Mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) ký Quyết định 122 và 123/QĐ-CĐCTVN, phê duyệt thông tin Dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ Km100+200 và Km45+000 thuộc Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo nội dung văn bản, dự án kêu gọi đầu tư xây dựng và vận hành công trình trạm dừng nghỉ theo các yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành để đảm bảo việc khai thác tuyến cao tốc, phục vụ nhu cầu dừng nghỉ của hành khách và phương tiện tham gia giao thông được đồng bộ, hiệu quả và an toàn.
Cụ thể, tuyến bên phải công trình trạm dừng nghỉ Km45+000 thuộc Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có tổng diện tích là 63.095m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng trạm dừng nghỉ là 41.500m2. Tuyến bên trái có tổng diện tích 52.210m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng trạm dừng nghỉ là 41.500m2. Địa điểm xây dựng xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Hiện trạng sử dụng đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng. Vốn đầu tư dự án bao gồm sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án và sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 529.382.020.000 đồng.
Đối với công trình trạm dừng nghỉ Km100+200 thuộc Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, tuyến bên phải có tổng diện tích là 30.900m2. Trong đó, diện tích đất xây dựng các phân khu chức năng của trạm là 24.500m2. Tuyến bên trái có tổng diện tích là 32.210m2. Trong đó, xây dựng các phân khu chức năng của trạm là 24.500m2. Địa điểm xây dựng tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Hiện trạng sử dụng đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Vốn đầu tư dự án bao gồm sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án và sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 319.806.417.000 đồng.
Mục đích sử dụng đất của dự án là công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ gồm các khu chức năng hỗn hợp phục vụ mục đích công cộng và mục đích kinh doanh thương mại thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Được biết, một phần diện tích đất xây dựng công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí): Bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Công trình dịch vụ thương mại bao gồm: Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Công trình bổ trợ gồm: Biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa); công trình bổ trợ thuộc hạng mục khuyến khích đầu tư.
Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, tiến độ tổng thể dự kiến 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công dự kiến 9 tháng được xác định kể từ ngày hợp đồng giữa cơ quan có thẩm quyền với nhà đầu tư có hiệu lực. Thời gian khai thác sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Cục Đường cao tốc Việt Nam giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý III/2024.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị tư vấn thẩm tra theo phạm vi, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin trong hồ sơ đề xuất dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ./.