Mới đây, đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dẫn đầu có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc giải quyết vướng mắc cho một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) cho biết, dự án nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực hoàn thành các thủ tục liên quan để khởi công theo đúng kế hoạch là tháng 10/2021 và hoàn thành sau 24 tháng thi công.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là phải nhận bàn giao mặt bằng trong quý II năm nay. Dự án xây dựng nhà ga T3 sử dụng 16,05ha đất quốc phòng.
Theo ông Thanh, Bộ Quốc phòng đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bàn giao trước khu đất 16,05ha để xây nhà ga T3 đúng tiến độ. Sau đó, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai thủ tục điều chỉnh mục đích sử dụng đất quốc phòng tại TP.HCM.
Triển khai song song với nhà ga T3 là dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, đây là lối vào nhà ga T3. Dự án đường nối này cần hoàn tất đồng bộ với nhà ga để khai thác hiệu quả nhà ga T3.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, tương tự như dự án nhà ga T3, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa có nhu cầu sử dụng 11,8ha đất quốc phòng. Dự kiến, tháng 4 này sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt đầu tư dự án.
"Chúng tôi dự kiến khởi công dự án vào quý IV năm nay và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo hoàn thành đồng bộ với việc khai thác nhà ga T3. Nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc tiếp nhận 11,8ha đất quốc phòng để thi công tuyến đường này", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, tương tự như ACV, TP.HCM cũng sẽ kiến nghị Bộ Quốc phòng tách riêng phần 11,8ha để xin Thủ tướng điều chỉnh đất quốc phòng sang đất giao thông và giao cho thành phố làm dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu đất quốc phòng kịp điều chỉnh mục đích sử dụng sẽ là giải pháp tối ưu nhất trong việc thực hiện đúng quy định pháp luật. Sau đó, Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP.HCM để thu hồi đất và giao cho các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng nếu điều chỉnh đất quốc phòng thì không phải làm riêng khu vực dự án mà phải nằm trong tổng thể điều chỉnh tại 63 tỉnh, thành. Và việc này không phải ngày một ngày hai mà có thể kéo dài nửa năm, thậm chí cả năm.
"Vì vậy, có thể xem xét phương án 2 là đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết đặc thù cho phép điều chỉnh đất quốc phòng ở đây để làm cơ sở bàn giao để địa phương thu hồi, bàn giao cho chủ đầu tư dự án. Chúng ta cần tìm ra phương án tối ưu nhất", đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho rằng, tuần tới thành phố sẽ có văn bản chính thức xin Trung ương, nếu được thì bàn giao đất cho thành phố làm dự án đường nối vào nhà ga T3.
Song song đó, TP.HCM vẫn duyệt dự án xây dựng đường mới này để triển khai bình thường. Đến giai đoạn chuyển đổi đất quốc phòng thì TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn mong muốn UBND TP thống nhất phối hợp và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp sớm giải quyết vướng mắc cho 2 dự án. Trong đó, TP.HCM kiến nghị chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng phần đất làm đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sang đất giao thông để sớm triển khai dự án, hoàn thành đồng bộ với nhà ga T3./.