Aa

Bộ Y tế quy định như thế nào về truyền bia để giải độc rượu?

Thứ Bảy, 12/01/2019 - 01:13

Theo Bộ Y tế, truyền bia, rượu để giải độc rượu đã được quy định trong hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc ban hành năm 2015.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa xử trí cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật bị ngộ độc rượu công nghiệp methanol. Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ truyền tới 15 lon bia vào đường tiêu hoá để giải rượu đang khiến dư luận xôn xao, coi đây là “sáng kiến chỉ có ở Việt Nam”.

Tuy nhiên lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.

Theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc (Ban hành kèm theo Quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế), với bệnh nhân bị ngộ độc rượu, thì thuốc giải độc đặc hiệu là Ethanol và fomepizole (4-methylpyrazole) vì ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục chuyển hóa và gây độc.

Bộ Y tế quy định như thế nào về truyền bia để giải độc rượu?

Dùng bia chữa ngộ độc rượu đã được Bộ Y tế công nhận

Phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng lưu ý: Ethanol hoặc fomedizole nên dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách, để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.

Tuy Ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nước điện giả)i. Chế phẩm ethanol tĩnh mạch dễ dùng cho bệnh nhân hơn, dễ theo dõi và điều chỉnh liều hơn ethanol đường uống. Còn Fomepizole hiệu quả, dễ dùng và theo dõi nhưng rất đắt tiền.

Tại Quảng Trị, các bác sĩ đã áp dụng giải độc methanol cho bệnh nhân bằng cách sử dụng ethanol đường uống (sử dụng ethanol có trong bia).

Với cách làm này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh quy định dùng rượu uống (chọn loại an toàn, có ghi rõ độ cồn),pha loãng thành rượu có nồng độ 20% (1 ml chứa 0,16 gram ethanol) và cho liều ban đầu 4ml/kg để uống hoặc nhỏ giọt vào sonde dạ dày, khi uống có thể pha thêm đường hoặc nước quả. Sau liều ban đầu này có thể cho uống liều duy trì, bằng khoảng 1/10 liều ban đầu.

Trong quá trình sử dụng ethanol đường uống, các bác sĩ cần theo dõi nồng độ ethanol trong máu (nếu có điều kiện), duy trì 100-150mg/dL. Theo dõi tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu. Xử trí tai biến và cần đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ glucose.

Bác sĩ sẽ ngừng ethanol khi bệnh nhân đạt các tiêu chuẩn sau: khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ methanol máu dưới 10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa như mô tả trên và lâm sàng (đặc biệt thần kinh trung ương) đã cải thiện.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì việc truyền bia để giải độc rượu đúng là một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

Bộ Y tế quy định như thế nào về truyền bia để giải độc rượu?

Bệnh nhân bị ngộc độc rượu khi đang điều trị tại bệnh viện

Như báo Công lý đã đưa tin, bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện sáng 25/12 trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch. Trước đó, trong tiệc mừng Giáng sinh, ông Nhật cùng một số người uống rượu. Sau đó về nhà, ông cùng 3 người khác xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu. Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền 3 lon bia tức gần một lít, vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS Lê Văn Lâm - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị giải thích, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic. Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.

Chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến ông Nhật hôn mê. Lúc này, cơ thể bệnh nhân hết Etylic. Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân.

Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top