Toàn cảnh những dự án chưa có ngày hoàn thiện của Bitexco trên đất vàng Sài Gòn
Đều là những dự án "hoành tráng" nhưng không giống như dự án The Manor và Tháp tài chính Bitexco đã đi vào hoạt động, một loạt dự án khác của Bitexco chưa có nhiều tiến triển.
Điển hình như dự án The One trong Khu tứ giác Bến Thành, là một trong 20 ô phố được UBND TP.HCM gọi nhà đầu tư từ 2007, Bitexco đã tham gia đầu tư thực hiện dự án với số vốn trên 500 triệu USD, nhưng mặc dù khởi công từ 2012 đến nay dự án vẫn đang thi công hầm. Mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM đề nghị công nhận chủ đầu tư dự án khu văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng (officetel) này.
Theo đó khu đất rộng 8.600 m2 được giới hạn bởi các tuyến đường Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm và đường Calmette năm 2013 được UBND quận 1 chấp thuận cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư với quy mô 46-55 tầng (trong đó có sáu tầng hầm) với tối đa 420 căn hộ ở. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến 2017.
Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM đã thực hiện thủ tục cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang cho Công ty TNHH Saigon Glory. Thời gian thực hiện dự án được thay đổi đến năm 2021 thay vì năm 2017 phải xong như quy định tại văn bản chấp thuận đầu tư của UBND TP.HCM.
Năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo” nhiều năm nay.
Nguyên nhân khiến Emaar Properties PJSC rút khỏi dự án này, theo một đại diện từ Bitexco, bởi vì đối tác nhận thấy cơ chế chính sách của Việt Nam chưa rõ ràng và nhiều rủi ro. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã thẩm định năng lực và kết luận Công ty Bitexco hoàn toàn đủ năng lực, đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho UBND TP.HCM điều chỉnh Quyết định 6288.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Bitexco chưa nhận được văn bản điều chỉnh quyết định 6288 của UBND TP.HCM về duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, điều kiện đủ để Công ty Bitexco triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, mặc dù phía Bitexco vẫn thể hiện quyết tâm muốn tiếp tục đầu tư dự án này thì TP.HCM vừa có quyết định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM xây dựng phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi kêu gọi nhà đầu tư mới.
Xem chi tiết tại đây.
Chủ đầu tư tính kế “săn” dòng kiều hối cuối năm
Trao đổi với phóng viên, ông Chu Thanh Hiếu, Chủ tịch MIK Home (đơn quản lý và phân phối sản phẩm dự án Imperia Sky Garden do MIKGroup phát triển) cho biết, đến hẹn lại lên cuối năm luôn là thời điểm vàng của thị trường bất động sản do nhu cầu mua nhà tăng cao và lượng tiền kiều hối chuyển về nhiều. Mùa kiều hối cuối năm từ lâu vẫn được kỳ vọng là "món quà" đối với giới đầu tư bất động sản khi mà khả năng thanh toán ngay của người mua nhà trong nước vẫn được xem là hạn chế lớn của thị trường địa ốc Việt từ nhiều năm nay.
Kỳ vọng đó không phải là không có cơ sở khi Việt Nam được xếp vào tốp các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Bất chấp việc dòng vốn toàn cầu đang rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, cũng như xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới hay lãi suất USD đã giảm về 0% trong 2 năm qua, dòng kiều hối được dự báo sẽ vẫn chảy mạnh về Việt Nam trong năm nay.
Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, con số 5 tỷ USD kiều hối chảy về Thành phố trong năm 2018 sẽ thành hiện thực. Con số này chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam, tương đương kiều hối về Việt Nam sẽ rơi vào khoảng trên 10 tỷ USD trong năm nay.
"Một phần rất lớn trong nguồn tiền kiều hối sẽ đổ vào bất động sản, và vì thế, việc tận dụng cơ hội thông qua các chương trình ưu đãi là cách rất tốt giúp gia tăng thanh khoản của dự án", ông Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm này, thị trường bất động sản đang bắt đầu hưởng lợi từ các quyết sách của Chính phủ liên quan đến dòng kiều hối. Kể từ đầu năm đến nay, xu hướng kiều hối chuyển về liên tục gia tăng khi những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tin vào khả năng ổn định của nền kinh tế cũng như cơ hội đầu tư vào thị trường nội địa Việt Nam.
Theo ông Đính, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD sẽ khiến dòng tiền này đổ vào bất động sản và sản xuất - kinh doanh hơn là được tích trữ. Trong đó, dự kiến kiều hối vào bất động sản chiếm khoảng 21-22%, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
"Trong khi thị trường vàng và USD không còn được ưa chuộng, một số kênh đầu tư tài chính khác lại tiềm ẩn rủi ro, thế nên dù chưa thể khẳng định được xu hướng mà dòng tiền này sẽ chảy, nhưng giới đầu tư bất động sản vẫn kỳ vọng rằng, không ít trong số đó sẽ quay trở về với địa ốc", ông Đính nói và cho biết thêm, dường như đã trở thành thông lệ, trước và sau Tết là thời điểm nhu cầu mua mới, nâng cấp nhà cửa của người dân lại tăng lên.
Xem chi tiết tại đây.
Áp trần lãi vay 20% có khiến ông lớn bất động sản phải hoang mang?
Tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1/5/2017, nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Liên quan đến quy định này, gần đây lại nổi lên nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ kinh tế. Các công ty thuộc nhóm ngành này thường sẽ hình thành mô hình công ty mẹ con, hay công ty liên kết để triển khai dự án cho tập trung và chuyên nghiệp. Với hai yếu tố này (thiếu vốn, hoạt động mô hình mẹ – con), các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn kép với Nghị định 20.
Mới đây, trao đổi tại một cuộc toạ đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cũng cho rằng: Năm 2019, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản và chứng khoán là rất hợp lý.
Theo vị chuyên gia này, với tình hình của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, tín dụng cho thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, việc hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Những ngày vừa qua, hầu hết ngân hàng đã tăng lãi suất nhằm cơ cấu lại nguồn huy động vốn.
Xem chi tiết tại đây.
Hỗn loạn chung cư cao cấp: Bảo vệ rút lui, camera bị tháo
Ban quản trị cụm nhà chung cư Saigonres Plaza (188, Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa ra thông báo khẩn về việc hàng chục camera an ninh của chung cư này bị nhân viên của công ty quản lý chung cư tháo gỡ.
Theo đó, vào khoảng 11h20 ngày 24/12, nhận được tin cấp báo của cư dân các tầng, một số thành viên Ban quản trị đã bắt quả tang nhân viên vận hành kỹ thuật của Công ty CP ĐT BĐS Hùng Vương (Công ty Hùng Vương - đơn vị quản lý chung cư Saigonres Plaza), đang tháo trang thiết bị bảo vệ an ninh (hệ thống camera), của nhiều tầng tại tòa nhà. Ban quản trị đã thu giữ 26 bộ camera cùng các thiết bị đi kèm, đã được tháo khỏi vị trí.
Ban quản trị chung cư Saigonres Plaza cho rằng Công ty Hùng Vương không thông báo gì về việc tháo dỡ các camera an ninh này, gây mất an ninh trật tự trong tòa nhà. Cho rằng đây là sự việc nghiêm trọng nên Ban quản trị đã báo Công an quận Bình Thạnh, UBND phường 26 và mời công an phường tới lập biên bản sự việc.
Nội dung thông báo còn cho biết, vào khoảng 13h15 cùng ngày, Ban quản trị phát hiện toàn bộ nhân viên văn phòng Ban quản lý, thuộc Công ty Hùng Vương, đã bỏ khỏi vị trí làm việc, các loại hình dịch vụ hành chính đều ngưng trệ.
Ban quản trị cũng cảnh báo cư dân cảnh giác trước nguy cơ mất an ninh trật tự, PCCC do một số tầng không còn hệ thống camera. Đồng thời, yêu cầu cư dân hợp tác với Ban quản trị để tự bảo vệ an toàn và tài sản…
Được biết, đến chiều ngày 25/12, khi công việc bàn giao chưa xong thì bảo vệ cũng rút khỏi tòa nhà.
Xem chi tiết tại đây.
Đề xuất khu du lịch tâm linh Hương Sơn: Trọng tâm là bài toán quy hoạch
Theo tóm tắt Dự án đầu tư của Doanh nghiệp Xuân Trường gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP. Hà Nội vào ngày 7/11/2018, Dự án “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” có quy mô 1.500ha. Trong số các hạng mục của Dự án, có nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 30km nối từ Tam Chúc đến Suối Yến; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá lợi Phật…
Tại “Bản đồ quy hoạch không gian Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” gần như bám sát và bao trùm hết các ngả đường vào chùa Hương. Trong đó, trục hành hương từ chùa Hương sang Tam Chúc buộc phải đi qua cổng bán vé mà doanh nghiệp Xuân Trường kiểm soát. Đã có ý kiến lo ngại việc Dự án bao trùm các ngả đường sẽ hình thành các trạm thu phí trong tương lai, hay nắn dòng người hành hương về Hương Tích bằng ô tô sang khu vực Tam Chúc thay vì đến thẳng Suối Yến như hiện nay. Do vậy, nhiều ý kiến của người dân khu vực Hương Sơn tỏ rõ sự bức xúc và lo ngại về sự xung đột trong vấn đề sinh kế của người dân địa phương.
Song nhìn dưới ý tưởng quy hoạch, tuyến du lịch tâm linh chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính đang có nhiều điều kiện để thực hiện. Chùa Hương, Tam Chúc và Bái Đính là ba điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, Hà Nam và Ninh Bình. Hiện nay, chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, có mùa hội dài nhất nước, thu hút đông khách du lịch đi tham quan và hành hương. Trong khi đó, Bái Đính gần đây nổi danh với một ngôi chùa có 13 kỷ lục quốc gia, cũng đang là một điểm đến du lịch rất được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, những điểm đến khác ở Ninh Bình như Vân Long, Thung Nham, Kênh Gà, Vườn Quốc gia Cúc Phương… tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng cho Ninh Bình. Mặc dù mới bắt đầu xây dựng nhưng nhiều người kỳ vọng, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) với những ngọn tháp cao từ 100 - 150m, với tượng phật bằng đồng nặng 200 tấn và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều hạng mục du lịch hoành tráng sẽ thu hút lượng khách du lịch, vãn cảnh đông không kém gì Bái Đính hiện nay.
Ba điểm đến trong “trục du lịch tâm linh” có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý và đều có tiềm năng phát triển du lịch. Khu du lịch chùa Hương cách Khu du lịch Tam Chúc 6km, hệ thống đường giao thông từ Hà Nội và Hà Nam nối hai điểm đến này đang trong quá trình hoàn thiện. Từ Hà Nam tới Ninh Bình, điểm đến tâm linh là chùa Bái Đính, về giao thông cũng đã rất thuận lợi.
Xem chi tiết tại đây
Chủ đầu tư dự án Marina Hill sẽ kiện Sở Xây dựng Khánh Hòa vụ dừng giao dịch dự án
Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồi Xanh Nha Trang, khẳng định việc Sở Xây dựng Khánh Hoà ban hành văn bản dừng hoạt động đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh tại dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh (tên thương mại Marina Hill) là hoàn toàn sai.
Ngày 17/12, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà ban hành văn bản số 4958, yêu cầu Công ty Đồi Xanh Nha Trang dừng toàn bộ giao dịch, mua bán, huy động vốn đối với bất động sản (biệt thự du lịch) của dự án trên (nếu có) cho đến khi việc xây dựng công trình tại dự án được phép tiếp tục thực hiện theo quy định.
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 20/11/2018 Chánh Thanh tra Xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang, với mức xử phạt 40 triệu đồng do chủ đầu tư xây dựng dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh (địa chỉ thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang) sai nội dung giấy phép xây dựng số 140 được cấp ngày 10/10/2017, đồng thời đình chỉ toàn bộ việc xây dựng công trình tại dự án này.
“Như vậy, mọi hoạt động đưa bất động sản hình thành trong tương lai của dự án biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh đều không còn cơ sở để thực hiện”, văn bản của Sở Xây dựng nêu.
Theo bà Tú Anh, thực chất quyết định của Thanh tra Sở là yêu cầu tạm dừng thi công dự án để xem xét chứ không phải rút giấy phép xây dựng. Do đó, Sở Xây dựng không thể căn cứ vào văn bản này để ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng mọi hoạt động giao dịch, mua bán, huy động vốn.
Xem chi tiết tại đây