Aa

Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm cải cách

Thứ Tư, 17/01/2018 - 02:25

Năm 2017, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được Bộ Xây dựng quan tâm đặc biệt, có chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ số cấp phép xây dựng được WB xếp hạng thứ 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất của Việt Nam.

Chiều 16/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Năm 2017, mặc dù thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực cao độ và tinh thần chỉ đạo xuyên suốt: quán triệt và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch hành động nhằm nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu đồng thời có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ngành nghề điều kiện đầu tư kinh doanh là những kết quả nổi bật đáng ghi nhận của Bộ Xây dựng trong năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. - Ảnh: VGP.

Đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu

Năm 2017, hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao, tăng 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5%, tăng 0,9% so với năm 2016. Hiện cả nước có 813 đô thị, tăng 11 đô thị so với năm 2016.

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77% (tăng 2% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38% (tăng 3% so với năm 2016); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4% (tăng 0,4% so với năm 2016).

Một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5% tăng 1,0% so với 2016; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85,5%, tăng 0,5% so với 2016; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23% giảm 0,5% so với 2016.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2sàn/người, tăng 0,6m2sàn/người so với 2016. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 81 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2016, đạt 100% kế hoạch năm.

Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác hoàn thiện thể chế

Theo Bộ Xây dựng, năm 2017, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc lớn.

Cụ thể là việc bảo đảm tiến độ xây dựng 2 dự án Luật: Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúcdự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2018 và 2019; chủ động rà soát, hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và đã được Chính phủ thông qua để đưa vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018. Tổng kết Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch để lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp nước.

Đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 9 văn bản, gồm: 4 Nghị định, 3 Quyết định và 2 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư. Tiếp tục hoàn thiện 5 văn bản, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời Bộ cũng hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” và cơ bản hoành thành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ” trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2017 cũng đã sửa đổi, bổ sung 1.924 định mức kinh tế - kỹ thuật, ban hành suất đầu tư năm 2016; công bố 28 tiêu chuẩn và thẩm định 60 tiêu chuẩn xây dựng. 

Bước đột phá trong cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền

Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng và Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng, trong đó có nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý các hoạt động xây dựng, nhất là đối với 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM; phân định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư, đồng thời cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Hiện nay, quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng đã được đơn giản và rút ngắn. Chỉ số cấp phép xây dựng (theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới) được xếp hạng thứ 20/190 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2016 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam.

Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng của các chủ thể được nâng lên rõ rệt, góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng đảm bảo an toàn công trình.

Nổi bật, công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt, có chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. 

Đồng thời tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường. 

Tiến hành rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đã hoàn chỉnh hồ sơ xây dựng Nghị định về việc này, trong đó đã đề xuất: Bãi bỏ 7/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Bộ Tư pháp thẩm định đề nghị bãi bỏ 5 ngành nghề); trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh, đã bãi bỏ 41,3%, đơn giản hoán 47,3% và giữ nguyên 15% số lượng các điều kiện kinh doanh. Về thủ tục hành chính giảm 49/90 thủ tục, đơn giản hóa 22 thủ tục.

Cùng với đó, theo đánh giá của Bộ Xây dựng công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và nông thôn ngày càng đi vào nề nếp. Thị trường Bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn, công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về một số vật liệu xây dựng chủ yếu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ cũng đang tập trung chỉ đạo nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc theo phương án được duyệt

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 18/12/2017 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 510 nhiệm vụ,  Bộ đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt cơ bản hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao.

11 nhiệm vụ trong tâm của ngành Xây dựng trong năm 2018

Bước vào năm 2018, Bộ Xây dựng đã đề ra 11 nhiệm vụ nhằm nỗ lực thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Theo đó, sẽ nỗ lực thực hiện tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống công cụ quản lý, đặc biệt là các công cụ để kiểm soát có hiệu quả các hoạt động xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, thị trường bất động sản, nhà ở và nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung hướng dẫn, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực của ngành mới được ban hành và tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện; nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn; tập trung thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top