PV: Giáo sư đánh giá thế nào về việc quy hoạch hệ thống các sân golf hiện nay ở nước ta?
GS. Nguyễn Mại: Nếu nhìn lại từ khi có sân golf đầu tiên ở Bình Dương, sau đó là Thủ Đức, Đại Lải, cách đây đã hơn 20 năm. Sau sự ra đời của các sân golf trên, có hai luồng dư luận. Một cho rằng, sân golf không nên coi là hoạt động thể thao, cho nên cần phải hạn chế.
Cho đến bây giờ, dư luận này vẫn đang còn thống trị, tức là thuế đánh vào sân golf thì khác, đánh vào các môn thể thao khác thì khác, đánh khá nặng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, cách tiếp cận sân golf kiểu không phải là một ngành thể thao chỉ có ở Việt Nam. Thậm chí, thời gian đầu người ta còn coi sân golf làm hại đến hai chuyện. Một là, sử dụng quá nhiều nước trên một héc-ta. Tôi nhớ không nhầm thì khoảng 10.000m3/1ha. Hai là, thuốc diệt cỏ dại ở sân golf hại cho người chơi và phục vụ nên cần hạn chế. Đó là một quan điểm.
Quan điểm thứ hai cho rằng, sân golf là cần thiết và cần phải coi như là một môn thể thao trong tương lai. Khi mình giàu lên thì rõ ràng chơi golf cũng là nhu cầu của tầng lớp khá giả. Bây giờ đã có hàng vạn người chơi golf.
Thứ hai là, trở thành một nhu cầu về môi trường đầu tư và kinh doanh. Nhà đầu tư vào Việt Nam thấy không có sân golf sẽ đầu tư vào nơi khác có điều kiện tốt hơn. Có sân golf, có phục vụ tốt hơn...
Bắt đầu từ quan điểm như vậy, khi gắn với môi trường đầu tư, sân golf phát triển ồ ạt. Điển hình, Long An là tỉnh nhỏ gần TP.HCM mà năm 2003-2004 đã có mười mấy dự án sân golf, chiếm hàng vạn héc ta đất. Vì vậy, sau đó Quốc hội thấy quá lãng phí đất nên mới yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình quy hoạch sân golf.
Tuy nhiên, quy hoạch sân golf ấy bây giờ phá sản từ lâu rồi. Có những tỉnh như Quảng Trị, bây giờ cũng có 3-4 sân golf đang làm, chẳng ai màng gì đến quy hoạch ấy.
Ngay từ khi có quy hoạch sân golf, tôi đã phát biểu rằng, có lẽ những nhà làm quy hoạch cũng nên lưu ý, khi anh trình lên là nói theo hiện tại, còn sau này khi nơi nào đó người ta có nhu cầu nhiều, người ta xin thì ngoài quy hoạch các anh phải cho. Còn nếu nhiều tỉnh đã có quy hoạch, người ta không có nhu cầu thì người ta cũng không cần làm.
Vì vậy, vấn đề đặt ra với chúng ta là khái niệm về quy hoạch như thế nào là phải? Sắp tới Luật Quy hoạch ra đời, sẽ bỏ nhiều loại quy hoạch. Bây giờ đang có hàng vạn các quy hoạch. Từ xã đến huyện, tỉnh, mỗi nơi có hàng chục, hàng trăm các quy hoạch. Đó còn chưa kể các quy hoạch ngành, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch quốc gia, quy hoạch đất đai, quy hoạch kinh tế, quy hoạch khu công nghiệp...
Luật Quy hoạch sắp tới sẽ có quy hoạch chung không có quy hoạch riêng lẻ như vậy, vì thực ra mà nói đó là những quy hoạch không bao giờ được thực hiện và mất rất nhiều tiền, thời gian, rồi cuối cùng tác động đến thực tế không nhiều lắm; trong đó có quy hoạch sân golf.
Đối với vấn đề quản lý Nhà nước, từ trước đến nay chúng ta nghĩ làm quy hoạch là khâu quan trọng nhất, từ đó cứ theo quy hoạch. Nhưng trên thực tế, tất cả những quy hoạch từ trước đến nay đều phá sản.
Điển hình như quy hoạch ngành ô tô; Quy hoạch ngành dầu khí. Có phải phụ thuộc vào điều chúng ta muốn đâu. 9 tháng năm nay, sản lượng dầu khí sụt giảm. Có dầu mới khai thác được, chứ có phải có quy hoạch thì khai thác được dầu đâu?
Do đó, câu chuyện khi nói quy hoạch sân golf chính là quy hoạch không nên trở thành yếu tố quan trọng nhất của yếu tố quản lý Nhà nước mà chỉ nên có định hướng phát triển từng ngành, từng lĩnh vực, từng lãnh thổ.
Hiện nay, với thế giới bây giờ, nếu anh quản lý theo kiểu xác định số nào đó rồi theo đó thực hiện là không ổn, vì thế giới thay đổi hàng ngày. Với sân golf cũng vậy. Theo tôi, không nên quy hoạch sân golf mà chỉ nên định hướng ra mấy tiêu chí, nơi nào có thể phát triển sân golf.
Ví dụ, như khi có đầu tư lớn, đặc biệt có đầu tư nước ngoài vào vùng nào đó mà nhu cầu của nhà đầu tư hoặc khi có nhu cầu của tầng lớp trung lưu ở trong nước thì nơi đó có thể phát triển sân golf. Tuy nhiên, phải đảm bảo điều kiện là có đất dành cho phát triển sân golf, không chiếm vào đất nông nghiệp, không lấy đất lúa, đất trồng cây công nghiệp, không phá rừng, không sử dụng sân golf vào mục đích đầu tư nhà ở, biệt thự như một số sân golf hiện nay đang làm... Họ lợi dụng đầu tư sân golf để kinh doanh địa ốc, để hưởng những cái ưu đãi.
Tất cả những tiêu chí đó, Nhà nước phải đưa ra càng nhiều càng tốt, 9-10 tiêu chí. Nơi nào đáp ứng được yêu cầu thì cơ quan thẩm quyền đồng ý cho làm sân golf, còn nơi nào chưa đạt được thì không cho phép. Các nước người ta cũng làm như vậy.
PV: Giáo sư vừa cho rằng không nên lấy đất lúa, đất trồng cây công nghiệp, phá rừng làm sân golf. Vậy nên làm sân golf ở những địa điểm nào, thưa Giáo sư?
GS. Nguyễn Mại: Đất trung du, đồi núi.
Ví dụ như sân golf Chí Linh (Hải Dương – PV) chẳng hạn. Họ có sử dụng đất lúa đâu, đất đồi thôi. Hay sân golf Thủ Đức (TP.HCM – PV) chẳng hạn, đó là một vườn cây, họ chặt cây hỏng và sử dụng các gò, làm các hồ....
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là máy móc nhưng có thể có sân golf nào đó, họ cần một ít đất để hoàn chỉnh một sân golf rộng, không ảnh hưởng lắm đến canh tác của địa phương thì có thể châm trước.
Tuy nhiên, phải đề ra tiêu chí cho rõ, để các nơi xin trình làm sân golf cũng phải đạt tiêu chí ấy và các nơi mà quyết định cho làm sân golf cũng phải dựa trên tiêu chí ấy, chứ không phải tùy tiện. Hiện nay, mình không có tiêu chí gì.
PV: Thưa Giáo sư, về việc quy hoạch các sân golf, mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính không những chỉ bỏ quy hoạch mà sẽ giao cho các địa phương quyết định và chuyển thành đầu tư có điều kiện. Vậy quan điểm của ông về việc này thế nào?
GS. Nguyễn Mại: Theo tôi, không chỉ quy hoạch sân golf, bất cứ cái gì làm quy hoạch theo kiểu ngồi trong phòng, dựa vào điều kiện hiện tại, dựa vào đề nghị của ông A, ông B đưa vào quy hoạch thì cách làm đó hiện nay chúng ta đang làm và phá sản nhiều rồi.
Bây giờ hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước đây làm quy hoạch thì bao nhiêu sân golf đã thực hiện và bao nhiêu sân golf ngoài quy hoạch đang được thực hiện? Nếu làm quy hoạch, ngoài quy hoạch được thực hiện, trong quy hoạch không được thực hiện thì làm làm gì?
Vì vậy, không nên làm quy hoạch mà nên làm định hướng. Cái định hướng tốt nhất là nơi nào có thể làm sân golf, phải đạt bao nhiêu tiêu chí. Có thể 5-7 hay 10 tiêu chí. Giống như Sam Sung, người ta quy định, ai muốn làm phải đạt 18 tiêu chí. Như vậy, sẽ không ai tranh cãi.
PV: Liệu việc bỏ quy hoạch có dẫn đến tình trạng nở rộ sân golf không?
GS. Nguyễn Mại: Làm sao nở rộ được. Đã đề ra 10 tiêu chí thì chắc chắn hơn nhiều so với quy hoạch. Hiện chạy quy hoạch dễ hơn nhiều.
Ví dụ, bây giờ có 10 tiêu chí về sân golf, cấp cho một sân golf ở Lai Châu, anh lên đó đối chiếu, nếu mới được có một tiêu chí mà được cấp phép thì rõ ràng đằng sau đó có thể là tiêu cực.
Bây giờ người ta quản lý hậu kiểm là vậy. Là phải làm thế nào có tiêu chí rõ ràng. Khi thực hiện thì kiểm tra theo các tiêu chí. Câu chuyện sân golf cũng vậy.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi!