Aa

Bỏ quên quy hoạch ô bàn cờ, Hà Nội sẽ “sống trọn đời” với ùn tắc?

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Hai, 03/10/2016 - 20:42

Trong khi Hà Nội đang loay hoay chống ùn tắc với những bài toán như cấm xe máy ngày chẵn - lẻ hay cấm xe ngoại tỉnh... thì kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc (Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, Thủ đô chỉ lo giảm ùn tắc ở phần ngọn mà quên mất phần gốc chính là nằm ở quy hoạch.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc đưa ra dẫn chứng, ở Hà Nội có những khu phố rất ít khi bị tắc nghẽn dù mật độ người tham gia giao thông luôn ở mức cao như phố cổ Hà Nội, khu phố Pháp vì những khu phố này được quy hoạch theo hình ô bàn cờ.

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc

Một thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị

Năm 1873, Pháp bắt tay vào quy hoạch Hà Nội cũng là lần đầu tiên người Pháp đưa vào Việt Nam nền kiến trúc có bản vẽ, có thiết kế riêng và biến làng thành đô thị, Hà Nội có những tuyến phố. Cùng với việc chỉnh trang khu 36 phố phường, thành phố mở ra những khu xây dựng mới theo "quy hoạch ô bàn cờ", tạo thành những đại lộ, những khu phố khang trang mà nay ta còn thấy rõ ở những "khu phố Tây".

Khu vực đô thị do người Pháp quy hoạch và xây dựng gồm ba khu: nhượng địa, thành cũ và nam hồ Hoàn Kiếm, ngày nay mang tên chung là khu phố cũ, hay khu phố Pháp.

Khu vực được quy hoạch ô bàn cờ ở Hà Nội

Khu vực được quy hoạch ô bàn cờ ở Hà Nội

Khu nhượng địa mang hình chữ nhật được giới hạn bởi các con phố Bạch Đằng, Tràng Tiền, Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Nguyễn Huy Tự hiện nay.

Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ.

Khu nam hồ Hoàn Kiếm cũng là một hình chữ nhật với hai cạnh dài là phố Tràng Thi – Tràng Tiền và phố Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là phố Phan Bội Châu và phố Phan Chu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu thành cũ song quy trình quy hoạch có chậm hơn do phải giải tỏa nhiều làng xóm.

Khi các địa điểm như chợ, trường học, khu vui chời... tập trung tại 1 điểm sẽ khiến giao thông bị ùm tắc nghiêm trọng. Nhưng với quy hoạch ô bàn cờ, các địa điểm trên được phân bố ra nhiều hướng giúp giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông.

Khi các địa điểm như chợ, trường học, khu vui chơi... tập trung tại 1 điểm sẽ khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng. Nhưng với quy hoạch ô bàn cờ, các địa điểm trên được phân bố ra nhiều hướng giúp giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông.

Đã qua một thế kỷ nhưng đến nay, khu phố Tây chứng minh nó không hề lạc hậu mà vẫn thoả mãn được nhu cầu đi lại của dân Thủ đô, rất ít bị tắc nghẽn - đó là tầm nhìn đô thị.

"Câu truyện truyền thuyết về bàn cờ 64 với 2 mũ 64 số hạt gạo mà nếu chất thì có thể phủ kín trái đất vẫn còn nguyên giá trị. Với quy hoạch mạng ô bàn cờ ta sẽ có rất nhiều sự lựa chọn, nhiều giải pháp cho giao thông, khi tắc đường này người ta có thể lựa chọn ra con đường khác.

Quy hoạch dạng lưới ô bàn cờ có thể nói chính là dạng thức đầu tiên của loài người khi xuất hiện đô thị. Thậm chí nó còn được đưa vào quy chuẩn quy hoạch của Mỹ - Standard City Planning Enabling Act (SCPEA)" - KTS Nguyễn Trần Bắc cho biết.

Nghịch lý cứ đường mới mở là ùn tắc

Chưa bao giờ tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Tây Nam Hà Nội như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng…qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm lại “nóng” như thời gian qua. Nghịch lý là cứ con đường nào mới mở, con đường đó lại trở thành điểm nóng của ùn tắc.

Cửa ngõ phía Tây Hà Nội thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Kháng Trần

Cửa ngõ phía Tây Hà Nội thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Kháng Trần

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc lý giải: “Rất nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội được mở ra phía Tây Nam, tuy nhiên những khu vực này đường phố lại được quy hoạch theo dạng tia hướng tâm. Tức là để di chuyển vào nội đô, người dân chỉ có thể đi trên những con đường duy nhất. Một con đường "cõng" trên mình bao nhiêu phương tiện và lượng người di chuyển thì dù nó có lớn, có khổng lồ đến đâu cũng vẫn sẽ ùn tắc”.

Theo ông Bắc, không ai có thể kiểm soát hết những rủi ro trên đường, và vì thế sẽ có N nguyên nhân dẫn đến sự ùn tắc.

“Vấn đề là anh không thể kiểm soát được các sự cố giao thông trong 1 con đường. Ví dụ 1 cái xe bị tai nạn, 1 cái xe bị chết máy cũng có thể dẫn dẫn đến ùn tắc vì người dân không có giải pháp nào khác, không có một lựa chọn nào, buộc phải đi 1 con đường duy nhất.

Ví dụ rõ nhất là vụ tắc đường ở cầu Tó vừa qua khiến hàng vạn phương tiện chôn chân vài tiếng đồng hồ trên đường. Mà nguyên nhân xuất phát từ vụ va chạm giữa một xe tải trọng lớn với xe ô tô con ở gần bệnh viện K tại khu vực Xa La, Hà Đông. Nếu như có những con đường song song hình ô bàn cờ, chắc chắn các phương tiên có giải pháp thoát khỏi ùn tắc để lựa chọn những con đường khác.”

Kiến trúc sư Nguyễn Trần Bắc khẳng định, nếu Hà Nội tiếp tục quy hoạch theo hướng chỉ chú trọng mở rộng những đường vành đai, những đường chạy dọc theo các dự án, khu đô thị thì Hà Nội tiếp tục lĩnh hậu quả của ùn tắc. Thậm chí càng mở sẽ càng tắc hơn.

Đường ô bàn cờ là xu hướng tất yếu của đô thị văn minh

KTS Nguyễn Trần Bắc chỉ ra ưu điểm vượt trội của quy hoạch ô bàn cờ: “Thứ nhất, quy hoạch ô bàn cờ chính là giải pháp tốt nhất cho giao thông để nó trở nên gọn gàng, ngăn nắp và giảm ùn tắc một cách hiệu quả.

Thứ hai, việc đầu tư để làm những con đường theo quy hoạch ô bàn cờ không lớn, khi mở rộng chỉ cần đấu nối. Chi phí thực tế sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc chúng ta bỏ tiền ra để làm những con đường khổng lồ nhưng lại là duy nhất.

Quy hoạch ô bàn cờ ở Barcelona

Quy hoạch ô bàn cờ ở Barcelona

Thứ ba, việc quy hoạch ô bàn cờ giúp chúng ta tận dụng được rất nhiều quỹ đất. Quy hoạch này sẽ tạo ra nhiều khu đất giáp với mặt đường hơn, người dân, doanh nghiệp có thể tận dụng để kinh doanh. Giá trị các khu đất vì thế cũng được nâng lên. Quy hoạch ô bàn cờ đem lại nhiều giá trị như thế, tại sao Hà Nội không làm?” 

KTS Nguyễn Trần Bắc dẫn chứng, Hà Nội có diện tích 3.344,7km2 trong khi Tokyo (Nhật Bản) chỉ có 2.187 km2. Tokyo được liệt vào hàng dân số đông nhất thế giới (khoảng 34 triệu dân). Như vậy sức ép của họ còn lớn hơn ta rất nhiều, nhưng tại sao Tokyo vẫn có những quỹ đất dành cho không gian xanh, đường phố vẫn gọn gàng ngăn nắp. Rất nhiều đô thị văn minh trên thế giới như New York, Barcelona hay thủ đô của các quốc gia Châu Á như Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) cũng đều áp dụng quy hoạch ô bàn cờ. 

"Tôi khẳng định, quy hoạch ô bàn cờ sẽ là xu hướng tất yếu của đô thị văn minh" - KTS Nguyễn Trần Bắc nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top