Aa

Bộ Y tế: Thuốc “làm từ thịt người” thực chất là làm từ nhau thai

Thứ Hai, 12/11/2018 - 03:45

Loại thuốc “làm từ thịt người” được dư luận nhắc đến những ngày qua không được làm từ thịt người như nhiều người nghĩ mà thực chất được làm từ nhau thai.

Báo Người lao động đưa tin, ngày 10/11, đại diện Bộ Y tế cho biết loại thuốc "làm từ thịt người" được nhắc đến trong công văn mới đây của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế không phải được làm từ thịt người như nhiều người nghĩ mà thực chất được làm từ nhau thai. 

Bộ Y tế: Thuốc “làm từ thịt người” thực chất là làm từ nhau thai - Ảnh 1Thuốc làm từ nhau thai từng bị thu hồi ở Hàn Quốc (Ảnh: EPA).

Theo quy định của Bộ Y tế, Việt Nam hiện cấm sản xuất, lưu hành thuốc làm từ nhau thai người. Hiện nhau thai người được xử lý như chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. 

Trước những lo ngại về loại "thuốc làm từ thịt người", các chuyên gia y học cổ truyền của Việt Nam lại cho biết y văn không nhắc đến loại thuốc trên. Ông Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết thuốc làm từ thịt người là không đúng. Đây chỉ là thuốc làm từ nhau thai và nếu nói là thịt người là không chính xác. 

"Từ trước đến nay, cả Tây y và Đông y đều sử dụng nhau thai làm nguyên liệu, thành phần của thuốc và bài thuốc. Ở Tây y trước đây nhau thai được sử dụng để sản xuất Philatop, nhưng do nguồn không đáp ứng được nên sau này các nhà khoa học đã dùng gan động vật để sản xuất Philatop. Còn trong Đông y, nhau thai được sử dụng trong bài thuốc Hà sa đại tẩu hoàn, bài thuốc rất bổ khí huyết, dùng cho những người bị suy nhược cơ thể. Riêng vị hà sa (nhau thai nhi) khoa học đã xác định có rất nhiều hoóc-môn đặc biệt ở trong đó, mà những cái khác không có", ông Bản nói.

Cùng quan điểm này, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cũng cho biết trong Đông y, chỉ có duy nhất một bộ phận của người được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, đó là nhau thai của bà đẻ trong bài thuốc Hà sa đại tẩu hoàn. Việc sử dụng nhau thai người trong các bài thuốc, với y học không phải là chuyện lạ bởi trong nhau thai có nhiều protein, carbonhydrat, muối khoáng, vitamin, các yếu tố miễn dịch... Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được nhau thai bổ dưỡng hơn các thực phẩm khác. Đó là chưa kể việc sử dụng nhau thai làm thức ăn cũng có nhiều nguy cơ, nhất là khi bà đẻ mắc bệnh truyền nhiễm. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.

Bộ Y tế: Thuốc “làm từ thịt người” thực chất là làm từ nhau thai - Ảnh 2Theo các chuyên gia thuốc "làm từ thịt người" thực chất có thành phần là nhau thai.

Trước đó, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Nigeria báo động gấp tin hàng trăm ngàn viên thuốc Trung Quốc "làm từ thịt người" lưu hành tại nước này. Theo nguồn tin này, Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria xác nhận, có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người. Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối.

Cục Quản lý dược khẳng định không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc Trung Quốc "làm từ thịt người" đề cập trên tại Việt Nam.

Báo Tin mới cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, nhau thai người cần phải được xử lý thật chặt chẽ như là chất thải trong nhóm chất thải y tế lây nhiễm cần đưa đi tiêu hủy. Theo một số thầy thuốc Đông y, có khi nhu cầu sử dụng tử hà sa của thầy thuốc Đông y là có thật, tuy nhiên, họ không dám dùng vì bệnh viêm gan siêu vi và HIV ngày càng tăng, mà chế phẩm bán trôi nổi hiện nay lại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai. Vì vậy, việc mua bán nhau thai cần xem là không hợp pháp. Người tiêu dùng cần nhận thức rằng, dùng nhau thai làm thuốc như điều kiện hiện nay là không an toàn, tìm cách dùng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Thực chất nhau thai không có công dụng như lời đồn và hiện nay đã có nhiều thuốc thay thế cho tác dụng hiệu quả và an toàn hơn nhiều.

PV (tổng hợp)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top