Aa

Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo Quốc hội về tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo và chậm tiến độ

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 28/10/2022 - 12:49

Sáng ngày 28/10, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề lớn về tình hình quản lý đất đai và dự án chậm tiến độ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với nhận xét của các đại biểu về những vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay và nguyên nhân: “Thực ra, tổng kết Nghị quyết 19 và khi Trung ương thông qua Nghị quyết 18 và trong báo cáo tổng kết về Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề tồn tại yếu kém, những nguyên nhân này cũng đã được chỉ ra, hôm nay các đại biểu một lần nữa đã nhắc lại tôi hoàn toàn đồng tình. Để giải quyết những vấn đề này phải nói lãng phí đất đai do các dự án chậm tiến độ, dự án treo. Trước đây thì chúng ta có 28.155 héc-ta, trong thời gian vừa qua chúng ta đã giải quyết được trên 10.000 héc-ta, như vậy hiện nay còn 18.000”.

Theo tư lệnh ngành tài nguyên môi trường, nguyên nhân có rất nhiều, nhưng có thể chỉ ra bốn vấn đề chính:

Thứ nhất, do vấn đề chậm giải phóng mặt bằng.

Thứ hai, do các quy hoạch đang thay đổi.

Thứ ba, nguyên nhân hiện nay các nhà đầu tư đã lựa chọn là các nhà đầu tư kém năng lực nên không đầu tư được.

Thứ tư, trong quá trình mà xử lý thì các vấn đề về pháp luật đất đai, các pháp luật có liên quan có những khoản chồng chéo nên đối với vấn đề này khi các dự án này là những dự án đã vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý hoặc do các nhà đầu tư đã có kết luận của thanh tra hoặc có bản tuyên án của Tòa án hoặc là ý kiến Ủy ban Kiểm tra. Đây là những vấn đề dẫn đến nguyên nhân chậm.

Từ các nguyên nhân đấy hiện nay Chính phủ đang làm những công việc gì? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết:

Thứ nhất, đối với các dự án hiện nay tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong lịch sử, Chính phủ đã lập một đề án và đã tập trung 4 thành phố, hiện nay có trên gần 2.000 dự án đang vướng mắc, đã đưa ra các phương án để xử lý và đề xuất các cấp có thẩm quyền. Thời gian tới những vấn đề lớn sẽ báo cáo với Bộ Chính trị, xin Bộ Chính trị giao cho các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý.

“Tôi rất đồng tình với đại biểu cách xử lý, đối với việc Luật Đất đai chắc chắn sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu. Các đại biểu sẽ có dịp góp ý thời gian tới. Nhưng từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, nếu đó là thẩm quyền của Quốc hội hoặc là nghị định của Chính phủ nếu là thẩm quyền của Chính phủ, hoặc là vấn đề liên quan địa phương thì theo thẩm quyền chúng ta sẽ đưa ra một cơ chế để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố và sau đó sẽ xem xét để tính toán đối với các địa phương khác trong cả nước.

Tất nhiên phải bám sát nguyên tắc: Một là không làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Hai là không để lợi dụng hợp thức hóa những sai phạm. Ba là không làm ảnh hưởng đến bên thứ ba ngay tình, tức là liên quan đến các dự án hiện nay ảnh hưởng đến hàng nghìn các hộ dân”, ông Hà nói.

Bộ trưởng khẳng định, liên quan đến việc lợi dụng trong các chính sách đất đai, Luật Đất đai lần này sẽ tập trung rất cụ thể vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, vấn đề liên quan đến định giá và hầu hết các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch.

“Hiện nay chúng ta được quy định trong luật khung giá, bảng giá và định giá cụ thể, mặc dù vậy khung giá và bảng giá vẫn không sát thị trường, thêm vào đó là các cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, giá đất được thu thập không đầy đủ, chính xác. Chúng ta có 4 phương pháp đúng là phù hợp với thông lệ quốc tế và nếu chúng ta có đầu vào chính xác về dữ liệu đất đai thì chúng ta có thể định giá được, lần này sẽ thay đổi cơ bản phương pháp định giá trên cơ sở chúng ta xây dựng những điều kiện khác để thực hiện như là các cơ sở dữ liệu về đất đai bao gồm giá đất, quy định về các hợp đồng, chế định trách nhiệm phải qua sàn giao dịch và đăng ký đối với người dân.

Tất cả những vấn đề đó chúng ta sẽ làm và cũng không thể làm bằng thông tư được, bởi vì để có một phương pháp định giá mới thì phải thay đổi ngay từ trong luật và thay đổi một cách cơ bản phương pháp định giá mới”, Bộ trưởng cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top