Aa

BID dẫn đầu top 14 cổ phiếu ngân hàng mất giá

Thứ Hai, 04/06/2018 - 17:00

Trong đợt điều chỉnh sóng vừa rồi của VnIndex, nhóm cổ phiếu từng được đánh giá là "dòng cổ phiếu vua" – cổ phiếu ngân hàng - lại bị điều chỉnh giảm mạnh nhất.

Nhà đầu tư đã có khoảng thời gian gần 2 tháng giao dịch trong lo sợ. Kể từ khi VN-Index thiết lập mức đỉnh lịch sử vào ngày 9/4/2018 với 1.204,33 điểm, thị trường đã bước vào giao đoạn điều chỉnh rất nhanh và mạnh. Nhiều nhà đầu tư ví đợt điều chỉnh này với cuộc khủng khoảng năm 2008. Tính đến phiên giao dịch ngày 28/5/2018, VN-Index đã mất đến 273 điểm (-22,6%) so với mức đỉnh lịch sử và chỉ còn 931,75 điểm.

Thị trường trong khoảng thời gian này liên tục có những phiên sụt giảm rất mạnh. Đà giảm không chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định mà lan rộng ra bao phủ gần như toàn thị trường.

Trong đó, việc thị trường sụt giảm rất nhanh và mạnh như vậy cũng nhờ sự "đóng góp" rất lớn của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhiều dòng cổ phiếu vốn hóa lớn đã đua nhau lao dốc, thậm chí có những phiên nhà đầu tư được chứng kiến nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này "nằm sàn" la liệt – điều rất hiếm thấy trên thị trường.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu gây "ấn tượng" nhất trong đợt giảm sâu này của thị trường là ngân hàng. Trước đó, thời điểm cuối năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch bùng nổ và liên tục đi lên tìm đỉnh cao mới thì nhóm ngân hàng lại đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đã tăng trưởng vượt bậc, có mã còn tăng gấp đôi thị giá so với trước đó.

Điều đáng buồn là, khi thị trường chính thức lập đỉnh và bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhóm ngân hàng lại như những "tội đồ". Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc và kéo theo đó là áp lực rất lớn lên các chỉ số thị trường.

Trong số này, đáng thất vọng nhất phải kể đến BID. Cổ phiếu này cũng đã giảm đến 42% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Dù thời gian gần đây, không có thông tin gì tiêu cực đủ sức tác động khiến BID lao dốc "thảm" như vậy.

Nguyên nhân lý giải đơn giản nhất cho đợt sụt giảm này của BID đó là cổ phiếu này cũng đã có thời gian tăng trưởng khá nóng trước đó khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng định giá của BID nói riêng và nhóm ngân hàng nói chung đã khá đắt. Bên cạnh đó, diễn biến xấu chung của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là nguyên nhân lớn và dễ nhận thấy nhất tác động xấu đến giá cổ phiếu. Ngoài ra, cổ phiếu BID cũng bị ảnh hưởng bởi nhưng thông tin liên quan đến vị cựu lãnh đạo là ông Trần Bắc Hà và nhóm nợ xấu "khủng".

Tính đến hết quý I/2018, tỷ lệ nợ xấu sau xử lý tại BIDV là 1,62% so với mức 1,61% vào cuối năm 2017. Nợ mới hình thành chỉ là 259 tỷ đồng trong quý I/2018. Cụ thể: Nợ nhóm 3 là 4.766 tỷ đồng, tương đương 0,54% tổng dư nợ. Nợ nhóm 4 là 3.544 tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ. Và nợ nhóm 5 là 5.898 tỷ đồng, tương đương 0,67% tổng dư nợ.

Ngoài ra, còn có đến 7 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trên 30% trong thời gian qua đó là SHB, VCB, CTG, LPB, STB, VIB và HDB.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các ngân hàng đang mất dần uy tín đối với nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Về việc cơ cấu nợ, đa phần các ngân hàng đều thực hiện chưa hiệu quả, trong khi tình hình tài chính không ổn định. Dịch vụ cung cấp ra thị trường của nhiều ngân hàng vẫn còn gây nhiều phiền toái và chưa làm hài lòng khách hàng sử dụng dịch vụ, kể cả đối với ngân hàng lớn. Chưa kể, những vụ án của các lãnh đạo ngân hàng lớn diễn ra thời gian gần đây cũng phần nào làm cho lòng tin vào thị trường tài chính thuyên giảm đi nhiều. Đó là lý do, nhóm cổ phiếu ngân hàng mất dần ngôi vua trên thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top