Trong phiên họp hôm nay, các đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam), Lưu Bình Nhưỡng(Bến Tre), Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về: Giải pháp phối hợp đồng bộ trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị tránh lãng phí khi đường vừa làm xong đã bị đào lên làm cống ngầm, hệ thống nước sạch, dẫn điện... ;giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận nguyên nhân cấp phép xây dựng các khu đô thị, các chung cư cao tầng chưa hợp lý dẫn tới quá tải hạ tầng. Mặc dù các văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng đã quy định cụ thể, kỹ lưỡng (về mật độ, hệ số, chỉ giới sử dụng đất, chỉ tiêu xây dựng, cảnh quan, kiến trúc...) song chưa được thực hiện nghiêm trong xây dựng quy hoạch hoặc triển khai thiếu đồng bộ quy hoạch... Trước mắt, các địa phương phải tuân thủ nghiêm quy hoạch chi tiết trong phê duyệt đầu tư các dự án, có kế hoạch thực hiện đồng bộ hạ tầng khi xây dựng các khu dân cư...
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết là có thật. Quá trình phê duyệt quy hoạch chúng ta làm đúng, nhưng trong quá trình thực hiện một số chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao... Trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố Hà Nội trong quản lý, tiếp đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, vừa qua Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thanh tra kiểm tra; giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm... Vừa qua Hà Nội đã xử lý trách nhiệm của 18 cán bộ vi phạm.
Về vấn đề quản lý công ty công viên cây xanh (tình trạng lấn chiếm bán hàng rong, xây dựng sai phép các công trình kinh doanh dịch vụ trò chơi, nhà hàng, không đúng chức năng, công năng), Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ thống nhất giao một đầu mối quản lý để rõ ràng trách nhiệm.
Chủ tịch Hà Nội cũng giải trình về các giải pháp xử lý tình trạng ngập lụt trong các quận nội thành như: Triển khai các dự án thoát nước; xây thêm 25 hồ chứa; thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch; triển khai các dự án nạo vét 128 hồ ở các quận nội thành;...
Về vấn đề lấn chiếm đất đai ở các vùng bến bãi, Hà Nội có hơn 5000ha, thành phố đã giao cho cơ sở quản lý, song vừa qua có việc vi phạm lấn chiếm để canh tác, xây dựng các khu du lịch sinh thái,... Thành phố đã phối hợp với các cơ quan trung ương lập các đoàn kiểm tra, xử lý trên 200 trường hợp; kiên quyết giải tỏa các công trình vi phạm.
Chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận tình trạng đô thị còn nhếch nhác, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể như: Hạ ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông (2016 hạ được 19 tuyến, từ đầu năm 2017 đến nay đã hạ được 72 tuyến); thay thế hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; chỉnh trang lại mặt tiền các tuyến phố (biển hiệu, quảng cáo); sau khi làm xong những việc trên, Hà Nội mới tiến hành lát lại vỉa hè, khắc phục trình trạng vừa làm xong lại đào lên; cơ giới hóa việc thu gom rác thải; đồng thời tiến hành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân;...
Về xử lý vùng tắc giao thông, ngập lụt trong đô thị của TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ, theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo quy mô dân số đến năm 2025 của TP là 10 triệu người, nhưng năm 2017 đã đạt 13 triệu người. “Con số thống kê chỉ 8,4 triệu người, nhưng số người thường xuyên sinh sống và làm việc trên địa bàn TP thì lên đến 13 triệu người”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết. Như vậy, “TP.HCM đang chịu áp lực rất lớn về dân số, tác động lên toàn hệ thống hạ tầng giao thông”.
Hiện TP có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy và 700.000 xe ô tô. Trung bình mỗi tháng có 30.000 phương tiện mới đăng ký, tính ra mỗi ngày có 1.000 phương tiện tham gia giao thông đăng ký mới. Trong khi đó, đường sá không mở rộng, các công trình giao thông không giải quyết kịp với lượng phương tiện tham gia giao thông. Với sự phát triển cùng với sự gia tăng quy mô dân số, gia tăng phương tiện tham gia giao thông tạo ra áp lực rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP.
Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung, TP. HCM xây dựng các tuyến đường khép kín, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị… “Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông chỉ có thể phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, nhưng thực tế, nguồn vốn ngân sách để giải quyết các tuyến giao thông công cộng hiện không có khả năng, chỉ có thể dựa vào vốn ODA và đầu tư theo hình thức PPP”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng chủ động giãn dân ra khu vực ngoại thành, góp phần đô thị hóa nhanh chóng khu vực ngoại thành. Tạo nên sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Một mặt, tập trung phát triển các công trình giao thông công cộng. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, đối với những quy hoạch đã được phê duyệt với số dân quy định thì dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, hiện nay TP.HCM đang tập trung xử lý, triển khai các dự án giao thông để giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Trên địa bàn TP cũng có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Cho nên, bên cạnh việc phát triển giao thông công cộng, triển khai các dự án giao thông, TP cũng chủ động phân luồng, phân tuyến hợp lý, tổ chức các lực lượng, kể cả biên phòng, thanh niên xung phong... cùng phối hợp giải quyết ùn tắc giao thông. “Với mức độ gia tăng dân số, kèm theo là việc các phương tiện giao thông phát triển như vậy, dứt khoát ùn tắc giao thông không thể không xảy ra, cho nên chính quyền TP hiện nay chỉ có thể triển khai giải pháp lâu dài để ùn tắc giao thông không xảy ra. Mặt khác, có những dự án giao thông phải triển khai ngày và có giải pháp trước mắt để chống ùn tắc.
Về tình hình chống ngập của TP, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, “muốn trị được bệnh phải xác định được nguyên nhân gây ra bệnh”. Ngập của TP có nhiều nguyên nhân, trước hết do thủy triều dâng, do nước biển dâng, do tác động biến đổi khí hậu, ngập do lũ, ngập do mưa. Thời gian gần đây, lượng mưa cuối năm 2016, đầu năm 2017 lượng mưa rất dày. Ngập cũng do một phần quản lý yếu kém, và cuối cùng là ý thức của người dân. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân TP cũng đề ra những giải pháp tổng hợp.
Thường trực UBND TP đã giao các Phó Chủ tịch UBND TP xuống kiểm tra từng điểm ngập, và thực tế thấy rằng, chúng ta đã có nhiều nỗ lực, giải pháp triển khai công trình chống ngập, nhưng do xả rác, thải các chất thải làm ứ đọng dòng chảy, dẫn đến ngập. “Trước mắt chúng tôi vận động người dân không xả rác”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói. Còn về giải pháp trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý cũng như các giải pháp mang tính chất công trình ra sao nhằm làm giảm tình hình ngập của TP, thì “xin thưa kể cả ùn tắc giao thông, ngập nước cần có lộ trình để xử lý, chứ không thể xử lý được ngay trong thời gian này được”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.