Ngày 8/3, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức "Tọa đàm mùa xuân" để đối thoại với lãnh đạo gần 500 doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết 10 năm qua, ngành du lịch địa phương này có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Năm 2008, Đà Nẵng chỉ có khoảng 1,2 triệu lượt khách đến tham quan thì năm 2017 con số này là 6,6 triệu, doanh thu đạt hơn 19.500 tỷ đồng.
Số lượng khách sạn trong 10 năm qua cũng tăng 10 lần và du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần làm thay đổi bộ mặt TP Đà Nẵng.
Theo ông Vinh, Đà Nẵng đang dần đánh mất những vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Thay vào đó là những tòa nhà bê tông cốt thép và điều tất yếu là sông bị xâm lấn, rừng núi Sơn Trà bị đào xới để xây khách sạn.
Đại biểu này cũng nói rằng nếu cứ chú trọng xây các khách sạn 5-6 sao mà quên đi yếu tố thiên nhiên và cung cách phục vụ thì du khách sẽ chỉ đến một lần rồi không trở lại Đà Nẵng.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, kiến nghị lãnh đạo Đà Nẵng nên mời các các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn về quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn hơn. Lãnh đạo thành phố phải nhất quán trong việc ban hành các chính sách "ứng xử" với doanh nghiệp.
Một số đại biểu cũng cho rằng Đà Nẵng cần tăng tính cạnh tranh đối với các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thuế và hải quan.
Bí thư Trương Quang Nghĩa thừa nhận thời gian qua, Đà Nẵng có những sai lầm về quy hoạch. Mặc dù mới về làm bí thư được 5 tháng, ông thấy Đà Nẵng đang phát triển "nóng" và lộ ra những bất cập.
Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng cho rằng sự quản lý yếu kém đã dẫn đến phá vỡ về quy hoạch. "Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ chật hẹp ở khu vực trung tâm, còn khu ven biển thì ô nhiễm", ông Nghĩa thông tin.
Ông Nghĩa mong muốn các doanh nghiệp phản ánh kịp thời, chính xác những khó khăn, vướng mắc để các cơ quan hữu quan giải quyết và hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của doanh nghiệp.