Theo thống kê, cả nước hiện có 116 sân golf được quy hoạch nhưng chỉ có 42 sân đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 36%). Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf, phù hợp quy định của Luật Quy hoạch. Bãi bỏ quy hoạch phát triển sân golf để chuyển sang áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh với các tiêu chí cụ thể, minh bạch và hợp lý để nhà đầu tư tuân thủ trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý hoạt động của sân golf. Câu chuyện đặt ra là, việc bỏ quy hoạch phát triển sân golf có giúp giải quyết những vấn đề mà golf đang phải đối mặt hay không?
Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: TS. Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế; ông Thân Thành Vũ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam.
PV: Các chuyên gia đánh giá như thế nào về môn thể thao golf và thị trường golf ở nước ta trong 20 năm vừa qua?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Golf là một môn thể thao có tính chất đặc thù. Để có được một sân golf đạt tiêu chuẩn sẽ phải tốn rất nhiều công sức và đầu tư rất nhiều tiền. Ngay cả lao động ở sân golf cũng đòi hỏi một đội ngũ tương đối lớn, có trình độ nhất định. Golf không phải là một môn thể thao mang tính chất cộng đồng, golf là môn thể thao dành cho người giàu. Để có được thẻ hội viên câu lạc bộ chơi golf, hàng năm khách hàng đã phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn, chưa kể những chi phí đi kèm trong quá trình chơi môn thể thao này.
Kể từ khi du nhập vào nước ta, golf đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển sân golf. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy một số sân golf mở ra không đi vào nề nếp, có nhiều hình thức biến tướng nhằm thâu tóm những khu đất đẹp hoặc sử dụng quỹ đất trái mục đích nhằm thu lời bất chính. Nhiều sân golf xây dựng những căn hộ chung cư hoặc biệt thự liền kề với mục đích ban đầu là nơi cư trú cho người chơi golf. Sau đó, biến những hạng mục này trở thành nhà ở và bán hết cho những người có nhu cầu.
Chính vì thế, trong một thời gian cũng tương đối dài, trào lưu xây dựng sân golf trở nên rầm rộ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ở một số nơi, sân golf nọ, sân golf kia chỉ cách nhau vài cây số. Đây là một sự lãng phí, mà rõ ràng là nó cũng không cần thiết, chúng ta cần phải cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc.
TS. Phạm Sỹ Liêm: Đầu tư sân golf bao giờ cũng phát triển những dịch vụ đi kèm để các golf thủ đến vui chơi, nghỉ dưỡng, tạo điều kiện cho những doanh nhân vừa chơi vừa bàn chuyện hợp tác kinh tế. Có thể nói ngành golf cũng đem tới một nguồn thu lớn, không chỉ thu từ dịch vụ chơi golf. Thậm chí trên đất sân golf, các nhà đầu tư còn phát triển thêm các bất động sản nghỉ dưỡng với nhiều mục đích khác nhau, điều này làm gia tăng đáng kể lợi nhuận cho nhà đầu tư.
PV: Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề xuất bỏ quy hoạch phát triển sân golf để chuyển sang áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh với các tiêu chí cụ thể, minh bạch và hợp lý để nhà đầu tư tuân thủ trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý hoạt động của sân golf. Các chuyên gia đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Ông Thân Thành Vũ: Một trong những vướng mắc hiện nay trong thị trường golf nằm ở quy hoạch. Quy hoạch của Nhà nước xác định chỉ có vị trí này, vị trí kia làm sân golf. Việc quy hoạch lựa chọn địa điểm cho sân golf là cách làm duy ý chí bởi có những địa điểm được phép làm sân golf nhưng khi làm lại không có lãi chỉ vì khách không tới.
Bộ Kế hoạch Đầu tư đang kiến nghị Chính phủ thay đổi Nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf, làm sân golf trở thành một hạng mục đầu tư có điều kiện, tức là đáp ứng đúng điều kiện đó (ví dụ: không lấn chiếm quá nhiều đất nông nghiệp, đảm bảo cảnh quan, không ảnh hưởng tới môi trường…) thì được làm và không nhất thiết bám theo quy hoạch.
Còn hiện nay, theo quy hoạch, nếu bắt xây dựng một sân golf ngay trên đất nông nghiệp thì sẽ không có nhà đầu tư nào muốn rót vốn. Vì thực tế cho thấy, sân golf "sinh ra" từ đất nông nghiệp thì không có khách tới chơi. Một ngày chỉ thu hút được một số ít golf thủ tham gia thì nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với tình trạng thua lỗ khi phải chi trả rất nhiều tiền cho bộ máy nhân sự, bảo dưỡng sân golf.
Lượng nhân sự để vận hành một sân golf có thể tương đương như một nhà máy. Tôi lấy ví dụ sân golf ở Thủ Đức có đến cả ngàn nhân sự. Bình quân một ngày có 600 người chơi và một người chơi cần có một nhân viên hỗ trợ. Như vậy 600 người chơi phải cần tới 600 nhân viên hỗ trợ, chưa kể nhân viên quản lý, bảo trì bảo dưỡng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực ra, trước đây nhiều chuyên gia đã có đề nghị là phải có quy hoạch sân golf thật cặn kẽ ở các tỉnh thành, để từ đó có lượng sân golf phù hợp, vừa mang tính chất phục vụ nhu cầu của người chơi golf nhưng đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu sử dụng một cách tiết kiệm đất đai cũng như các tài nguyên khác để phát triển kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, có lẽ tầm nhìn của các nhà quy hoạch nói chung cũng như của những nhà lãnh đạo đã có sự thay đổi.
Họ đã nhìn ra một số vấn đề về việc xây dựng sân golf, những lợi ích mà nó mang lại cũng như khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên đã đến lúc việc xem xét quy hoạch các sân golf không cần nói đến nữa. Lợi ích mà các sân golf đang hoạt động đem lại cho địa phương về mặt kinh tế - xã hội đã được nhìn nhận tương đối rõ ràng. Trong bối cảnh Luật Đất đai đang ngày càng chặt chẽ hơn thì thực sự việc quy hoạch sân golf như một đòi hỏi trước đây cũng không cần thiết nữa. Cho nên chúng tôi cho rằng, việc bỏ quy hoạch sân golf là hợp lý.
Việc bỏ quy hoạch sân golf gần như không ảnh hưởng gì đến phong trào golf ở Việt Nam. Những người chơi golf là những người có điều kiện, vì thế dù sân golf ở xa trung tâm nhưng lại đáp ứng được được thị hiếu của golf thủ thì họ cũng sẵn sàng đến đó. Ví dụ, có một số sân golf ở Hòa Bình, cách Hà Nội 60 - 70km nhưng cuối tuần vẫn có một số golf thủ từ Hà Nội về chơi, vì ở đó có sân golf tương đối hiện đại, phong cảnh hữu tình, vừa có sông, vừa có suối, vừa có núi đồi.
TS. Phạm Sỹ Liêm: Sân golf là sản phẩm thuộc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, cũng là một thành phần của thị trường chứ không phụ thuộc vào ý chí của ai. Nói đơn giản là, thị trường sẽ quyết định làm sân golf ở chỗ nào. Đó là những vị trí gần nguồn nước để tưới cỏ, có giao thông thuận tiện. Quy hoạch sân golf cũng cần phải bám sát với nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sao cho hợp với thực tiễn. Do chưa có thống kê cụ thể nên số lượng sân golf hiện nay chưa biết là nhiều hay ít, và liệu rằng nếu bổ sung thêm thì có dư thừa hay không.
Vấn đề ở đây là khi các địa phương đề xuất xây dựng sân golf tức là ở đó có nhu cầu, còn được duyệt hay không là do cơ quan quản lý, bộ ngành, chính phủ xem xét. Cần phải hiểu là, không nên nhìn vào số lượng sân golf trong quy hoạch nhiều hay ít mà đã lo sợ. Quan trọng là nếu thị trường chấp nhận, địa điểm thích hợp (ví dụ những vùng đất trống đồi trọc, những vùng đất khô cằn) thì nên bổ sung vào quy hoạch để nhà đầu tư phát triển.
PV: Thời gian qua, câu chuyện về ngành golf không chỉ nóng ở việc quy hoạch và còn cả trong vấn đề sử dụng quỹ đất mà chủ đầu tư được giao để phát triển sân golf. Theo các chuyên gia, đâu là lời giải cho những bài toán này?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Về vấn đề sử dụng quỹ đất, nếu trong quy định chúng ta quán triệt luôn là không có chuyện chuyển đổi đất dành cho sân golf thành đất ở hoặc thành đất đô thị thì rõ ràng các nhà đầu tư còn trụ lại sẽ là những nhà đầu tư cho sân golf thật. Không thể tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư núp bóng làm sân golf để chuyển đổi đất thành khu đô thị. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ hướng được nguồn lực của xã hội đi đúng hướng mong muốn của nhà quản lý, và giúp ích cho nền kinh tế phát triển.
Trong thời gian vừa qua chúng ta đã buông lỏng vấn đề quản lý đất đai tại một số sân golf và rõ ràng như thế là không ổn. Hầu hết những nhà đầu tư đầu tư vào sân golf chỉ mong muốn là chiếm giữ một khu đất thật rộng để sau này trong tương lai sẽ chuyển hóa thành đất ở. Và nếu ngay từ đầu chúng ta xác định là không có chuyện đó, thì có lẽ người dân sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn đối với các dự án sân golf.
TS. Phạm Sỹ Liêm: Xét trong vấn đề quy hoạch, khi bổ sung một sân golf nào đó vào quy hoạch thì phải xét thật kỹ địa điểm xây dựng, tác động đến môi trường, tác động đến kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng... Nếu sân golf đi vào hoạt động mà xảy ra sự cố thì phải quy trách nhiệm cho ai? Tất cả những vấn đề này phải thật rõ ràng. Nếu như sân golf được xây ở những vùng đồi gò, sỏi đá khô cằn thì không ai phản đối. Ngược lại, những chỗ không hợp quy hoạch như đất rừng, đất lúa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì không thể chấp nhận và phải loại bỏ, không duyệt quy hoạch, đó là điều hiển nhiên.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Thiết kế: Đức Anh