Sáng 16/7, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã làm việc với UBND TP.HCM về sơ kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2019 - 2020 giữa hai bên.
Phát biểu tại đây Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ TT&TT luôn xác định TP.HCM là đầu tàu trong lĩnh vực ICT và báo chí truyền thông của cả nước.
“Chúng tôi rất ủng hộ thành phố về tuyên bố không lấy các nước mà lấy các thành phố lớn để so sánh, làm hướng phát triển. Nước ta so với nước Mỹ thì khoảng cách tương đối lớn, nhưng giới tinh hoa Việt Nam so với Mỹ thì khoảng cách không lớn. TP.HCM là tinh hoa của Việt Nam thì bắt buộc phải đặt mục tiêu tương đương với thành phố của các nước đã phát triển”, Bộ trưởng Hùng cho hay.
Ông cũng đề nghị thành phố phải đi đầu cả nước về viễn thông, trong đó cần đặt ra và có kế hoạch để đạt tỷ lệ 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh vào năm 2022, thay vì chỉ 60% như hiện nay, đồng thời 100% hộ gia đình phải có cáp quang.
“Nếu không có 2 điều này thì không thể nói thành phố thông minh, bởi chính quyền điện tử là cung cấp thông tin, dịch vụ công đến mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Thiếu hai điều trên thì không giải được bài toán”, ông nói.
“Về nguồn nhân lực, thành phố cần tiếp cận theo hướng tạo ra việc sẽ có người, có công nghệ. Cần chủ động tạo ra thách thức mới, thay vì kêu gọi chuyên gia thì đặt ra yêu cầu cao – việc vĩ đại sinh ra con người vĩ đại, doanh nghiệp vĩ đại”
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Đề cập đến việc phát triển mạng 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mục tiêu năm 2020 là phủ được đến tất cả các khu công nghiệp, khu nghiên cứu, trường đại học.
“Tất cả đều phụ thuộc vào sóng 5G mà không có 5G ở đó thì là nói suông, và 2022 là hạn cuối cùng phải phủ sóng 5G toàn bộ TP.HCM, để tương đương New York về hạ tầng viễn thông”, ông nhấn mạnh và cho rằng các doanh nghiệp viễn thông phải coi sự phát triển của ngành là xây dựng nền tảng hạ tầng chứ “không chỉ thuần túy lợi nhuận”.
Về an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định người Việt rất có năng lực trong lĩnh vực này và phải trở thành cường quốc. Theo ông nếu làm được điều này thì cũng giống như việc trở thành “cường quốc quân sự trong thế giới thực”.
“Thành phố phải đi đầu về an ninh mạng, không có yếu tố đảm bảo thì không ai dám chuyển đổi số vì rất nguy hiểm. Dữ liệu là số phận con người, an toàn phải đi trước”, Bộ trưởng Hùng nhận định.
Ông cũng cho rằng chính quyền điện tử chỉ giải quyết “câu chuyện dịch vụ công”, trong khi chính quyền số ở mức độ cao hơn rất nhiều, đó là chuyển toàn bộ hoạt động của thành phố sang môi trường số, tiến tới kinh tế số, xã hội số.
“Chuyển đổi số là rất mạnh mẽ và mang tính lịch sử của loài người. Chúng ta phải chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa từ thế giới thực vào thế giới ảo. Chuyển đổi số quan trọng nhất là sự toàn diện, chỉ khi đó mới tận dụng được sức mạnh, ngược lại sẽ không phát huy được tiềm năng. TP.HCM cần coi đây là câu chuyện trọng tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng Hùng bày tỏ.
Trong phát biểu trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi ý UBND TP.HCM “đặt hàng” với Bộ TT&TT để làm chiến lược số hóa trong 7 năm tới. Theo ông nguồn dữ liệu của thành phố là “khổng lồ”, do vậy cần nhanh chóng số hóa những tài liệu cũ và liên tục cập nhật tài liệu mới.
Người đứng đầu thành ủy cũng đề nghị Bộ phối hợp giúp đỡ trong các hoạt động công nghệ thông tin, trong đó có việc xây dựng các mô hình mô phỏng và dự báo sự phát triển của thành phố.
“Nếu không có dự báo thì suốt ngày giật mình, từ tắc đường tới rác thải, ô nhiễm… bỏ yếu tố mô phỏng thì thành phố không còn thông minh, chỉ giải quyết sự vụ tối ưu, không có chiến lược tối ưu”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.