Aa

"Bộ Tài chính giải trình không thuyết phục, có đủ căn cứ pháp lý để hồi tố"

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 18/03/2020 - 06:10

Đó là quan điểm của PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khi bàn về sự cần thiết phải hồi tố để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nếu sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.

Đã sửa phải sửa triệt để

Ngày 12/3/2020 Bộ Tài chính có công văn gửi Thủ tướng chính phủ giải trình về một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó đưa ra nhiều “cái cớ” để không hồi tố, tức là việc áp dụng sửa đổi điều khoản này chỉ thực hiện từ kỳ tính thuế 2019.

Bộ Tài chính lý giải, việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định 20 nói trên “không phải là lợi ích chung của xã hội” nên không cần phải hồi tố. Đồng thời Bộ này cho rằng có thể sẽ hụt thu nếu phải bồi hoàn lại tiền cho doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai trước đó. Ngoài ra, nếu hồi tố, theo Bộ Tài chính sẽ gây ra sự phức tạp trong nghiệp vụ và quản lý cán bộ ngành thuế.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, những giải trình nói trên của Bộ Tài Chính là không thuyết phục, ngược lại, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để áp dụng hồi tố đối với Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung

“Khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản năm 2015 về hiệu lực trở về trước của văn bản pháp luật quy định: "Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước".

Rõ ràng ngay từ thời điểm ban hành Nghị định 20 đã thể hiện sự bất cập , không phù hợp và thực tế, gần 3 năm có hiệu lực, đã khiến không ít doanh nghiệp đổ mồ hôi, lao tâm khổ tứ khi phải nộp oan nhiều tỷ đồng tiền thuế. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017, khi kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần và cộng đồng doanh nghiệp còn đang ngắc ngoải phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do thủ tục hành chính và dịch bệnh. Như vậy việc cho phép hồi tố khi sửa đổi Nghị định 20 rõ ràng là cần thiết để "thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân". Mà các chủ thể là "tổ chức, cá nhân" ở đây lại là các doanh nghiệp lớn đang tạo công ăn việc làm, là nguồn thu nhập của hàng trăm nghìn, hàng triệu người lao động, trong đó các doanh nghiệp bất động sản lại liên đới đến rất nhiều ngành nghề khác nên rõ ràng sự tồn vong của họ ảnh hưởng lớn đến "lợi ích chung của xã hội".

Vậy Bộ Tài chính dựa vào đâu để khẳng định đây "không phải là lợi ích chung của xã hội" nên không hồi tố”, vị chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, nếu đã chấp nhận Nghị định sửa đổi sẽ có hiệu lực cho kỳ tính thuế năm 2019 thì không có lý do gì để không hồi tố về các kỳ tính thuế trước đó khi doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai và đóng thuế theo một văn bản pháp luật đầy bất cập.

Áp trần lãi vay theo Nghị định 20 đang là gánh nặng cho doanh nghiệp nhiều năm nay.

Dưới một góc độ khác, theo vị chuyên gia này, việc sửa đổi Nghị định nhằm mục đích khắc phục thiếu sót việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục những hậu quả mà quá trình thi hành đã gây ra cho doanh nghiệp nên cần thiết phải sửa một cách triệt để mới có thể hạn chế tối đa các thiệt hại cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng:

“Việc sửa đổi Nghị định 20 phải có hiệu quả và phải thực sự là biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, không thể tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn chồng khó khăn. Bởi với số tiền thuế đã nộp cho các năm trước được hoàn về hoặc bù trừ nếu áp dụng hồi tố, doanh nghiệp sẽ giảm bớt những khó khăn về tài chính đang gặp phải. Đây là điều các doanh nghiệp bất động sản rất mong mỏi, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung nói thêm, Bộ Tài chính đang lo ngân sách sẽ bị hụt nên một khi tiền thuế đã vào ngân sách thì khó để “lấy ra” mà bồi hoàn cho doanh nghiệp: “Rõ ràng lo lắng này của Bộ Tài chính đang xuất phát từ nguyên tắc chống xói mòn thuế mà lại quên đi nguyên tắc "nuôi dưỡng nguồn thu". Nếu áp dụng một văn bản pháp luật sai, thu sai lượng lớn tiền thuế của doanh nghiệp mà không chịu sửa, tức là đang "vắt kiệt" sức của doanh nghiệp, thực tế nhiều doanh nghiệp đã bị dồn vào đường cùng khi chỉ nhìn thấy lỗ chồng lỗ mà không có lãi (lỗ mà vẫn phải nộp thuế là không phản ánh đúng bản chất của việc thu thuế). Trong khi doanh nghiệp có "khỏe", kinh doanh có lãi nhiều thì ngành thuế mới thu được nhiều tiền, phục vụ ngân sách. Ngược lại, nếu không được giải cứu, một số doanh nghiệp có thể thua lỗ kéo dài sẽ cắt mất nguồn thu thuế lâu dài cho ngân sách”.

Ngoài ra, PGS.TS. Nhung nhấn mạnh, doanh nghiệp mong được hồi tố để chắc chắn không mất đi một khoản chi phí lớn chứ không mong được trả ngay một lần, mà có thể khấu trừ dần vào các kỳ tính thuế tiếp theo. Như vậy, vừa không gây khó khăn do việc phải điều chỉnh lại ngân sách 2020 mà Quốc hội đã phê duyệt, vừa giãn được thời gian hoàn trả để không ảnh hưởng đến nguồn thu của ngành thuế.

“Việc bồi hoàn cho doanh nghiệp có thể gây khó khăn, vất vả cho Bộ Tài chính trong quá trình triển khai khi phải rà soát, tính toán lại nhưng đây là vấn đề thuộc về năng lực, nghiệp vụ của các chuyên viên ngành thuế, không thể lấy nó làm cái cớ để không thực hiện. Không lẽ Bộ Tài chính 'ngại khó', 'sợ phức tạp' mà bỏ mặc lợi ích của doanh nghiệp? Việc sửa đổi Nghị định 20 trong đó có cho phép hồi tố là vấn đề có tính cấp thiết, ảnh hưởng đến năng lực kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản và sức khỏe của ngành tài chính trong thời gian tới" – PGS.TS Doãn Hồng Nhung nêu quan điểm.

Chia sẻ trên báo Vietnamnet, Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng cũng khẳng định: "Thông thường, tôi không ủng hộ chuyện hồi tố quy định pháp luật nhưng trường hợp này tôi lại rất ủng hộ. Quy định chưa phù hợp thì phải sửa từ đầu, không có chuyện sửa nửa vời. Đã chấp nhận sửa đổi năm 2019 thì phải chấp nhận hồi tố cả khoản tiền doanh nghiệp đã nộp năm 2017, 2018".

Hồi tố hay không, chỉ phụ thuộc vào quyết định của Bộ Tài chính

Được ban hành với mục đích là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết nhưng Nghị định 20 lại liên lụy nhiều hơn đến doanh nghiệp nội. Bởi đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%. Việc khống chế lãi vay theo Nghị định 20 đã khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, nhiều doanh nghiệp lỗ khi phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn lợi nhuận thật.

Trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ít phải vay hơn, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này chỉ là 1,8/1, thấp hơn khu vực trong nước rất nhiều nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI lại rất cao, gấp 5,4 lần khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Gần 3 năm qua, các doanh nghiệp, chuyên gia đã liên tục kiến nghị, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi Nghị định 20. Chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng đã thừa nhận phạm vi đối tượng áp dụng cho tất cả đơn vị có giao dịch liên kết của Nghị định 20 đã gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước, và mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% là "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp.

Được ban hành với mục đích là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết nhưng Nghị định 20 lại liên lụy nhiều hơn đến doanh nghiệp nhà. Ảnh minh họa.

Như vậy, bất cập đã được thừa nhận, nhưng việc khắc phục hậu quả đã gây ra cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại đang chần chừ. Trong khi gần 3 năm qua, quy định này đang “ăn” vào máu thịt của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp dần mất sức cạnh tranh trong môi trường ngày càng khốc liệt. Doanh nghiệp sẽ khó có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu như những quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp như tại Nghị định 20 chưa được gỡ bỏ.

Mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc có áp dụng hồi tố hay không khi sửa khoản 3 Điều 8, Nghị định số 20/ 2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương (trường hợp này là Nghị định của Chính phủ) có thể quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố)”.

Thậm chí, Bộ Tư pháp còn dẫn chứng thực tế ngay đối với văn bản pháp quy trong lĩnh vực thuế: “Trong thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, đơn cử trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Nghị định về thuế (Khoản 8 Điều 1). Bộ Tư pháp cho rằng việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này (tức Nghị định 20 – NV) đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta”.

Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực kinh doanh, nguồn vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư, có thể ví như “dòng máu” chảy trong cơ thể doanh nghiệp. Việc quy đinh và áp dụng hiệu lực hồi tố là nguyên tắc thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, thể hiện quan điểm của một Chính phủ kiến tạo và tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn đang phải lay lắt từng ngày, chăm lo cho người lao động, với hy vọng khi hết dịch có thể phục hồi nhanh chóng và tiếp tục chặng đường mới, đồng hành cùng với dặm dài phát triển của đất nước.

Như vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp đều thống nhất một ý kiến là cần thiết phải cho phép hồi tố khi sửa đổi Nghị định 20. Cả Bộ Tư pháp cũng đã 2 lần cho ý kiến rằng việc hồi tố không có vướng mắc về pháp lý. Vấn đề còn lại, nằm ở quyết định của Bộ Tài chính.

“Bãi bỏ hay sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên qua đó làm giá trị gia tăng và GDP của đất nước tăng lên và Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn ở những chu kỳ sản xuất kinh doanh sau. Những việc có hại cho doanh nghiệp và cả Nhà nước không thể “để từ từ” xem xét được”, một chuyên gia tài chính nêu quan điểm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top