Aa

Bình Dương: Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, giúp nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn

Thứ Tư, 05/07/2023 - 06:06

Bí thư tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thủ tục hành chính, đất đai, tín dụng… để giúp nhà đầu tư yên tâm và nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Kinh tế khởi sắc, duy trì đà tăng trưởng

 Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,28%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,93%; dịch vụ tăng 5,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như may mặc, giày da, chế biến gỗ… tăng trưởng thấp so với các năm trước.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 69.864 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực vốn ngoài Nhà nước đạt 34.633 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 28.000 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện hơn 7.000 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,6% kế hoạch của tỉnh và 24,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ.

Về thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 2.852 doanh nghiệp trong nước đăng ký mới, với số vốn đăng ký 23.213 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; 37 dự án trực tiếp nước ngoài cấp mới với số vốn đăng ký 343,4 triệu đô la Mỹ, giảm 80,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022

Tại Hội n​ghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 25 - khóa XI (mở rộng) đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra ngày 3/7, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn song tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt kết quả tương đối, tăng 3,76% (bình quân cả nước tăng 3,72%; TP.Hồ Chí Minh tăng 3,55%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,47%, Đồng Nai tăng 4%).

Mặc dù lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm sâu, nhưng nhờ sự nỗ lực, chủ động triển khai các giải pháp có hiệu quả nên thu nội địa đạt khá, nâng tổng thu ngân sách ước đạt 31.550 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Đây chính là những "điểm sáng" tạo động lực để UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, điều hành, có giải pháp phù hợp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Chỉ đạo tại Hội n​ghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 25 - khóa XI, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm 2023.

Cụ thể, về phát triển kinh tế, Bí thư yêu cầu tiếp tục quan tâm đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng từng việc làm thật cụ thể, đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thủ tục hành chính, đất đai, tín dụng… giúp nhà đầu tư yên tâm và nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong công tác đầu tư công, Bí thư chỉ đạo tập trung điều hành đồng bộ các giải pháp, quyết tâm giải ngân vốn đạt trên 95%. Phấn đấu đến cuối năm 2023, Bình Dương hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng dự án đường Quốc lộ 13, hoàn thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.

Bí thư tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo tại Hội n​ghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 25 - khóa XI (mở rộng) đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra ngày 3/7 - Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương

Tỉnh cũng phấn đấu khởi công đường Vành đai 4 và dự án cảng An Tây trong đầu tháng 1/2024. Đây là cặp công trình đặc biệt chào mừng kỷ niệm 27 năm ngày tái lập tỉnh. Đồng thời, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý đầu tư đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành để khởi công vào quý 1/2024; chuẩn bị khởi công đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn…

Song song đó là tập trung hoàn thiện công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo chất lượng, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Bình Dương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính sách và triển khai thành lập các cụm công nghiệp để tiến hành di dời các doanh nghiệp phía Nam lên các địa phương phía Bắc, cuối năm 2023 di dời một số doanh nghiệp đã sẵn sàng và đồng thuận cao.

Ngoài ra, tỉnh còn rà soát, lựa chọn từ 70 đến 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện và sẵn sàng cho việc chuyển đổi số, cải tiến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ chuyển đổi, từ đây sẽ rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các doanh nghiệp khác trong thời gian tới.

Đến năm 2050 Bình Dương có 46 khu công nghiệp

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, theo quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp năm 2022, đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh có 46 khu công nghiệp với tổng diện tích 24.338 ha. Theo đó, Bình Dương đề xuất thành lập mới 15 khu công nghiệp với tổng diện tích (không bao gồm phân khu đô thị trong KCN - đô thị - dịch vụ) là 10.042 ha, tiếp tục thực hiện 31 KCN theo Công văn số 173/TTg.

Trong thời kỳ 2021-2030, Bình Dương ưu tiên đầu tư 18 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cần thực hiện là 6.573 ha. Như vậy, đến năm 2030, tổng diện tích đất công nghiệp dự kiến cần để thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp là 16.609 ha, tăng 1.619 ha; tổng diện tích đất của 2 dự án khu công nghiệp chuyển tiếp và 9 dự án khu công nghiệp quy hoạch mới còn lại sẽ được thực hiện sau năm 2030 là 3.901 ha.

Tầm nhìn đến năm 2050 (thời kỳ 2031-2050), Bình Dương còn 3.901 ha đất chưa đầu tư hạ tầng của các khu công nghiệp từ thời kỳ trước chuyển sang, trong thời kỳ này dự kiến tăng thêm 5 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 3.827 ha./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top