Aa

Biệt thự cổ TP. HCM : 41 năm chưa có tiêu chí bảo tồn

Chủ Nhật, 01/01/2017 - 15:01

Gần nửa trong số 1.300 biệt thự cổ ở TP. HCM biến mất một cách nhanh chóng nhưng hiện tại thành phố vẫn chưa có tiêu chí phân loại, quản lý rõ ràng.

Sau hơn 6 tháng bị đình chỉ thi công (27/6), biệt thự cổ hơn 100 tuổi mang kiến trúc Pháp tọa lạc tại số 237 Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh vẫn còn ngổn ngang gạch đá chờ ngày được phục hồi nguyên trạng theo quyết định của Sở Xây Dựng.

1. Biệt thự cổ ở 237 Nơ Trang Long bị dỡ phần mái.

 Biệt thự cổ ở 237 Nơ Trang Long bị dỡ phần mái.

Theo tìm hiểu, chủ căn biệt thự  đã xin phép sửa chữa và quận cũng đã xin ý kiến của UBND thành phố trong vòng 10 tháng nhưng không nhận được câu trả lời. Khi bắt đầu tháo dỡ, nhờ một kiến trúc sư phản ánh, phường 11 đã tạm đình chỉ thi công theo quyết định của Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó khi một công trình hơn 100 tuổi, mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu chưa được xếp hạng vì dự thảo đánh giá, phân loại biệt thự chưa được thông qua.

1. Phần nhà phía sau biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long bị phá dỡ hoàn toàn.

 Phần nhà phía sau biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long bị phá dỡ hoàn toàn.

Cùng thời điểm trên, căn biệt thự ở số 12 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1 cũng bị buộc dừng tháo dỡ để chờ quyết định. Tuy nhiên, khi nhận được lệnh tạm đình chỉ thì biệt thự chỉ còn trơ vách tường. Kiến trúc khu vực này đã biến đổi. Trước đây, biệt thự 12 Lý Tự Trọng là khu đất rộng nhưng hiện tại đã hình thành các công trình cao tầng độc lập xen cài biệt thự và vài dãy nhà phố liên kế do tách thửa ở các số 8, 10, 17, 19, 21.

1. Biệt thự cổ tại số 12 Lý Tự Trọng đập phá các bức tường cuối cùng vào sáng ngày 5/12/2016 sau thời gian dài chờ Sở Xây Dựng cấp phép.

Biệt thự cổ tại số 12 Lý Tự Trọng được đập phá các bức tường cuối cùng vào sáng ngày 5/12/2016 sau thời gian dài chờ Sở Xây Dựng cấp phép.

Nhiều tòa nhà “mọc” lên từ vị trí các biệt thự cổ trước đó không phải là điều gì lạ tại TP. HCM, nếu biệt thự đó không thuộc công trình văn hóa đặc sắc, cần được bảo vệ. Nhiều trường hợp biệt thự được tháo dỡ với lý do cũ trong khi cơ quan chức năng chưa kịp đưa ra kết luận có nên bảo tồn hay không, như trường hợp của ngôi biệt thự 12 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM. Trước đây là biệt thự cổ thuộc kiến trúc Pháp, sau thời gian dài không được bảo dưỡng, nhiều bộ phận ngôi nhà xuống cấp gây nguy hiểm. Ngôi biệt thự lại chưa có văn bản chính thức nào xếp loại có cần được bảo tồn hay không, để đảm bảo an toàn, ngôi biệt thự được tháo dỡ.Sau 2 năm phá dỡ,nền biệt thự cổ 12 Lê Duẩn hiện trở thành bãi giữ xe.

Nhiều căn biệt thự cổ nếu không biến mất một cách nhanh chóng thì vẫn nằm đó hàng năm trời trong tình cảnh bị “chia năm xẻ bảy” khuôn viên. Ngụ tại số 6C, Tú Xương, quận 3 là một biệt thự thuộc sở hữu nhà nước có tổng diện tích khuôn viên hơn 2.000m2, trong đó ngôi biệt thự một trệt, một lầu chiếm diện tích gần 425m2, diện tích sân vườn, hồ bơi chiếm 1.625m2.

Biệt thự trên được Văn phòng Chính phủ bố trí cho 8 cán bộ, nhân viên làm nhà ở và cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP bán nhà cho người dân theo nghị định 61 từ năm 2002. Nhiều người dân đã tiến hành xây dựng trái phép trên phần đất chung của khu biệt thự này. Tổng diện tích sàn xây dựng vi phạm lên đến 1.300m2, thời điểm vi phạm kéo dài từ trước năm 1993 đến năm 2007.

Sáng ngày 6/12/2016, phóng viên Reatimes quay lại thì 3 ngôi nhà xây dựng trái phép bị phá dỡ theo lệnh cưỡng chế của UBND phường 7, quận 3. Hiện tại, trong khuôn viên, gạch đá nằm ngổn ngang, cỏ mọc xanh một phần lối vào và cảnh quan xung quanh bị cắt xẻ thành nhiều thửa nhỏ khiến chẳng ai nghĩ đây từng là một trong những biệt thự đẹp của TP. HCM trước đây.

1. Biệt thự 6C Tú Xương nhìn từ cổng chính.

Biệt thự 6C Tú Xương nhìn từ cổng chính.

TP. HCM từng thống kê có đến 1.300 căn biệt thự cổ (xây trước năm 1975), tập trung nhiều nhất ở quận 1 và 3, trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, khảo sát trong thời gian gần đây, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM) xác định có đến gần nửa biệt thự cổ đã “biến mất”. Đường Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn hiện chỉ còn 24, đường Hai Bà Trưng 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20, đường Lê Quý Đôn và Mạc Đỉnh Chi nay chỉ còn 6 trong số 20 căn...

Trước tình trạng này, UBND TP. HCM đã ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân và đơn vị tự ý tháo dỡ hai biệt thự cổ giá trị trên. Thành phố cũng yêu cầu Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM hoàn chỉnh tiêu chí phân loại biệt thự cổ để xem xét cấp phép sửa chữa cho người dân có nhu cầu. Hiện tại, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự nhưng chưa được thành phố thông qua.

Biệt thự cổ mất đi là một xu hướng

Biệt thự cổ là hình ảnh văn hóa đặc trưng ở Sài Gòn. Tuy nhiên không phải thời nào quan niệm thẩm mỹ cũng giống nhau, nên nhìn nhận việc Sài Gòn mất đi biệt thự cổ là một xu hướng tất yếu.

Thứ nhất, việc sang đổi chủ nhiều lần nhưng không phải ai cũng xem kiến trúc cổ là phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại. Chưa kể thời gian xây dựng quá lâu, công trình xuống cấp nhưng chủ sở hữu lại khó khăn trong việc xin phép sửa chữa, trùng tu.

Thứ hai, vấn đề về kinh tế thị trường ảnh hưởng lớn đến quyết định phá dỡ. Biệt thự cổ nằm ở vị trí đắc địa, phù hợp kinh doanh cũng một phần đẩy biệt thự cổ đi vào “ngõ tử”.

Thứ ba, đối với những nhà cổ thuộc sở hữu của tư nhân, để giữ gìn biệt thự cổ các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ nhà thực hiện sửa chữa. Phải có tiêu chí quản lý rõ ràng, để vừa đảm bảo quyền được xử lý tài sản của chủ sở hữu, vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn các công trình có ý nghĩa văn hóa, lịch sử của thành phố.

Tiến sĩ Trần Long

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top