Aa

Bình Định: Núi Hòn Chà tiếp tục bị “băm nát”, nỗi lo sạt lở núi vào mùa mưa

Thứ Bảy, 21/10/2023 - 06:05

Dù đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực núi Hòn Chà, TP. Quy Nhơn, Bình Định nhưng tình trạng khai thác đá trái phép vẫn tái diễn.

Từ Quốc lộ 1A, đoạn qua phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhìn lên núi Hòn Chà dễ dàng thấy cảnh tượng núi đá bị khai thác nham nhở.

Đất bị múc sâu hoắm để móc các tảng đá lớn lên, những mảng rừng bị băm nát, triền núi bị xới tung, lở lói. (Ảnh nguồn N.L)
Hoạt động khai thác khoáng sản ở đây diễn ra liên tục. (Ảnh N.L)

Những mảng tài nguyên bị cưa xẻ

Người dân sống xung quanh khu vực này cho biết, thời gian qua, núi Hòn Chà luôn là mục tiêu của nạn khai thác đá trái phép. Tiếng khoan đục đá chát chúa lẫn tiếng động cơ của những người khai thác tại đây diễn ra thường xuyên. Mỗi ngày có đến hàng trăm khối đá được chuyển đi.

Những khối đá lớn khai thác tại núi Hòn Chà được xe container chở đi mỗi ngày. (Ảnh nguồn N.L)

Chia sẻ với PV, ông N.T. A sống tại phường Bùi Thị Xuân ngán ngẩm cho biết, bao năm qua họ sống trong cảnh khốn khổ vì bụi bặm, tiếng ồn, đường sá bị xe chở đá cày nát. Đáng lo hơn là có những đoạn núi sạt lở đất đá tràn xuống mặt đường trong khi chính quyền địa phương chưa thực sự xử lý triệt để. Qua tìm hiểu, các đối tượng khai thác đá tại khu vực núi Hòn Chà thuộc nhân viên của Công ty TNHH Xuân Nguyên.  

Trước đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Quy Nhơn có báo cáo số 34/BC-TNMT về việc xử lý trường hợp khai thác đá trái phép tại chân núi Hòn Chà (thuộc khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn). Theo báo cáo, hành vi của Công ty TNHH Xuân Nguyên là vi phạm quy định tại Điều 47 Nghị định 36/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 04/2022 ngày 6/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ. Bởi, phần diện tích khai thác đá nằm ngoài ranh giới của Khu công nghiệp Phú Tài thuộc phần diện tích đã có Quyết định thu hồi của UBND tỉnh Bình Định.

“Tôi kính đề nghị UBND tỉnh sớm giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp giấy phép giữa Công ty TNHH Xuân Nguyên với nhà nước. Từ đó, phía phường mới có cơ sở hành lang pháp lý để kiểm tra xử lý việc khai thác tại núi Hòn Chà”, ông Đặng Thành Hổ, chia sẻ.

Ông Bùi Quang Thủy, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn cho biết, đúng là có hoạt động khai thác đá trái phép tại núi Hòn Chà. Địa phương đang phối hợp với tổ liên ngành của TP. Quy Nhơn kiểm tra, ngăn chặn, xử lý. Trong khi đó, ông Đặng Thành Hổ, Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu cũng cho biết, phường đã nắm được việc khai thác tại núi Hòn Chà nhưng vì vượt cấp thẩm quyền nên phường khó xử lý. 

Cũng theo Hổ, vừa rồi đoàn của TP. Quy Nhơn về kiểm tra nhưng vẫn không thể xử lý được Công ty TNHH Xuân Nguyên. Nguyên do là giấy phép của công ty này đang tranh chấp với UBND tỉnh và đang chờ quyết định của toà án cấp cao.

Nỗi lo rình rập

Trao đổi với PV Reatimes, ông Trần Hồng Tuấn, Giám đốc Truyền tải điện Bình Định, cho hay tình trạng khai thác khoáng sản tại núi Hòn Chà đang là mối uy hiếp rất lớn vào mùa mưa. Bởi, tình trạng đào đất, khai thác đá, san ủi mở đường vận chuyển tại khu vực gần móng cột, gây mất an toàn cho móng cột đang vận hành.

“Việc đào đất, khai thác đá, san ủi mở đường vận chuyển tại khu vực gần đường dây 220KV Quy Nhơn – Tuy Hòa trên núi Hòn Chà dễ gây sạt lở, sụp lún móng cột đe dọa đến an toàn vận hành. Truyền tải điện Bình Định đã nhiều lần có văn bản (văn bản số 1011/CV-TTĐBĐ-KT ngày 14/11/2021 gửi UBND TP. Quy Nhơn về việc Ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn cho các móng cột đang vận hành đường dây 220KV Quy Nhơn -Tuy Hòa; văn bản số 245/CV-TTĐBĐ ngày 28/03/2022 gửi UBND phường Trần Quang Diệu, UBND TP. Quy Nhơn về việc ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn đường dây 220KV Quy Nhơn –Tuy Hòa)”, ông Trần Hồng Tuấn, nói thêm.

Cũng theo ông Trần Hồng Tuấn, Truyền tải điện Bình Định trong quá trình kiểm tra định kỳ hàng tháng đã thực hiện nhắc nhở, cảnh báo các cá nhân đang thực hiện khai thác đá tại hiện trường về nguy cơ gây mất an toàn đường dây truyền tải và yêu cầu không tiếp tục thực hiện việc đào đất, khai thác đá gần móng cột.

Ông Trần Hồng Tuấn nói rằng đơn vị cũng đã chủ động báo cáo, phối hợp với UBND phường Trần Quang Diệu để kiểm tra tại hiện trường việc khai thác đá, sau ủi mở đường tại các vị trí. Ngày 29/09/2023, Truyền tải điện Bình Định có văn bản số 854/CV-TTĐBĐ- KT báo cáo UBND phường Trần Quang Diệu, UBND TP. Quy Nhơn và Sở Công thương tỉnh Bình Định về việc khai thác đá, sau ủi mở đường nguy cơ gây mất an toàn vận hành đường dây 220KV Quy Nhơn – Tuy Hòa. Tiếp theo, ngày 02/10/2023 Truyền tải điện Bình Định đã phối hợp với UBND phường Trần Quang Diệu kiểm tra thực tế tại hiện trường tại các vị trí 03, 04, 05 đường dây 220KV Quy Nhơn – Tuy Hòa để đánh giá nguy cơ gây sạt lở, sụp lún vào mùa mưa đe dọa đến an toàn vận hành đường dây 220KV Quy Nhơn – Tuy Hòa.

“Truyền tải điện Bình Định kính đề nghị UBND tỉnh Bình Định quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn các hành vi đào, khai thác đất đá trái phép; kiểm tra hiện trường và đánh giá tác động sụt lún của nền đất xung quanh trước khi cấp phép xây dựng và khai thác đất đá gần khu vực móng cột của đường dây có nguy cơ sạt lỡ, sụt lún móng cột đường dây Truyền tải điện Quốc Gia”, ông Trần Hồng Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều khu vực khai thác đá gần gần móng cột, gây mất an toàn. (Ảnh N.L)

Được biết, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiều lần có văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực núi Hòn Chà, TP. Quy Nhơn kịp thời theo quy định pháp luật.  Đồng thời, có biện pháp cụ thể, lâu dài chấn chỉnh công tác bảo vệ khoáng sản, không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn tại khu vực này. Tuy nhiên, núi Hòn Chà vẫn "kêu cứu" vì tình trạng này tiếp tục diễn ra. Cả dãy núi lớn bị băm vằm không thương tiếc mà vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Có thể thấy, việc khai thác khoáng sản mang lại những nguồn lợi lớn cho địa phương có mỏ, cho doanh nghiệp thực hiện khai thác nhưng lại có những tác động rất lớn tới môi trường, có thể phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan, hậu quả lâu dài không thể hoàn thổ, không thể phục hồi môi trường sau khai thác, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa thải với diện tích lớn.

Thậm chí, khi kết thúc khai thác vẫn còn nguy cơ sạt lở bãi thải, sụt lún, mang theo các chất ô nhiễm ra môi trường. Làm sao để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và gìn giữ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân, đây là câu hỏi lớn dành cho các nhà quản lý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top