Theo đó, Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân đạt 100% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2024. Trong đó, đến hết quý II/2024 đạt trên 40%, hết quý III/2024 đạt trên 60%, đến hết quý IV/2024 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2024 đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2025 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, sẽ thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước năm 2024, trực tiếp làm việc với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư để kiểm tra đôn đốc, đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước năm 2024, nhất là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm; giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công theo lĩnh vực được phân công; kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc trong đầu tư công, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Đẩy mạnh tiến độ đầu tư công
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư cần quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chủ động rà soát và báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể, đối với các dự án hoàn thành, chuyển tiếp cần tập trung tối đa nguồn lực, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tổ chức nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn đầu tư công ngay khi có khối lượng; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan tài chính thẩm tra, trình phê duyệt theo thẩm quyền.
Đối với các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, phấn đấu lựa chọn được nhà thầu triển khai thi công trong quý I/2024.
Đối với các dự án ODA sẽ khẩn trương liên hệ chặt chẽ với các cơ quan trung ương để hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc điều chỉnh thỏa thuận vay để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo điều kiện triển khai dự án; rà soát lại nhu cầu kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 để đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn (nếu có); đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo đúng thời gian quy định và theo cam kết với nhà tài trợ.
Các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng; tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc để các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chuyển (cắt giảm, bổ sung) kế hoạch vốn năm 2024 (ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, vốn nước ngoài) của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2024 sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn để đẩy nhanh tiến độ.
Đồng thời, việc điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 giữa các dự án thực hiện các đợt điều chỉnh chính trên cơ sở các Quyết định giao kế hoạch vốn của UBND tỉnh (Quyết định số 4565/QĐ-UBND ngày 8/12/2023 và các Quyết định phân bổ chi tiết, điều chỉnh, bổ sung khác của UBND tỉnh).
Chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc hỗ trợ giải ngân cấp tỉnh (nếu cần thiết) để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành của các đơn vị và địa phương. Sở Tài chính chủ trì, đôn đốc các đơn vị thu, đảm bảo nguồn vốn (nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết) theo các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Các sở quản lý xây dựng công trình chuyên ngành của tỉnh (Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh...) đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế - dự toán công trình do mình thẩm định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục về môi trường đối với các dự án đầu tư công theo đúng quy định.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng kịp thời bảo đảm theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh giá gói thầu, tổng mức đầu tư dự án.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư (thẩm định, phê duyệt) của dự án theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn.
Các cơ quan chủ quản thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh: Thường xuyên tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia được giao kế hoạch năm 2024, đặc biệt là kế hoạch vốn năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.