Aa

Bộ Tư pháp: Có cơ sở để hồi tố khoản 3 Điều 8 Nghị định 20

Thứ Hai, 16/03/2020 - 11:51

Bộ Tư pháp cho rằng việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta.

Theo nguồn tin riêng của Reatimes, ngày 13/3/2020, Bộ Tư pháp đã có văn bản Số 891/BTP-PLDSKT ngày 13/3/2020 trả lời Công văn số 2801/BTC-TCT ngày 12/3/2020 của Bộ Tài chính về đề nghị góp ý dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Tại văn bản trả lời, Bộ Tư pháp cho hay, ngày 11/3/2020, Thường trực Chính phủ đã họp xem xét nội dung của dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính trình. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp đánh giá tác động đối với việc cho hồi tố áp dụng tại Điều 3 của dự thảo Nghị định trong các năm 2017 và 2018 đối với các doanh nghiệp. 

"Như vậy, Bộ Tư pháp chỉ có ý kiến về mặt pháp lý về nội dung liên quan đến quy định hồi tố tại mục 2.5. “Về việc quy định cho phép hồi tố” ở trang 4 dự thảo Báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 nghị định 20/2017/NĐ-CP", Bộ Tư pháp kết luận.

Ảnh minh họa.

Trước đó, tại Báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 nghị định 20/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có các số liệu về kinh phí phải hoàn trả (nếu cho hồi tố), những khó khăn về quy trình quản lý của ngành thuế nếu cho hồi tố, cụ thể: "Các khoản thu năm 2017, 2018 đã được đưa vào quyết toán Ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này. Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.067 tỷ đồng); năm 2018 số chi phí lãi vay được trừ tăng 14.041 tỷ đồng (tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.808 tỷ đồng). Số liệu này chưa bao gồm số tiền lãi tương ứng từng kỳ quyết toán đến nay và không bao gồm các doanh nghiệp cố tình không tuân thủ kê khai chi phí lãi vay và số thuế phải nộp chỉ được phát hiện, truy thu qua thanh tra kiểm tra trong thời gian tới. Với tổng số kinh phí phải hoàn trả 4.875 tỷ đồng, hiện chưa có nguồn để thanh toán".

Đối với nội dung này, Bộ Tư pháp nhận thấy: "Nội dung này thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu nêu trong báo cáo".

Về mặt pháp lý, Bộ Tài chính cho hay, khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật quy định: "1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước".

Bộ Tư pháp cho ý kiến như sau: Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương (trường hợp này là Nghị định của Chính phủ) có thể quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).

Tuy nhiên, trong thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, đơn cử trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều trong các nghị định về thuế (Khoản 8 Điều 1), do đó, Bộ Tư pháp cho rằng việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta. 

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo Bộ Tài chính, nếu hồi tố thì phải bồi hoàn lại số tiền đã đóng cho doanh nghiệp và “có thể trường hợp số thu Ngân sách Nhà nước thấp hơn số bồi hoàn”… Nhưng nguyên tắc của việc bồi hoàn luôn chỉ là trả lại những khoản đã thu được và tối đa không vượt quá mức đã thu được này, thì làm sao xảy ra việc Ngân sách Nhà nước bị mất tiền khi áp dụng quy định hồi tố các luật định?

Đặc biệt, theo giải trình của Bộ Tài chính, tiền thu thì đã tiêu hết, đưa vào quyết toán được xác nhận và đã kiểm toán chính thức. Hơn nữa, trong dự toán năm ngân sách 2020 không có nguồn Ngân sách Nhà nước để hoàn trả lại khoản tiền đã đóng Ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính còn rất quan ngại việc hồi tố sẽ gây phức tạp và phát sinh tiêu cực vì phải áp dụng cơ chế xin - cho trong ngành thuế…

Đây có lẽ là lý do khó chấp nhận nhất mà Bộ Tài chính giải trình. Nếu cứ theo logic đó, thì phải chăng ngành thuế đã, đang và sẽ không bao giờ đủ năng lực quản lý tiêu cực khi thực hiện hồi tố các luật định về thuế?! Cũng tức là các doanh nghiệp và đối tượng nộp thuế đành phải hy sinh lợi ích để giúp ngành thuế bảo đảm giữ mình trong sạch và không phải đau đầu, bận bịu tính toán cách thức trả lại tiền thu phức tạp?!

TS. Nguyễn Minh Phong

Còn 2 vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là: (i) có cho phép hồi tố số tiền thuế đã nộp trong năm 2017 và 2018 hay không và (ii) có cho phép chuyển tiếp sang kỳ tính thuế tiếp theo hay không đối với phần chi phí lãi vay thuần đã không được trừ trong trường hợp doanh nghiệp có EBITDA âm (doanh nghiệp bị lỗ).

Tôi cho rằng, cần cho phép hồi tố vì 2 lý do chính.

Thứ nhất, thời điểm hiệu lực của Nghị định 20 là từ năm 2017, và doanh nghiệp đã không được khấu trừ phần chi phí lãi vay này khi tính thuế trong 2 năm (2017 và 2018), như vậy đã phải trả nhiều thuế hơn (có doanh nghiệp phải trả thêm vài chục thậm chí hàng trăm tỷ VND); điều này xem ra thiếu công bằng so với năm 2019 (năm dự kiến bắt đầu được tính theo tỷ lệ mới là 30%) và thiếu công bằng so với các doanh nghiệp khác.

Thứ hai, về mặt kỹ thuật, việc hồi tố 2 năm đó cũng không phải là phức tạp, vì có thể trừ trực tiếp từ tiền nộp thuế năm 2019.

TS. Cấn Văn Lực


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top