Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Giám đốc các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận; Giám đốc các doanh nghiệp dự án: Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha TrangCam Lâm, Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo yêu cầu rà soát, xây dựng giải pháp rút ngắn tiến độ các Dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nói trên khẩn trương rà soát tiến độ hoàn thành các gói thầu và từng Dự án thành phần, phấn đấu rút ngắn tiến độ thi công các Dự án thành phần (khoảng 3 tháng) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có giải pháp cụ thể đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tính khả thi, chất lượng và an toàn công trình; đồng thời xây dựng lại tiến độ giải ngân cho từng Dự án thành phần phù hợp với tiến độ thi công điều chỉnh.
Trường hợp, tiến độ thi công rút ngắn ít hơn 3 tháng, các chủ đầu tư/ Ban Quản lý dự án phải có báo cáo giải trình chi tiết, cụ thể cho từng đoạn tuyến, từng gói thầu, từng Dự án thành phần.
Căn cứ tiến độ thi công điều chỉnh, các Ban Quản lý dự án và các nhà đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của từng nhà thầu tuân thủ quy định hợp đồng; trường hợp nhà thầu chậm tiến độ phải có giải pháp xử lý ngay như: điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu; xử lý vi phạm hợp đồng…; các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo tiến độ đã cam kết bị xử lý chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong xét thầu ở các gói thầu tham gia giai đoạn 2021 - 2025.
Được biết hiện toàn bộ 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 16.218 tỷ đồng/56.709 tỷ đồng, tương đương 28,6% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị các hợp đồng so với kế hoạch; trong tháng 2/2022, sản lượng hoàn thành đạt 3,2% tổng giá trị các hợp đồng.
Theo một số nhà thầu, đối với các dự án thành phần có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2023 và năm 2024, việc phấn đấu rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng là có thể thực hiện được do thời gian thực hiện dự án còn dài, khối lượng thực hiện chưa nhiều nên có thể tăng ca, tăng kíp thi công, kết hợp với việc điều chỉnh giai pháp thiết kế xử lý nền đất yếu để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, đối với các dự án có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2022 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Dây), việc rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng là rất khó khăn do thời gian thực hiện dự án không còn nhiều, các vị trí xử lý nền đất yếu đều đã được thi công theo giải pháp thiết kế được duyệt nên khó điều chỉnh giải pháp thiết kế xử lý nền đất yếu để rút ngắn tiến độ.