Ngày 15/11, UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn (thuộc phía Bắc tỉnh, giáp giới Quảng Ngãi). Dự án được chia thành 3 giai đoạn với công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép cuộn, thép xây dựng…
Bên cạnh đó, công ty này cũng tính tới việc cần phải đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khu liên hợp có quy mô lớn này. Hiện tại, cảng Hoài Nhơn không đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn mà dự án cần. Do vậy, cảng sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 496,9ha mặt đất và mặt biển với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Dự án phụ trợ này được chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025: Xây dựng 10 bến/2.525m; khu hậu cần cảng khoảng 44ha; chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000m; công suất 11 - 13 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 từ năm 2025 với 13 bến/3.525m; khu hậu cần cảng khoảng 44ha; chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000m; công suất 30 - 35 triệu tấn/năm. Các hạng mục, thông số cho cả hai giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025 gồm: Bề rộng luồng 230m; cao độ đáy luồng -21,0m (hải đồ); một vũng quay tàu đường kính 670m; cỡ tàu đến 250.000 tấn.
Theo thông tin từ Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, với quy mô của cả 2 dự án trên, bước đầu phía công ty đầu tư cần tuyển dụng 3.000 lao động, chủ yếu sử dụng lao động tại chỗ. Trong đó, đối với thuyền viên tàu biển làm việc trên đội tàu biển, công ty sẽ liên hệ với các trường có chức năng đào tạo thuyền viên để ký hợp đồng đào tạo. Riêng các ngành khác như cơ khí, điện, tự động hóa, luyện kim, vận hành thiết bị cảng, lái xe, lái máy công trình, kế toán, quản trị, bảo vệ… sẽ được đào tạo tại các trường đào tạo phù hợp, hỗ trợ kinh phí ăn ở trong quá trình học, đào tạo. Sau đó, theo dự kiến, khi dự án thành hình, nhu cầu này có thể lên đến hơn 10.000 người cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm đáng kể cho cả tỉnh lẫn khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất là tác động của dự án đối với môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Trước đó, dự án dự kiến sẽ thực hiện tại 2 xã Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) với tổng diện tích đất là 499,6ha.
Dự án ban đầu có 2 dự án thành phần tương tự hiện tại là nhà máy sản xuất gang thép và cảng tổng hợp quốc tế. Tuy nhiên, do một phần diện tích đề xuất làm dự án nêu trên là đất rừng, đất lâm nghiệp nên cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh này đã có tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đã nêu theo đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như trong quá trình khảo sát đánh giá địa điểm đầu tư, Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đã đề xuất được khảo sát thêm một số vị trí khác trên địa bàn tỉnh Bình Định để có lựa chọn tối ưu về địa điểm xây dựng, đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như các yếu tố cơ sở hạ tầng xung quanh dự án. Đến cuối tháng 10/2022, Bình Định đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị tạm dừng chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để thực hiện dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn Phù Mỹ./.
Với việc chấp thuận lần này, UBND tỉnh Bình Định có chỉ đạo yêu cầu dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển; không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường; chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Đồng thời, ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện dự án, tạo điều kiện cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.