Aa

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều cơ hội phục hồi kinh tế năm 2022

Thứ Năm, 03/02/2022 - 11:16

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng kinh tế Việt Nam có đà phục hồi tốt từ cuối 2021 và dự báo năm 2022 đất nước sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nhanh.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, điểm nghẽn và nút thắt cần được giải quyết. Tuy vậy, ông nhấn mạnh kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước.

Kinh nghiệm chống dịch, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao là tiền đề quan trọng giúp kinh tế có thể trở lại trạng thái bình thường mới, vừa thích ứng với dịch, vừa tận dụng những thời cơ mới, cơ hội mới.

Nhìn lại năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều; sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.

Dù vậy, trong tháng cuối năm 2021, các khu vực kinh tế đã dần vượt qua khó khăn, tạo ra bức tranh có “gam màu sáng”.

Đà tăng trưởng từ năm 2021

Năm ngoái, cả nước có có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng cuối năm 2021 ước tính tăng 4,82% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng trưởng cao.

Kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng trong năm 2021. Ảnh: Lê Quân.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Quý III/2021, nền kinh tế chao đảo vì đại dịch, nhưng kết thúc cả năm 2021, Việt Nam vẫn thu hút 31,15 tỷ USD vốn FDI ở 18 lĩnh vực. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đăng ký.

Kim ngạch xuất khẩu cũng đạt tới 336,25 tỷ USD trong năm 2021, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Nhập khẩu cũng ước đạt 332,25 tỷ USD.

“Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Bộ trưởng khẳng định.

"Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tới”, ông Dũng cho biết.

Với những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong năm 2021, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Đây là cơ sở quan trọng để tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Giải quyết các điểm nghẽn

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho nền kinh tế vẫn còn các điểm nghẽn, nút thắt trong phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022. Dịch Covid-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Trong năm 2021, có 119.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Trong đó, có gần 55.000 doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế.

Các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa và lao động. Thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 77,8% kế hoạch năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đà phục hồi 2022, kinh tế Việt Nam cũng gặp không ít thách thức. Ảnh: Thạch Thảo.

Kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với năm 2020), nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 88,71 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 13,4% so với mức tăng 21,1% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.

Nông nghiệp - luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế - cũng gặp không ít thách thức. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Ông Dũng nhấn mạnh rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế. Trong năm 2022, áp lực lạm phát còn hiện hữu.

Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.

Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và cả nguyên nhiên vật liệu trong nước.

Nhiều cơ hội và triển vọng

Nói về năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh còn nhiều cơ hội và triển vọng để Việt Nam phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn.

Thứ nhất, Việt Nam có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021. Kinh nghiệm và năng lực phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên. Khả năng chủ động sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vắc-xin cho toàn dân.

Điều đó sẽ đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vắc-xin là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong năm 2022, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế sẽ được tăng cường. Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Còn nhiều cơ hội và triển vọng để Việt Nam phục hồi kinh tế. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng, để tận dụng các cơ hội thì phải kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Đồng thời, cần sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng.

Một trong các biện pháp được Bộ trưởng nhấn mạnh là thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Ông cho biết Chính phủ sẽ chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng cường triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất quan trọng.

“Cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thành lập cơ chế phân quyền nhằm tạo sự thuận lợi không chỉ trong nước, mà còn trên trường quốc tế”, ông nói.

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng cần tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở.

Về xuất nhập khẩu, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Chính phủ cần đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa giữa các địa phương nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top