Bitexco liên tục có ý kiến, UBND TP.HCM không trả lời
Tại trụ sở Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco - gọi tắt là Bitexco (địa chỉ Tầng 2, Tháp The Manor, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), đại diện Bitexco đã thông tin đến Reatimes, về các vấn đề liên quan đến dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Trước những ý kiến trái chiều về việc thực hiện dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa (gọi tắt là dự án Bình Quới – Thanh Đa), đại diện Bitexco cung cấp nội dung: “Về logic các bước, như đã biết trước đây, sau khi Bitexco nghiên cứu quy hoạch 1/2000 được phê duyệt, UBND TP.HCM có một quyết định (Quyết định 6288 – PV) giao cho liên danh giữa Bitexco và Emaar Properties PJSC. Nhưng sau đó, TP.HCM không trả lời được một số câu hỏi bao giờ giao vốn, thời hạn triển khai, bao giờ giao đất… nên Emaar Properties PJSC (công ty tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) xin rút để đầu tư ở thị trường khác”.
Đại diện Bitexco cho biết, về nguyên tắc, hai đơn vị liên danh làm chủ đầu tư của một dự án khi một đơn vị rút, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư phải phê duyệt điều chỉnh quyết định đầu tư (ở đây là Quyết định 6288), từ hai pháp nhân sang còn một pháp nhân là Bitexco.
“Về quy trình thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phải chủ trì cuộc họp giữa các sở, ban ngành để thẩm định lại năng lực của Bitexco, xem 2 ông làm được nếu rút đi 1 có làm được hay không”, đại diện Bitexco nói.
Theo đó, đã có nhiều cuộc họp và khẳng định Bitexco đủ năng lực. Sau đó, TP.HCM đã báo cáo xin ý kiến và Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo và quyết định rằng, trên cơ sở thẩm định lại thì điều chỉnh nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, kể từ đó đến bây giờ, UBND TP.HCM không điều chỉnh Quyết định 6288 từ hai xuống một đơn vị. Bitexco cũng chưa nhận được văn bản trả lời chính thức, rằng bác Bitexco không được làm chủ đầu tư dự án Bình Quới - Thanh Đa vì lý do gì. Trong khi, tất cả các yêu cầu của sở, ban ngành TP.HCM Bitexco đáp ứng hết, như làm các loại hồ sơ theo yêu cầu thẩm định và các cuộc họp liên ngành đều đã có”, đại diện Bitexco nói.
Theo đại diện Bitexco, đơn vị đã liên tục có ý kiến, nhưng đến thời điểm này chưa nhận được văn bản hay trả lời chính thức nào của UBND TP.HCM, liên quan đến số phận của Quyết định 6288.
“Xét về mặt lý thuyết, Bitexco không có đủ thẩm quyền để triển khai dự án Bình Quới - Thanh Đa, mặc dù là chủ đầu tư 1/2000 đã được phê duyệt, tiền đó mình ứng ra. Câu chuyện thứ 2 là cũng không trả lời Bitexco, không được làm vì lý do gì”.
“Lẽ ra không điều chỉnh xuống, thì phải trả lời chúng tôi là ông (UBND TP.HCM – PV) không điều chỉnh vì lý do gì và phải tính cho tôi việc trả tiền cho việc quy hoạch 1/2000 đã làm”, đại diện Bitexco nói thêm.
Theo như thông tin đại diện phía Bitexco cung cấp, đến thời điểm này mặc dù Bitexco đã nhiều lần có ý kiến liên quan đến dự án Bình Quới – Thanh Đa, thế nhưng, UBND TP.HCM không có văn bản hay trả lời chính thức. Điều này thật khó hiểu! Nếu đúng như vậy, một vấn đề đặt ra ở đây, tại sao UBND TP.HCM lại “bặt vô âm tín” trước những ý kiến của doanh nghiệp - ở đây là Bitexco?
Cần phải nhắc lại, kể từ năm 1992, UBND.TP.HCM đã quy hoạch khu Bình Quới – Thanh Đa thành “Khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí”. Nên nhớ, địa điểm quy hoạch trên nằm ở bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP. HCM), đang có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu.
Xét về quy mô, có thể nói dự án Bình Quới - Thanh Đa được xem là 1 trong 3 dự án quy mô lớn nhất và được quy hoạch từ khá sớm của TP.HCM, cùng với khu Nam Sài Gòn mà trọng điểm là Phú Mỹ Hưng (quận 7) và Thủ Thiêm (quận 2). Vậy nhưng, trên thực tế là dự án Bình Quới - Thanh Đa đang bị quy hoạch “treo” suốt 26 năm qua.
Đứng trên danh nghĩa là một doanh nghiệp, nếu không phải là Bitexco, chắc hẳn các đơn vị khác khi có ý kiến đến các cấp chính quyền địa phương, cũng đều nóng lòng chờ phản hồi. Hơn hết, đây là những quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp, thì việc phản hồi và minh bạch thông tin kịp thời là điều hết sức cần thiết.
Điều này càng thiết thực hơn khi gần đây, ngày 5/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg, về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2018.
Quay trở lại những ý kiến mà đại diện Bitexco chia sẻ ở trên, nên chăng, UBND TP.HCM cần xét lại quy trình phê duyệt và quyền lợi của chủ đầu tư thực hiện dự án, cũng như vấn đề thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
“Các báo nói có đơn vị này kia nộp hồ sơ thầu là sai”
Liên quan đến thông tin cho rằng có một số nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu để đấu thầu dự án Bình Quới – Thanh Đa, theo đại diện Bitexco, việc này do phóng viên các Báo không hiểu ý của ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM.
“Ông Hoan nói rằng, riêng dự án này thì nhà đầu tư chưa đủ điều kiện tiếp tục triển khai dự án. Nếu là một người hiểu biết về chuyên ngành, thì không đủ điều kiện có nghĩa là về mặt kỹ thuật, nếu muốn làm thì phải điều chỉnh Quyết định 6288. Nhưng, tất cả các báo đều quy chụp, nói Bitexco không đủ năng lực để triển khai dự án Bình Quới - Thanh Đa, cho nên phải đấu thầu lại. Cho dù các ông có đấu thầu lại hay là như thế nào, thì phải ra quyết định đấu thầu dự án cùng bộ tiêu chí đấu thầu, thông báo mời thầu…
Các báo cũng phỏng vấn chị Linh (bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - PV), chị ấy cũng nói chưa nhận được UBND TP.HCM trình ra bộ quy chế tiêu chí về mặt đấu thầu, thì làm sao có chuyện đấu thầu được. Cho nên, các báo nói có đơn vị này, đơn vị kia nộp hồ sơ thầu là sai”.
Đại diện Bitexco cũng cho hay, ông Võ Văn Hoan có nói trong cuộc họp, hiện tất cả tiêu chí để đấu thầu dự án các sở, ban ngành đang soạn và đẩy lên hệ thống Intranet của UBND TP.HCM và chưa được phê duyệt. Vì thế, không có chuyện nhận hồ sơ thầu.
“Mình có nguyện vọng thì mình cứ đề nghị thôi, nó khác với việc nộp hồ sơ dự thầu. Các báo viết nhận hồ sơ thầu 10 đơn vị, từ đó suy ra rằng ông Bitexco không có năng lực triển khai và để dự án treo 26 năm”, đại diện Bitexco cho hay.
Đối với dự án Bình Quới – Thanh Đa, phía Bitexco thừa nhận, đơn vị này chỉ là nhà đầu tư nửa chừng. “Có một ông rút đi xong bây giờ không điều chỉnh, nên mình cứ chung chiêng ở giữa”, đại diện Bitexco thông tin.
Với mong muốn PV nắm rõ hơn những thông tin liên quan đến dự án Bình Quới - Thanh Đa, đại diện Bitexco cho biết sẽ cung cấp một số văn bản liên quan như: Bản tổng hợp quá trình phát triển dự án, Quyết định 6288… Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, PV không nhận được phản hồi.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin./.