"Xẻ thịt" hồ Đại Lải
Diện tích hồ Đại Lải được xác định phần mặt nước rộng 525ha, chứa 26,4 triệu m³ nước mang lại lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp và phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900 - 3.500 ha đất canh tác.
Năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quy hoạch chung Khu du lịch Đại Lải, giai đoạn 2005-2020, với diện tích 2.088 ha với mục tiêu xây dựng Đại Lải thành khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn hóa mang tầm cỡ quốc tế. Kể từ thời điểm này, hàng loạt chủ đầu tư đã đổ xô vào hồ Đại Lải.
Hàng loạt khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, sân gofl... liên tiếp mọc lên biến vùng đất vốn hẻo lánh trở thành những khu tổ hợp đắt đỏ và hiện đại. Giá đất quanh hồ Đại Lải tăng chóng mặt. Nhận thấy được lợi ích khổng lồ mà hồ Đại Lải mang lại, nhiều chủ đầu tư dự án đã và đang tìm đủ mọi cách xâm lấn lòng hồ nhằm trục lợi.
Hiện tại, có 4 dự án lớn đang bao quanh khu vực hồ Đại Lải gồm Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort; Dự án sân golf Đại Lải; Dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp đảo Ngọc; Dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Paradise Đại Lải... Theo người dân bản địa, chính những dự án này đang làm biến dạng hồ Đại Lải.
Các chủ đầu tư dự án liên tục có những điều chỉnh theo hướng tăng thêm so với diện tích được cấp ban đầu, đặc biệt là những khu vực tiếp giáp lòng hồ. Ngoài ra, các biên bản kiểm tra của một số cơ quan quản lý cũng chứng minh: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên tục xâm chiếm hồ Đại Lải. Cụ thể, Bảng tổng hợp thống kê các tập thể, cá nhân có vi phạm công trình thủy lợi của một đơn vị quản lý (cập nhật ngày 18/12/2017) thể hiện: Chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu vực hồ Đại Lải có đến 29 tổ chức, cá nhân có những hành vi xâm hại lòng hồ.
Điển hình trong số đó là Cty CP Xây dựng Thương mại Nhật Hằng (chủ đầu tư dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải) đã 2 lần đổ đất lấp lòng hồ ngăn hồ tạo thành một vùng hồ nước nhỏ nằm trong hồ Đại Lải với diện tích khoảng 4,2 ha. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn làm đường xuyên giữa lòng hồ, nối các đảo với nhau khiến lòng hồ bị chia cắt, đổ đất lấn ra mép hồ xây dựng khu nhà nghỉ trong phạm vi lòng hồ với chiều dài khoảng 100m, lấn ra khoảng 30m.
Tiếp theo là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort, chỉ trong vòng 2 năm doanh nghiệp này có tới 7 lần đổ đất lấp lòng hồ với diện tích vi phạm lên đến hàng nghìn m2. Tại khu Đảo Ngọc, hòn đảo đẹp nhất giữa lòng hồ Đại Lải, Cty TNHH Đạt Tiến, chủ đầu tư của dự án Đảo Ngọc Resort với hàng loạt công trình xây dựng như chùa chiền, biệt thự đã ngang nhiên đổ đất lấn chiếm lòng hồ để xây nhà.
Sau khi những vi phạm trên bị phát hiện, chủ đầu tư không những không khắc phục mà còn tiếp tục vi phạm và có những biện pháp ngăn chặn các cơ quan kiểm tra.
Điển hình như biên bản làm việc giữa đại diện Trạm Thủy nông Đại Lải và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại Nhật Hằng thể hiện: Việc vi phạm đổ đất san lấp lòng hồ Đại Lải của Công ty Nhật Hằng đã được lập biên bản ngày 16/11/2015, nhưng đến ngày 30/11/2015 đơn vị vi phạm tiếp tục có những vi phạm mới, tiếp tục đổ đất mở rộng thêm diện tích.
Trước việc các dự án quanh khu vực lòng hồ san lấp hồ Đại Lải để trục lợi, nhiều cán bộ của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên đã tổng hợp báo cáo chỉ rõ các địa điểm vi phạm của các dự án như Paradise Đại Lải resort, Flamingo Đại Lải resort, Đảo Ngọc Resort, Sân golf Đại Lải… và hàng loạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, những hành vi này không được xử lý một cách thỏa đáng.
Liên tục điều chỉnh diện tích dự án
Chỉ trong 2 năm, năm 2015 và 2017, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã liên tiếp ký các quyết định về việc điều chỉnh nội dung giao và cho thuê đất theo QHCTXD tỷ lệ 1/500 dự án biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải. Những quyết định này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ giúp chủ đầu tư điều chỉnh nội dung về sử dụng đất mà còn giúp chủ đầu tư tăng diện tích dự án lên nhiều ha.
Điển hình như Quyết định phê duyệt điều chỉnh Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải (lần 3) mà ông Vũ Chí Giang ký ngày 24/10/2017 thể hiện: Tổng diện tích đất được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Nhật Hằng và Cty Cổ phần Paradise Đại Lải tại Quyết định 1508/QĐ-UBND ngày 2/6/2015 là 37,1662 ha.
Như vậy, song song với việc đầu tư thực hiện dự án, chủ đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Phúc “tạo điều kiện” nâng diện tích 30,1ha ban đầu lên thành 37,1662ha.
Trước đó, từ năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi 96,11 ha đất tại xã Ngọc Thanh (thời điểm đó còn thuộc huyện Mê Linh, bây giờ là thành phố Phúc Yên) để giao cho Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Đại Lải (Đại Lải Resort).
Đến năm 2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ra quyết định điều chỉnh việc giao đất cho chủ đầu tư. Bằng quyết định này, Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương không chỉ được phép thay đổi nhiều hạng mục xây dựng mà còn được phép mở rộng diện tích đất từ 96,11 ha ban đầu lên thành 122,2464 ha.
Song song với việc thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng chia dự án thành khu A và khu B và thay đổi quản lý dự án từ Công ty Hùng Vương thành Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (nhiều tài liệu thể hiện Hồng Hạc Đại Lải là công ty con của Công ty Đầu tư xây dựng và hợp tác Quốc tế Hùng Vương).
Quá trình xây dựng Flamingo Đại Lải Resort, dư luận cho rằng, những vị trí, diện tích mà Công ty Hồng Hạc Đại Lải mở rộng dự án, hầu hết là diện tích lấn lòng hồ Đại Lải. Nghi vấn này không phải là vô căn cứ khi mà ít nhất 7 lần xâm lấn hồ Đại Lải của Flamingo Đại Lải Resort bị phát hiện với diện tích xâm lấn lên đến hàng chục nghìn m2. Phần lớn diện tích san lấp đều được Công ty Hồng Hạc Đại Lải xây dựng các công trình phục vụ dự án.
Nhận thấy chủ đầu tư có những hành vi lấp hồ Đại Lải, Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ngọc Thanh đã có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phản ánh nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong xã. Họ đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu thu hồi bớt diện tích đã giao cho chủ đầu tư bởi việc thực hiện dự án này phải lấp diện tích hồ quá lớn, ảnh hưởng đến công năng phục vụ sản xuất. Được biết, sau khi nhận được công văn của chính quyền, đoàn thể xã Ngọc Thanh, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khi đó đã đi kiểm tra thực tế và nhận thấy đề nghị của xã Ngọc Thanh là có cơ sở. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó dự án vẫn tiếp tục triển khai.