Biệt thự cổ xuống cấp – những câu chuyện cười ra nước mắt
Biệt thự cổ được xem là tài sản quý giá hiện sinh giữa lòng Hà Nội, ghi dấu một thời kỳ lịch sử phát triển đầy thăng trầm của Việt Nam. Những căn biệt thự này được người pháp thiết kế theo phong cách châu Âu, tạo thành một nét đẹp kiến trúc rất độc đáo, từng được gọi với cái tên mỹ miều là những biệt thự hồng hoa, là niềm tự hào của những người được sở hữu nó.
“Các biệt thự có sự kết hợp giữa phong cách hiện đại của châu Âu và gắn với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Bố cục các biệt thự có cao, thấp, trung bình tạo nên nhịp điệu kiến trúc, là biểu hiện văn hóa của một thời kỳ, một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và dân tộc. Có thể kết luận rằng, quỹ biệt thự của các đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng là một biểu hiện văn hóa, nó không những là nét đặc trưng dân tộc mà còn có sự chọn lọc tinh hoa của nước ngoài, biểu hiện của một đô thị sống, đô thị có sức cạnh tranh cao”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Tuy nhiên, trải qua lịch sử trăm năm, cuộc sống xa hoa, cổ kính ở những căn biệt thự này hiện tại chỉ còn là hồi ức của một thời vang bóng. Thay vào đó là sự chen chúc, khổ sở của người dân trong căn biệt thự đã xuống cấp, nhếch nhác, phủ bụi thời gian.
Ngôi nhà rộng một chủ thuở ban đầu nay bị chia năm xẻ bảy, mỗi người làm chủ một khoảnh với diện tích gần chục mét vuông, dẫn đến kết cấu thay đổi, công trình phụ ngày càng nhiều thêm để phục vụ nhu cầu của các hộ dân. Những ngôi biệt thự ngót trăm năm tuổi hiện đang rệu rã, xập xệ trong cảnh "cha chung không ai khóc", chỗ của ai người nấy lo.
Tại căn biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ, riêng tầng 2 đã chia nhỏ cho 5 hộ gia đình sinh sống. Đáng nói, các hộ dân này đều đang phải sống chung với sự nhếch nhác, xuống cấp ngày càng nghiêm trọng nhưng không biết ai có quyền được sửa chữa.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - sinh sống tại tầng 2, căn biệt thự cổ số 8 Tăng Bạt Hổ - cho biết:“Tôi đã sống ở đây hơn 60 năm, căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa từng được sửa chữa. Phần mái nhà phía trên đã bị hư hỏng nặng, có khi đêm ngủ nước nhỏ cả vào mặt, nên gia đình phải che chắn bằng ni lông”. Bà Lan – tổ trưởng tổ 6B phường Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng - cho biết thêm: "Căn biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ đã xuống cấp ở mức báo động đỏ. Đã có lần cửa gỗ rơi xuống gây nguy hiểm cho người qua đường. Nhiều tổ dân cư gửi đã đơn kiến nghị lên phường về tình trạng xuống cấp của ngôi biệt thự nhưng chưa có phản hồi”.
Nhiều hộ dân khác vì nhu cầu cuộc sống lại đang tự ý cơi nới diện tích, sửa chữa căn biệt thự của mình trong khi chờ đợi phản hồi từ phía cơ quan chức năng: “Chúng tôi muốn giữ gìn, bảo tồn căn nhà này, nhưng tình trạng hư hỏng, xuống cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ sửa chữa với điều kiện phải tham khảo, kiểm tra, giám sát. Nhưng không thấy phản hồi thì chúng tôi đành tự túc phải sửa. Không sửa thì làm sao có thể ở”, bà Học, căn biệt thự số 42A Trần Hưng Đạo chia sẻ.
Mỗi căn biệt thự mang một số phận khác nhau nhưng đều chịu chung một tình cảnh, đó là xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân cốt lõi có lẽ bắt đầu từ nhu cầu phát triển, nhu cầu sống của người dân trong biệt thự khi người tăng nhưng đất không tăng, dẫn đến căn biệt thự xưa vốn chỉ giành cho một gia đình, thì nay lại giống như khu tập thể ổ chuột, khi người dân tự ý cơi nới trái phép, cầu thang làm nơi chứa đồ, tự ý dựng nhà vệ sinh ngay lối đi, làm thêm gác xép, hay sự phình ra bởi những chuồng chim, chuồng cọp…
“Một trong những tác nhân rất lớn ảnh hưởng đến biệt thự cổ là chúng ta phải xây xen vào giữa nội đô những công trình như trường học, nhà trẻ... Cái thứ 2 là chúng ta phải mở một hệ thống đường xá mới để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cái thứ 3 là diện tích không tăng nhưng dân số tăng lên rất nhanh”, KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích.
Bài toán bảo tồn “treo” lời giải?
Xác định được giá trị trên nhiều phương diện như kiến trúc, lịch sử, văn hóa, đô thị và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp đó; năm 2008, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết về Đề án Quản lý Quỹ biệt thự trên địa bàn Hà Nội. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã lập danh mục 1.253 nhà biệt thự xây trước năm 1945 và chia thành các nhóm theo mức độ cần bảo tồn để quản lý.
“Sau quyết định của thành phố và dựa vào kết quả nghiên cứu của các nước thì cho phép chúng ta phân loại các biệt thự để bảo tồn. Các biệt thự cấp 1 là những biệt thự rất có giá trị về không gian ở, kiến trúc và phong cách nghệ thuật thì chúng ta phải bảo tồn, giữ nguyên. Loại 2 là những biệt thự có giá trị nhưng được phép cải tạo theo phong cách vốn có của nó. Loại 3 là những biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, kiến trúc cũng không đặc sắc tiêu biểu thì cho phép tháo dỡ để xây mới”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Nói là vậy, nhưng đã hơn 10 năm thực hiện đề án, quyết tâm của thành phố dường như vẫn chưa tạo ra hiệu quả, khi câu chuyện bảo tồn biệt thự cổ vẫn là một bài toán khó. Đâu đó vẫn tồn tại một nghịch lý trong sự bảo tồn, đó chính là nhu cầu phát triển. Cách thức của thành phố Hà Nội là liệt các biệt thự vào danh mục bảo tồn, nhưng không cho phép người dân sửa chữa dù đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng vì không được phép, không có một hướng dẫn, khuôn mẫu nào về tiêu chuẩn sửa chữa, nên không ít ngôi biệt thự cũ bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài và mục đích, công năng sử dụng.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc bảo tồn biệt thự cổ đang được quan tâm nhưng chưa đúng cách dẫn đến việc bảo tồn nhiều năm qua vẫn chưa đạt hiệu quả: “Câu chuyện bảo tồn không chỉ là bảo tồn mỗi công trình biệt thự mà còn là bảo tồn không gian sống. Muốn vậy, phải giảm số người sinh sống trong biệt thự cổ, hỗ trợ và hướng dẫn sửa chữa những nơi xuống cấp theo những tiêu chí nhất định. Nếu tiếp tục buông lỏng vấn đề này, chúng ta sẽ dần mất đi quỹ di sản rất độc đáo của đô thị mà không phải quốc gia nào cũng có được”.
Trong nhiều năm qua, biệt thự cổ hà Nội là một điển hình thường được dẫn ra khi bàn luận về đề tài bảo tồn di sản đô thị. Bởi hầu hết công trình này không chỉ là của chủ sở hữu, mà những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các công trình còn là di sản của đô thị, của quốc gia. Giải quyết bài toán bảo tồn có lẽ phải xuất phát từ câu hỏi nên giữ cái gì, và bỏ cái gì.
“Bảo tồn và phát triển luôn có mâu thuẫn nhưng không đối kháng. Câu chuyện đặt ra là làm thế nào có thể dung hòa mâu thuẫn đó thì trong thực tế chứng minh cho rằng không thể nào bảo tồn được tất cả các công trình vì nó đồng nghĩa với việc không có quỹ đất cho chúng ta phát triển. Vậy nên những phần thuộc về ký ức của lịch sử thì chúng ta phải giữ, những công trình có giá trị đặc trưng gắn liền với ký ức của đô thị, của một vùng đất thì cần được bảo tồn. Những di sản đó đến một thời điểm nào đó rất có thể sẽ trở thành nguồn lực cho sự phát triển”, PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng nêu quan điểm.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, yếu tố bảo tồn rất quan trọng, là một giải pháp để cộng đồng và thế hệ trẻ có thể tiếp xúc với không gian đô thị, giá trị văn hóa, giá trị về kiến trúc vật thể của dân tộc. Cần đặt ra vấn đề phải bảo tồn vì trong xu thế đô thị hóa hiện nay, một đô thị hiện đại phải luôn luôn gắn với văn minh, văn hiến. Nếu như trong phát triển đô thị mà chỉ quan tâm đến hiện đại thì đô thị sẽ thiếu đi sức cạnh tranh, thiếu đi cái bản sắc riêng của đô thị. Khi đô thị có được bản sắc riêng thì đó chính là động lực để phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia, bảo tồn nếu không đi đôi với phát triển, không dựa trên nhu cầu và mong muốn thực tế của người dân; đồng thời, giữa người dân, chính quyền và chuyên gia bảo tồn chưa có sự đồng bộ, thống nhất sẽ dẫn đến câu chuyện bảo tồn đang tạo ra phản ứng ngược, đang dần “giết chết di sản”.
Do vậy, bên cạnh việc bảo vệ không gian kiến trúc truyền thống, chính quyền cần tạo điều kiện về chính sách sửa chữa, tư vấn về mẫu nhà cụ thể để người dân sửa chữa, cải tạo phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trước tiên, phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt người dân tại các ngôi nhà. Có ổn định thì người dân mới cùng tham gia cải tạo, gìn giữ và bảo tồn kiến trúc đặc trưng của thành phố. Nếu không kịp thời có những giải pháp phù hợp thì tình trạng xuống cấp tại các ngôi biệt thự cổ sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, sau đó là diện mạo của đô thị.