Aa

Biến ga Nha Trang thành cao ốc: Chủ tịch tỉnh hoan nghênh, chuyên gia phản đối

Thứ Tư, 08/04/2020 - 10:45

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân hoan nghênh đề xuất cải tạo, di dời ga Nha Trang, đầu tư theo hình thức BT. Trong khi đó, nhiều chuyên gia và người dân tiếp tục phản đối.

Phản đối biến ga Nha Trang thành cao ốc 30 - 35 tầng

Theo đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Địa chỉ: Thôn 9, Xã Ninh Hiệp, Huyện Gia Lâm, Hà Nội), có 2 phương án được đưa ra để cải tạo, di dời ga Nha Trang.

Được biết, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa thống nhất đề xuất định hướng di dời ga Nha Trang và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm Thành phố theo phương án 2. Theo đó, nhà ga Nha Trang được cải tạo thành bảo tàng du lịch. Chủ đầu tư dự án sẽ dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại đồng thời xây dựng nhà ga mới ở xã Vĩnh Trung để hệ thống đường sắt không phải đi vào trung tâm như hiện nay.

Với phương án này, gần 115.000m2 đất khu vực ga Nha Trang sẽ được dùng để xây dựng bảo tàng ga Nha Trang, 1 tòa chung cư 30 tầng, 1 công trình hỗn hợp 35 tầng, nhiều nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại…

Tại cuộc họp mới đây về phương án cải tạo, di dời ga Nha Trang, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỏ ý hoan nghênh việc Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung cùng các đơn vị tư vấn đã quan tâm đến dự án này.

Di tích lịch sử ga Nha Trang nên được bảo tồn

Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỏ ý hoan nghênh, nhưng việc xây cao ốc trên phần đất đối ứng ga Nha Trang nhận được rất nhiều ý kiến phản biện từ chuyên gia đến người dân.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Hiện đất ga Nha Trang theo quy hoạch chưa làm gì, hơn nữa đây là đất khu trung tâm. Sợ họ lấy đất làm kinh tế, làm công trình cao tầng, bán buôn thì không ý nghĩa gì cả”. Cũng theo ông Lộc, Nha Trang cần nhiều hơn công viên, trường học, công trình cho xã hội...

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đứng từ góc độ khoa học quản lý đô thị, chúng ta hoàn toàn không nên cổ xúy cho việc đô thị hóa đến đâu, dời ga đến đó. Đây là xu hướng rất có hại cho đô thị, trong khi bỏ qua tiềm năng phát triển giao thông công cộng.

Đặc biệt với ga Nha Trang, ông Sơn cho rằng nếu chọn cách di dời nhà ga hiện tại để đổi lấy đất vàng phục vụ dự án thương mại sẽ là một sai lầm. Việc phá các tuyến đường sắt cũ để làm dự án địa ốc là một sai lầm chiến lược, dẫn đến thiệt hại kinh tế rất lớn, trong khi chỉ làm lợi cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, người dân phường Phước Tân, thành phố Nha Trang đi thẳng vào vấn đề: Di dời ga Nha Trang là nên làm. Nếu không dời thì kẹt xe kinh lắm. Nhưng vấn đề là xây gì trên đất ga Nha Trang mới quan trọng. Lấy đất rồi xây nhà cao tầng, tăng mật độ dân số tăng, Nha Trang lại càng ngột ngạt hơn.

Chị Bùi Thị Phi Thường, người dân thành phố Nha Trang thắc mắc, Nha Trang có rất nhiều đất ở các khu đô thị rồi, vấn đề là không ai ở, toàn mua đi bán lại. Giờ lại tiếp tục cho mọc thêm nhà cao tầng trong nội đô, lãnh đạo Khánh Hòa cần phải nghiên cứu thật kỹ, phải tính tới lợi ích xã hội.

Lo ngại tiêu cực, lợi ích nhóm khi chỉ định BT

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất khi thực hiện các dự án BT (trong đó có ga Nha Trang) là phải đảm bảo giá trị quỹ đất Nhà nước dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT được phê duyệt. Việc định giá đất thấp hơn giá thị trường và đội giá phần xây dựng đã khiến nhiều vị lãnh đạo bị kỷ luật.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), bên cạnh mặt tích cực, đã có rất nhiều công trình BT được chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư; nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro và có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.

Hiệp hội nhận thấy việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT khá phổ biến trong thời gian qua, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội.

Nhiều ý kiến phản đối khi biến nhà đất đối ứng ga Nha Trang thành cao ốc

Trong đó, việc chỉ định đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" 2 lần: Khi nhận thầu thi công công trình (đầu B - Building: Xây dựng) và khi đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông (đầu T-Transfer: Chuyển giao). Nhờ chỉ định mà nhà thầu, nhà đầu tư không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi. Từ đó, họ được hưởng giá gói thầu cao trong khi các khu đất đối ứng được định giá thấp.

Cũng theo HoREA, phương thức chỉ định kéo theo tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Điều này cũng có thể gây thiệt hại Ngân sách Nhà nước (vì nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách), và gây quan ngại cho xã hội.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên đây và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho Ngân sách Nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top