Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại Việt Nam, cùng với công cuộc Đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập quốc tế, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Tính trung bình, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%).
Thứ Trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng không ngừng gia tăng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trường. Năm 2022 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng 1,85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Theo đó, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67,161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 16,3 tỷ USD, xếp sau là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phân theo đối tác thì Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; xếp sau lần lượt là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản.
“Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản đối với nền kinh tế, Bộ Xây dựng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Cụ thể, trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 22/5 - 23/6/2023, đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến thông qua vào Kỳ thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11/2023.
Đây là hai đạo Luật có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện hai đạo Luật lần này sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và bất động sản, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và bất động sản tại Việt Nam. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.
Đánh giá vai trò của thị trường bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định, thị trường bất động sản có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp 13 - 15% GDP, liên quan tới khoảng 40 ngành nghề, thu hút hàng triệu lao động.
Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản còn đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra diện mạo đô thị, góp phần xây dựng hình ảnh Quốc gia, thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam và nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân.
Thị trường bất động sản sẽ phục hồi, phát triển
Trước vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, thị trường bất động sản dù đang trong giai đoạn khó khăn, giới chuyên gia, nhà quản lý vẫn cho rằng, tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển thị trường bất động sản còn rất lớn, nên thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ có sự phục hồi, phát triển nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...
Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu như Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/ tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% (462,7 tỷ USD/ 2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232,29 tỷ USD/ 5.601,31 tỷ USD).
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đánh giá, thị trường bất động sản đang có nhiều trợ lực từ việc sửa đổi các đạo luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Vì vậy, thị trường này thời gian tới sẽ có một hành lang pháp lý hoàn thiện để nhanh chóng hồi phục và bước vào chu kỳ phát triển bền vững, lãnh mạnh hơn./.