Bình Định: Xây dựng đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng

Bình Định: Xây dựng đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng

Thứ Hai, 08/01/2024 - 06:00

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại Bình Định đạt 46,3%, cao hơn bình quân chung cả nước. Bình Định cũng đang điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

***

LTS: Trao đổi với Reatimes, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển đô thị để tạo động lực phát triển. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển, những tuyến đường kết nối các đô thị từ phía Tây về phía biển đã được thi công hoàn chỉnh. Đây là thế mạnh của tỉnh để thu hút nhà đầu tư, đồng thời mở rộng quỹ đất phát triển đô thị, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Quá trình đô thị hóa ở Bình Định vẫn còn hạn chế

PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về quá trình phát triển đô thị, từng bước đô thị hóa của tỉnh Bình Định trong thời gian qua?

Ông Trần Viết Bảo: Thời gian qua, Bình Định đã tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng đô thị để tạo động lực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Một số công trình trọng điểm trở thành điểm nhấn đô thị như: Đường Xuân Diệu, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Hội nghị tỉnh… Các dự án giao thông trọng điểm trên toàn tỉnh đã tạo sự gắn kết về không gian, mang lại những giá trị cảnh quan tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị và du lịch như: Tuyến QL 19 mới từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao QL 1A, hầm đường bộ Cù Môn, đường Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP, tuyến đường trục Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội nối dài từ Cảng hàng không Phù Cát về KKT Nhơn Hội; tuyến đường ven biển ĐT 639 kết nối từ TP. Quy Nhơn đến Hoài Nhơn...

Hiện tại, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bình Định đạt 46,3%, cao hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể, có 1 đô thị loại I (TP. Quy Nhơn), 1 đô thị loại III (TX. An Nhơn), 2 đô thị loại IV (TX. Hoài Nhơn, TT. Phú Phong), 16 đô thị loại V (TT. Vĩnh Thạnh, TT. Vân Canh, TT. An Lão, TT. Tăng Bạt Hổ, TT. Phù Mỹ, TT. Bình Dương, TT. Ngô Mây, TT. Cát Tiến, TT. Tuy Phước, TT. Diêu Trì, Tây Giang, Mỹ Chánh, Phước Lộc, Phước Hòa, An Hòa, Cát Khánh).

PV: Bình Định được đánh giá là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng lại chậm phát triển. Vậy theo ông, hạn chế này xuất phát từ đâu?

Ông Trần Viết Bảo: Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung, có 134km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng còn rất hoang sơ, cát trắng mịn thoai thoải, nước biển trong xanh, quanh năm tràn ngập ánh nắng; nhiều địa danh du lịch biển nổi tiếng như Hải Giang, Eo Gió, Kỳ Co, Trung Lương, Tân Thanh, Vĩnh Hội…, nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển; có lịch sử và văn hóa hào hùng với phong trào Tây Sơn gắn với Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, là nơi được xem như đất võ, trời văn. 

Quá trình đô thị hóa ở Bình Định gần như là tự phát, ít chịu sự ảnh hưởng lan tỏa của các vùng kinh tế phát triển. Các đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đô thị nhỏ và vừa; hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được đầu tư đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, chưa có đô thị đủ các tiêu chí trở thành động lực cấp khu vực; tỷ lệ đô thị hóa phân bổ không đều…

Ông Trần Viết Bảo

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định

Về giao thông có Cảng biển quốc tế Quy Nhơn nối với tuyến đường bộ Đông - Tây, nối liền với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có QL 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua cùng sân bay Phù Cát. Tuy nhiên, Bình Định là điểm giữa của mảnh đất hình chữ S, quá xa 2 đầu phát triển của đất nước là Hà Nội và TP. HCM, xa các trung tâm động lực vùng.

Quá trình đô thị hóa ở Bình Định gần như là tự phát, ít chịu sự ảnh hưởng lan tỏa của các vùng kinh tế phát triển. Ngoài ra, vấn đề thu ngân sách trên địa bàn chưa cao, vẫn còn nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương để đầu tư phát triển, do vậy còn một số hạn chế như: Các đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đô thị nhỏ và vừa; hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa được đầu tư đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, chưa có đô thị đủ các tiêu chí trở thành động lực cấp khu vực; tỷ lệ đô thị hóa phân bổ không đều…

Bình Định: Xây dựng đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng- Ảnh 1.

Bình Định là tỉnh Duyên hải miền Trung, sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển. (Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

Đánh thức dư địa, phát triển đô thị bền vững

PV: Với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, tỉnh Bình Định định hướng và xây dựng kế hoạch triển khai đề án phát triển các đô thị theo mô hình như thế nào để có thể đưa tỉnh vào nhóm phát triển dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung?

Ông Trần Viết Bảo: Cấu trúc không gian đô thị tỉnh Bình Định sẽ được phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế.

Cụ thể, toàn tỉnh Bình Định được chia làm 2 vùng chính: Phân vùng Bắc gồm 4 đơn vị hành chính phía Bắc là TX. Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão, được xác định là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển chuyên dùng, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao.

Phân vùng Nam gồm 7 đơn vị hành chính phía Nam là TP. Quy Nhơn, An Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Đây là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải biển, đô thị thông minh.

Về 3 cực phát triển, TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận gắn với KKT Nhơn Hội được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Nam tỉnh Bình Định; TX. Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.

Về 3 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc Nam sẽ phát triển dọc theo QL 1A, kết nối các đô thị và cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) của Bình Định với các CCN, KCN dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung, phát triển công nghiệp ở Khu đô thị - Công nghiệp Becamex ở Vân Canh. 

Hành lang kinh tế biển dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. 

Hành lang kinh tế Đông Tây phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của QL 19, phát triển công nghiệp phía Nam QL 19 thuộc An Nhơn và Tây Sơn, thúc đẩy giao thương với vùng kinh tế thuộc các tỉnh Tây Nguyên là đầu mối xuất khẩu nông, lâm, thổ sản; nhập khẩu phân bón, hóa chất, nguyên (nhiên) liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vùng Tây Nguyên.

PV: Riêng đối với TP. Quy Nhơn, tỉnh sẽ phát triển các đô thị vệ tinh như thế nào để thích ứng trong thời kỳ mới?

Ông Trần Viết Bảo: TP. Quy Nhơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định; là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. 

TP. Quy Nhơn cũng là đầu mối giao thông thủy, bộ quan trọng của vùng Nam Trung Bộ, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông. Đặc biệt còn là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Do vậy, tỉnh sẽ phát triển, mở rộng TP. Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm.

Bình Định quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại KKT Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông xung quanh đầm Thị Nại để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Viết Bảo

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định

Bình Định quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại KKT Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông xung quanh đầm Thị Nại để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các chiến lược phát triển theo quy hoạch của TP. Quy Nhơn sẽ gắn với vùng phụ cận (huyện Tuy Phước và 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển, huyện Vân Canh) nhằm đáp ứng các vị thế vùng và khẳng định rõ vai trò, vị thế quốc gia, quốc tế.

Về hướng phát triển đô thị, TP. Quy Nhơn ưu tiên tập trung chỉnh trang đô thị hiện hữu, xây dựng mới các khu đô thị mới theo hướng về phía Tây, bám dọc theo tuyến QL 1A thuộc phường Trần Quang Diệu là khu vực có địa hình tương đối cao, quỹ đất tương đối thuận lợi và hạn chế tối đa lũ sông Kôn và sông Hà Thanh.

Ngoài ra, TP. Quy Nhơn cũng phát triển về phía Bắc dọc sông Hà Thanh thuộc phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Là khu vực chịu ảnh hưởng lũ sông Hà Thanh nên việc xây dựng khu vực này theo hướng phát triển Đông Tây, tránh cản trở dòng nước lũ, đặc biệt mở rộng lòng sông và khơi thông dòng chảy, xây dựng phát triển đô thị theo mô hình phân tán, ưu tiên các hành lang thoát lũ. Giai đoạn sau 2025 sẽ tập trung phát triển Khu đô thị mới Nhơn Hội sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Bình Định: Xây dựng đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

PV: Thưa ông, phát triển các dự án đô thị cũng là thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Bình Định đã tập trung nguồn lực cho việc này ra sao?

Ông Trần Viết Bảo: Việc phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì thế thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ - du lịch, văn hóa - xã hội, công nghệ thông tin.

Chúng tôi tập trung nguồn lực đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm kết nối giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh như: Cầu Thị Nại, tuyến đường ven biển (ĐT 639), đường 19C nối dài, đường phía Tây đầm Thị Nại; nâng cấp, mở rộng các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn; nâng cấp, mở rộng cụm cảng Quy Nhơn…; định hướng quy hoạch phát triển đô thị Quy Nhơn thành Tổ hợp đô thị Trí tuệ nhân tạo - Cảng biển - Du lịch quốc tế; Tổ hợp công nghiệp - đô thị VSIP - Vân Canh (định hướng công nghệ cao - sinh thái); Tổ hợp đô thị - cảng biển - công nghiệp Phù Mỹ; Tổ hợp công nghiệp - cảng biển Lộ Diêu; Trung tâm chuỗi sản phẩm tôm quốc tế Phù Mỹ. Đồng thời, nghiên cứu và bước đầu ứng dụng công nghệ AI và IoT để hỗ trợ hoạt động logistics, điều khiển mạng lưới giao thông đa phương thức cũng như phát triển giao thông công cộng theo nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi hướng đến xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học.

Tiếp tục phát triển Khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; xây dựng chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi - Mỹ Thành - Lại Giang; phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp; việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị) và nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát gắn liền với việc hình thành các khu đô thị dịch vụ.

Bình Định: Xây dựng đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng- Ảnh 3.

Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định

PV: Để phát triển nhanh và bền vững, Sở Xây dựng đã kiểm soát các dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư mới như thế nào?

Ông Trần Viết Bảo: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước của ngành xây dựng ở địa phương, Sở Xây dựng sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư mới có quy mô lớn, quan trọng.

Đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định số 75/2019/QĐ-UBND ngày 21/12/2019 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2035; các Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 19/04/2021, Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 20/10/2022, Quyết định số 3211/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025 để đảm bảo cơ sở triển khai đầu tư xây dựng các dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư mới, góp phần vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư các dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư mới tập trung các nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng, đồng bộ kiến trúc, kiên quyết xử lý, đề xuất xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng, qua đó đã tạo các khu đô thị, các khu nhà ở khang trang, đẹp, hiện đại.

Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Cần tháo gỡ bất cập để thị trường bất động sản phát triển, thúc đẩy phát triển đô thị

PV: Đối với thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý của Sở Xây dựng được tổ chức thực hiện như thế nào để thị trường phát triển an toàn, ổn định, bền vững, thưa ông?

Ông Trần Viết Bảo: Về công tác quản lý đối với thị trường bất động sản, chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách chung, những quy định của pháp luật còn có những bất cập, chồng chéo, gây cản trở cho việc triển khai các dự án bất động sản, chịu điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng cháy và chữa cháy…). Bên cạnh đó là trình tự thủ tục tổ chức triển khai thực hiện còn phức tạp, kéo dài.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội cũng còn nhiều bất cập. Chưa quy định cụ thể thủ tục việc hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20% (điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).

Quy định việc xác định 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư (điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ) chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến khi triển khai, nhiều địa phương phải có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn để thực hiện.

Chưa ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (theo chính sách hiện hành, công nhân cũng chỉ là đối tượng thu nhập thấp trong chính sách nhà ở xã hội).

Các dự án nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng công bố đủ điều kiện theo quy định và đã gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng chủ đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ hai, về thực tế triển khai dự án trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (người dân yêu cầu giá bồi thường cao, không đồng ý tái định cư vị trí mới…);

Khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng đất lúa; chuyển đổi đất rừng, không vay được tiền từ ngân hàng, một số dự án chưa được kết nối hạ tầng khung khu vực.

Các dự án nhà ở thương mại được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16/11/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định việc lựa chọn nhà đầu tư, quy định đầu tiên là mời sơ tuyển để lựa chọn nhà đầu tư, nếu có 2 nhà đầu tư quan tâm đủ điều kiện thì tổ chức đấu thầu rộng rãi. Hệ lụy vấn đề này là tốn thời gian sơ tuyển và đấu thầu rộng rãi cũng như việc thực hiện giá trị m3. Nên chăng không sơ tuyển mà đấu thầu rộng rãi ngay từ đầu.

Bình Định: Xây dựng đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng- Ảnh 4.

Công tác quản lý đối với thị trường bất động sản tại Bình Định vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... (Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

Thêm nữa, thời gian qua, giá cả vật tư, vật liệu, nhân công tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào các dự án tăng vọt, nhưng lại không đưa được sản phẩm ra thị trường.

Trước những vấn đề này, Sở Xây dựng đã có trách nhiệm đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 31/05/2023 về việc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thực hiện Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh có Văn bản số 5283/UBND-KT ngày 28/7/2023 chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã được UBND tỉnh cụ thể hóa tại Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 31/05/2023 và Văn bản số 2953/UBND-NC ngày 12/05/2023 về việc triển khai thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không né tránh, nội dung nào vượt thẩm quyền thì kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top