Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID) là một trong những ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn từ Nhà nước. Được biết, nguồn vốn này thường có lãi suất thấp hơn so với lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi khách hàng. Đương nhiên, nguồn vốn cũng thường không ổn định và phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án công.
Trong khi đó, theo giới phân tích, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của BIDV thấp cho dù là theo tiêu chuẩn Basel I (9%). Điều này kéo theo nhu cầu tăng vốn cấp 1 rất lớn trong ba năm tới của BIDV, do đó, cổ phiếu BID được nhận định là một trong những cổ phiếu ngân hàng có rủi ro pha loãng cổ phiếu lớn nhất.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), BIDV sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vốn ngay cả khi đã thực hiện thành công đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.
Cụ thể, sau đợt phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank với tỷ lệ 15% (sau khi phát hành), ước tính chỉ số an toàn vốn tối thiểu CAR sẽ ở mức 11,3%, cho phép ngân hàng tăng tài sản sinh lãi thêm 13% trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, để áp dụng Basel II, BIDV cần phải cắt giảm CAR xuống 150 - 200 điểm cơ bản nên thương vụ phát hành riêng lẻ này chỉ là cách giải quyết vấn đề tạm thời.
Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy sau đợt huy động tiếp tục cao, lên đến 19,6 lần trong năm 2020, mức cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, VCSC dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào phát hành vốn cấp 2 và có thể sẽ phải thực hiện một đợt phát hành riêng lẻ khác trong giai đoạn 2020 - 2023.
Chi phí dự phòng là trở ngại tăng trưởng của BIDV
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), mặc dù quá trình xoá nợ xấu của BIDV đã có những tiến triển lớn trong hai năm qua nhưng ngân hàng vẫn cần thêm 2 - 3 năm trích lập dự phòng quyết liệt để xử lý phần lớn nợ xấu tồn đọng.
Cùng với đó, HSC cho rằng lợi nhuận của BIDV vẫn sẽ bị ăn mòn phần lớn bởi chi phí dự phòng cho dù tổng thu nhập hoạt động có thể tăng trưởng mạnh khi ngân hàng chuyển hướng sang bán lẻ.
Hơn nữa, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 sẽ là một trở ngại trong việc mở rộng dư nợ trong năm 2019.
Cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu sau xử lý của BIDV là 1,69%, tăng nhẹ so với con số 1,61% của năm 2017. Như vậy đã có khoảng 2.747 tỷ đồng nợ xấu hình thành mới trong năm 2018 chủ yếu là nợ nhóm 4 và nhóm 5.
Cũng trong năm, BIDV đã trích lập dự phòng ở mức cao kỷ lục là 18.893 tỷ đồng, tăng 27,3%. Tổng chi phí dự phòng tích luỹ của BIDV từ năm 2013 đến 2018 là hơn 62 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,3% tổng dư nợ năm 2012 và 9,98% dư nợ bình quân giai đoạng 2012 - 2018. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của BIDV trong trích lập dự phòng.
BIDV vẫn còn 17.600 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC trong đó đã trích lập dự phòng đến cuối tháng 6/2018 là 8.000 tỷ đồng. Phần chưa được trích lập là 9.400 tỷ đồng, tương đương 0,95% tổng dư nợ cho vay.
Thanh lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2019
Tài sản tồn đọng liên quan đến việc chuyển nhượng trái phiếu VAMC dự kiến sẽ được BIDV xử lý xong trong năm 2019 sau 6 năm nỗ lực. Trong số 3 ngân hàng thương mại nhà nước đã niêm yết, BIDV là ngân hàng duy nhất vẫn nắm trái phiếu đặc biệt phát hành bởi VAMC.
Phần lớn trái phiếu VAMC kỳ hạn 5 năm được ngân hàng mua trong năm 2015 và sẽ đáo hạn năm 2020. Trong 3 năm qua, BIDV đã liên tục nỗ lực xử lý số trái phiếu này và 6,3 nghìn tỷ đồng còn lại sẽ được thanh lý thành công trong năm 2019.