Aa

Bình Định gọi vốn hơn 1.177 tỷ đồng vào dự án khu nông nghiệp công nghệ cao về tôm

Thứ Tư, 04/10/2023 - 08:00

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ sẽ đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tôm công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 240 triệu USD/năm.

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ được UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, dự án có diện tích hơn 218ha, bao gồm: khu sản xuất, chế biến hơn 197,98ha, khu điều hành 10ha và các hạng mục phụ trợ 10,98ha.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 1.177 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án là 900 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sơ bộ hơn 277 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định cho thuê đất). Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 4,5 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực. Quý II/2028 sẽ vận hành đi vào hoạt động toàn bộ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dự kiến dự án xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến tôm công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 200 - 240 triệu USD/năm; xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 ngàn tấn/năm. 

Đồng thời, hoàn thiện và đưa vào sản xuất khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 7.000 tấn nguyên liệu tôm/năm, khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng với công suất 2 tỷ con giống/năm và trạm bơm nước biển cũng được hoàn thiện và đưa vào hoạt động.

Bình Định tìm nhà đầu tư cho dự án nuôi tôm công nghệ cao tại Phù Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Tập đoàn Việt - Úc)

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cho biết, việc thu hút nhà đầu tư triển khai dự án nhằm hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại tỉnh Bình Định. Dự án sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 2.500 người.

Đáng chú ý, dự án sẽ xây dựng các mô hình trình diễn, sản xuất, trưng bày các chế phẩm sinh học, thức ăn vi sinh, thuốc kháng, chữa bệnh cho tôm, thuốc xử lý môi trường; phát triển sàn giao dịch thương mại về tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút 34 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 15 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản; 06 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, hạ tầng; 05 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, đến hết năm 2023, địa phương coi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt. Để từ đó, Bình Định sẽ là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung.

Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung ưu tiên thu hút các dự án phát triển công nghệ cao, hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top