Hiện nay, trên toàn quốc có 88 thạm thu phí, trong đó, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 73 trạm, UBND các tỉnh và thành phố quản lý 15 trạm.
Trong 73 trạm này có đến 17 trạm thu phí BOT có bất cập về vị trí, khoảng cách, mức thu giá dịch vụ...
17 trạm có bất cập về vị trí, như: Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); Nam Cầu Giẽ (Hà Nam); Bến Thủy (Nghệ An); Quán Hàu (Quảng Bình); Trảng Bom (Đồng Nai); Thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng); Cai Lậy (Tiền Giang); Quốc lộ 6 Hòa Bình; Quốc lộ 3 Thái Nguyên...
Trên cơ sở kết quả rà soát, ngày 13/4/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý đối với 17 trạm thu phí có bất cập.
Ngày 23/4/2018, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp để xem xét giải pháp xử lý các trạm thu phí bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận "cơ bản đồng ý với các giải pháp Bộ Giao thông Vận tải đề xuất".
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp với nhà đầu tư, làm việc và thống nhất với Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tính toán, lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng trạm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, làm cơ sở để triển khai.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước khó khăn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông.
Nhiều dự án BOT giao thông sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy rõ hiệu quả đầu tư, nhận được sự đồng thuận của các địa phương và người sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như của đất nước.