Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau gần 02 năm triển khai Nghị quyết số 43 và 57, các chính sách hướng đến hỗ trợ phục hồi kinh tế, chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp cơ bản đã phát huy hiệu quả nhất định, được người dân, doanh nghiệp đánh giá tích cực. Kinh tế của tỉnh đã cơ bản phục hồi lại như trước đại dịch Covid-19, một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng khá so với mức bình quân cả nước. Các hoạt động của đời sống xã hội đã quay trở lại trạng thái bình thường. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 8,01%; năm 2023 tăng 5,97%.
Tỉnh đã triển khai các chính sách tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Cụ thể, trong năm 2022, ngành Thuế đã có 1.598 lượt người nộp thuế được gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất và thuế của hộ kinh doanh cá nhân (thuế thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng) với tổng số được gia hạn là 2.224 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng đã thực hiện gia hạn đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I, quý II kỳ tính thuế năm 2022 cho 2.072 người nộp thuế. Sang năm 2023, ngành Thuế tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho 3.849 trường hợp với tổng số tiền 4.164,94 tỷ đồng. Thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường với số thuế giảm là 111,46 tỷ đồng. Giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc,… theo quy định với số tiền ước khoảng 128 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tiền gửi, triển khai các biện pháp giảm lãi suất tiền gửi để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn trên địa bàn phổ biến ở mức 3,5-8,0%/năm (lãi suất đầu năm từ 7,2 -9,5%/năm); lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 6,5-10,2%/năm (lãi suất đầu năm từ 8,8 – 11%/năm). Lãi suất cho vay đô la Mỹ ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-6,0%/năm.
Trên địa bàn tỉnh có 18 tổ chức tín dụng thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 8.371 tỷ đồng; tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 39,6 tỷ đồng với 73 khách hàng được hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là các doanh nghiệp. Các lĩnh vực cho vay hỗ trợ lãi suất tập trung chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành hàng không, vận tại kho bãi... Thực hiện Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, từ ngày 01/04/2023, Ngân hàng đã triển khai cho vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 04 ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tính đến tháng 10/2023, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 15.250 tỷ đồng với 531 khách hàng.
Đối với dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, nhìn chung tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đáp ứng mặt bằng để triển khai thi công. Tuy nhiên, công tác thu hồi đất của dự án chưa đạt kế hoạch đề ra, chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một số trường hợp…
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 02 Nghị quyết trên là việc phân bổ vốn đầu tư công còn chậm, dẫn đến không kịp giải ngân hết nguồn vốn được giao; một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp được cấp hạn mức tín dụng, tuy nhiên do đơn hàng sụt giảm nên không có nhu cầu giải ngân. Lãi suất cho vay mặc dù đã được giảm mạnh nhưng do một số khách hàng chưa đáp ứng các điều kiện về đơn hàng, tài sản bảo đảm… nên chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.
Trên cơ sở đó, đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Theo ông Lai Xuân Đạt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành cần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình, theo dõi sát các diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, chủ động và linh hoạt các biện pháp điều tiết và bình ổn thị trường phù hợp. Có phương án ứng phó, điều chỉnh kịp thời với các tình huống cấp bách, bất ngờ phát sinh. Nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện và thông tin, truyền thông về chính sách gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chủ động, linh hoạt trong triển khai, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, kinh nghiệm tốt để bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách.
Ông Hà Minh Trung - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ nhanh, hiệu quả, tránh nhầm lẫn, sai sót, trục lợi chính sách. Đồng thời, tham mưu kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp nợ, giãn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ 3-6 tháng để doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm, chăm lo đời sống, giữ chân người lao động. Các chính sách hỗ trợ cho người lao động cần dự kiến khoảng thời gian thực hiện phù hợp để tránh gây áp lực cho đội ngũ nhân sự trực tiếp triển khai cũng như tránh sai sót trong quá trình thực hiện; cần có các hội nghị triển khai, tập huấn cho các địa phương để việc áp dụng được thuận lợi, nhanh chóng.
Liên quan đến đường Vành đai 3, nhất là vấn đề tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng, ông Võ Ngọc Sang – Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, dự án đi qua nhiều địa bàn, số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án lớn (1.511 trường hợp) nên công tác chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc tốn nhiều thời gian; do đơn giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất được UBND tỉnh phê duyệt, còn một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung nên đã ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt phương án và bàn giao mặt bằng để thi công dự án; công tác phối hợp, giải quyết giữa các bên liên quan đôi lúc còn chậm, nhiều ý kiến chưa thống nhất. Ông đề nghị UBND các địa phương có dự án đi qua tiếp tục ban hành Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp còn lại.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đề nghị các sở, ngành rà soát lại tất cả các chính sách liên quan đến Nghị quyết số 43 và 57; tham mưu, hướng dẫn giải ngân các kinh phí còn vướng mắc; bổ sung trong báo cáo thêm kiến nghị giải pháp liên quan đến chính sách cho người lao động và doanh nghiệp; nghiên cứu, bố trí khu tái định cư liên quan đến dự án đường Vành đai 3 để ổn định cuộc sống của người dân.