Aa

Bộ GD-ĐT sẽ làm gì khi thiếu giáo viên dạy môn tích hợp?

Thứ Ba, 15/01/2019 - 06:00

Một trong những điều khiến nhiều Sở GD-ĐT lo lắng hiện nay chính là thừa thiếu giáo viên bởi lẽ chương trình mới cho phép học sinh lựa chọn môn học, xuất hiện một số môn tích hợp mới đòi hỏi nguồn giáo viên liên môn...

Câu chuyện thừa thiếu giáo viên vẫn là mối lo hàng đầu

Theo như báo cáo của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục đang thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp, riêng cấp Trung học cơ cở - cấp có các môn tích hợp vừa thiếu hơn 10.000 người, vừa thừa hơn 12.000 người.

Đồng thời một thực trạng hiện nay nữa là ngành giáo dục đang tinh giản biên chế, chính vì vậy đặt ra cho các Sở GD-ĐT bài toán khó về về việc thừa thiếu giáo viên sẽ xử lý như thế nào? Giải đáp băn khoăn này, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học - ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, có hai môn tích hợp mới ở cấp trung học cơ sở khiến thầy cô băn khoăn về đội ngũ giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu là Lịch sử - Địa lý và Khoa học Tự nhiên.

Bộ GD-ĐT sẽ làm gì khi thiếu giáo viên dạy môn tích hợp?

Môn Lịch sử và Địa lý có mạch kiến thức Lịch sử riêng, Địa lý riêng, trong đó mỗi lớp sẽ có một chuyên đề tích hợp. Ảnh Hải Nam.

Môn Lịch sử và Địa lý có mạch kiến thức Lịch sử riêng, Địa lý riêng, trong đó mỗi lớp sẽ có một chuyên đề tích hợp (kiến thức liên môn) khoảng từ 6-10 tiết. Như vậy, môn Lịch sử và Địa lý có số tiết học tương đương với môn Lịch sử và môn Địa lý hiện nay.

Đồng thời, cơ cấu giáo viên sẽ không có gì thay đổi so với chương trình hiện hành. Việc phân công cũng tương đối dễ dàng bởi giáo viên môn nào sẽ phụ trách môn đấy trong một thời lượng liên tục, có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ. "Thực chất chương trình hiện nay dạy môn Lịch sử và môn Địa lý tách biệt nhưng cũng đã có một số kiến thức liên môn rồi. Giáo viên Lịch sử khi dạy vẫn phải có những liên hệ với những kiến thức Địa lý và ngược lại”, ông Thành phân tích thêm.

Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Bộ GD-ĐT, cho hay việc phân công, bố trí giảng dạy cho chương trình phổ thông mới sẽ không có gì khó khăn.

Đối với môn Khoa học Tự nhiên, trước đây là kiến thức riêng của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thì hiện nay được thiết kế thành một môn tích hợp. Tính toán số lượng tiết học hiện nay, môn Vật lý có 5 tiết/ tuần, môn Hóa học có 4 tiết/ tuần, môn Sinh học có 8 tiết/ tuần cho cả bốn khối lớp Trung học cơ sở. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ các mạch kiến thức của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thiết kế trong môn Khoa học tự nhiên tới đây.

Lượng kiến thức tương đồng chương trình hiện tại nên với mỗi nhà trường, mỗi tổ bộ môn, số lượng giáo viên cơ bản đáp ứng được, không có sự xáo trộn về cơ cấu giáo viên nên về cơ bản việc bố trí giáo viên không khó khăn.

Sẽ có mã ngành tuyển mới sinh viên các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý

Để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học cho hay, sẽ có mã ngành tuyển mới sinh viên các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Hiện nay nhiều giáo viên mới ra trường, chúng ta sẽ bổ sung kiến thức để họ dần đảm nhận dạy toàn bộ môn tích hợp.

Bộ GD-ĐT sẽ làm gì khi thiếu giáo viên dạy môn tích hợp?

Ảnh minh họa.

Đồng thời việc sắp xếp thời khóa biểu cho sẽ có sự thay đổi. Giáo viên hiện nay đang giảng dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học riêng, thực chất cũng rất nhiều người đã được đào tạo 2 môn, nhưng đang giảng dạy một bộ môn nhất định. Trong cơ cấu một nhà trường có khoảng 32 lớp, mỗi khối có 8 lớp cần khoảng 3 giáo viên Vật lý, 2 giáo viên Hóa học và 4 giáo viên Sinh học.

Việc phân công, bố trí thực hiện theo thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên là hoàn toàn khả thi”. Cũng theo ông Thành, chương trình mới chỉ quy định số tiết/ năm, chứ không quy định số tiết/ tuần như các chương trình trước đây. Điều này cho phép các trường chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học. Ví dụ trong một năm học có 2 học kỳ, chu kỳ thời khóa biểu hiện nay chúng ta đang sắp xếp là theo tuần, nhưng chu kỳ này đã không còn là xu thế hiện đại trên thế giới nữa. Chúng ta phải sắp xếp theo chu kỳ khác, ví dụ chu kỳ theo nửa kỳ.

Vì vậy, trong vòng nửa kỳ đó, có thể thực hiện hết một mạch kiến thức môn Hóa, nửa kỳ tiếp theo sẽ đi hết mạch kiến thức môn Sinh, nửa kỳ tiếp theo nữa sẽ đi hết mạch kiến thức của môn Vật lý. “Với cách sắp xếp như thế, các nhà trường sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thời khóa biểu một cách phù hợp", Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top