”...
"Có thể nói, bên cạnh những yếu tố cơ sở hạ tầng phần cứng như cảng hàng không, cảng biển, khu công nghiệp, những tiền đề quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của thành phố trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 nằm ở các nguồn lực “mềm”, cụ thể là nguồn nhân lực chất lượng, năng động và sáng tạo.
Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh về nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư của các địa phương lân cận ngày càng mạnh mẽ, Đà Nẵng cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính và định hướng đúng đắn trong thu hút đầu tư", ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay.
Qua đó, ông Nghĩa đã nêu ra 4 vấn đề trọng tâm và đề nghị lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung giải quyết.
Vấn đề đầu tiên chính là về quy hoạch.
Theo đó, tại "Tọa đàm mùa xuân 2019", thành phố đã ký kết Hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030.
"Quan điểm của tôi là bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và quốc tế", ông Nghĩa đánh giá.
Với quan điểm quy hoạch mới phải đưa ra tầm nhìn mới, giải pháp mới và động lực mới cho sự phát triển nhanh nhưng ổn định và bền vững của Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu cần có tiếng nói và đặc biệt là sự đồng hành, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện theo hướng đầu tư theo quy hoạch chứ không phải quy hoạch theo đầu tư, thiếu định hướng, chạy theo các vụ việc cụ thể.
Vấn đề thứ hai là về cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư.
Có thể thấy, mặc dù kết quả thu hút đầu tư còn khá khiêm tốn nhưng trong năm 2018 Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư như hoàn thành Khu Công nghệ thông tin giai đoạn 1, xúc tiến khu công viên phần mềm số 2, số 3 và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ý kiến của ông Trương Quang Nghĩa, thời gian tới, thành phố cần nghiêm túc rà soát tình trạng cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, nhanh chóng khắc phục các tồn tại và có kế hoạch đầu tư mới hạ tầng còn thiếu, bao gồm kết nối giao thông công cộng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm kinh doanh sản xuất.
Trong đó, đối với các khu công nghiệp mới, cần rà soát quy hoạch các nhóm ngành cần thu hút trên cơ sở phân tích và xem xét kỹ lợi thế cạnh tranh đối với các vùng lân cận và trong khu vực, có lộ trình khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà thành phố đang thu hút đầu tư.
Vấn đề thứ ba, lao động đang và sẽ là nút thắt cổ chai lớn đối với phát triển kinh tế của thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề tồn tại về cơ cấu và chất lượng lao động hiện nay, có kế hoạch dự báo cụ thể và chủ động tạo nguồn lao động trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Vấn đề thứ tư được đề cập tới là về môi trường đầu tư và kinh doanh.
Ông Trương Quang Nghĩa chia sẻ: "Đà Nẵng luôn là thành phố nằm trong nhóm dẫn đầu về môi trường đầu tư, kinh doanh và Đà Nẵng sẽ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn được dùng cho đến nay là chưa đủ đối với Đà Nẵng - một thành phố luôn luôn nỗ lực cho khát vọng vượt lên, giữ vị trí dẫn đầu và vị thế tiên phong."
Bởi vậy, theo vị này, bên cạnh việc tiếp tục phải giữ vững vị trí hàng đầu về PCI, Đà Nẵng cần phải rà soát lại thực chất các chỉ số này và tiếp tục xây dựng hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát các tiêu chí quốc tế, đảm bảo chắc chắn rằng vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Trong đó, cần đặc biệt chú trọng tính minh bạch, hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Thực hiện nghiêm túc công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, minh bạch, phù hợp nhu cầu thực tế của hoạt động đầu tư kinh doanh, đặc biệt thủ tục đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của thành phố, phải báo cáo các bộ, ngành Trung ương trong thời gian sớm nhất.
"Năm 2019, việc làm thiết thực đầu tiên là tập trung nâng cao các chỉ số quan trọng có dấu hiệu chững lại hoặc giảm điểm như: Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch và tiếp cận thông tin...", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kết luận.