Aa

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao

Chủ Nhật, 22/12/2024 - 07:00

Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, hình ảnh người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Khúc ca người lính chính là điệp khúc quân hành "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh"; là điệp khúc "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi" trong Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Trong những ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam này, chúng ta lại càng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu, người sáng lập và rèn luyện quân đội ta; người đã đúc kết thật cô đọng và có sức khái quát cao lời huấn thị, cũng là lời căn dặn thật sâu sắc đối với quân đội: "Trung với Đảng, hiếu với dân - Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành - Khó khăn nào cũng vượt qua - Kẻ thù nào cũng đánh thắng". Vâng, "kẻ thù nào cũng đánh thắng" không chỉ là kẻ thù xâm lược đất nước mà còn là kẻ thù thiên tai địch họa. Trong hiểm nguy, hình ảnh anh "Bộ đội Cụ Hồ" luôn hiện lên với sắc xanh quân phục, luôn là điểm tựa niềm tin và sức mạnh lớn lao.

Bác Hồ kính yêu còn là một thi sĩ, Người là một danh nhân văn hóa. Trong những giờ phút cam go thử thách của đất nước, Người luôn giữ phong thái ung dung tự tại với niềm lạc quan, toát lên một chiều sâu bản lĩnh và văn hóa minh triết. Ý chí quyết tâm "đánh thắng" luôn thường trực, trong một tâm thế chủ động, mỗi khi lá cờ truyền thống của quân đội ta tung bay với dòng chữ lấp lánh ánh vàng: "Quyết chiến, quyết thắng". Trong một bài thơ xuất thần cao hứng Bác viết sau chiến thắng Tết Mậu Thân 1968, niềm cảm hứng lạc quan chan chứa trào dâng khi:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao

Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao.

Trước đó, Bác đã có thơ chúc mừng Tết Mậu Thân với: "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta". Và trên chặng đường "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", chúng ta làm sao quên được hình ảnh Người trong bộ quân phục, quần xắn cao, đi dép lốp cao su lên trận địa chiến dịch Đông Khê quan sát bộ đội ta đánh giặc; Bác đội mũ đồng ra trận địa pháo phòng không thăm chiến sĩ; hay Bác đội mũ hải quân thật đẹp với dây mũ như cánh chim hải âu tung bay bên các chiến sĩ.

Cách đây 80 năm tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ - là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của quân đội mà mọi người thường gọi bằng cái tên trìu mến "Anh Văn". Bài diễn văn tại buổi thành lập của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định quyết tâm của toàn thể đội viên: "Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc".

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao- Ảnh 1.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta; là bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu của phát triển cách mạng lúc bấy giờ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện - một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ chiến thắng đầu Phai Khắt, Nà Ngần (1944), tiếp theo là chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch Biên Giới (1950) đến cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là trận quyết chiến Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, mở ra giai đoạn cách mạng mới đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc để tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Rồi những chiến thắng: Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964)…; từ những chiến dịch: Mậu Thân (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972)… đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước. Tiếp đó là hai cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc… Trang sử vàng của quân đội ta đã, đang và sẽ được viết tiếp thêm những chiến công chói lọi.

Bước chân của người chiến sĩ là điệp khúc quân hành: "Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ". Vâng, bài ca ấy là niềm tự hào vinh quang, là sức mạnh tiếp nối truyền thống lịch sử dân tộc ta. Nhịp quân hành rắn rỏi ấy như nhịp đập con tim của tuổi trẻ, là hồi âm của khúc ca ra trận. Khúc quân hành ấy cùng chung chiêng với cánh võng, mái tăng, mái bạt: "Thắng rồi - trận đánh thọc sâu/ Lại về với mái tăng - bầu trời vuông" trong thơ người lính thông tin Nguyễn Duy. Khúc quân hành ấy với tư thế "Ngủ rừng trong đội hình đánh giặc" trong thơ của người lính bộ binh Nguyễn Đức Mậu. Và chúng ta bồi hồi nhớ lại những ngày đánh Pháp còn thô sơ gian khổ, những người lính ra đi từ xóm làng thôn mạc trong thơ Chính Hữu: "Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Ðêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/ Đồng chí". Hai tiếng đồng chí sao mà thân thương trìu mến, tri kỷ đồng điệu đồng lòng đến thế. Đồng chí từ đồng bào, chung bọc trứng mẹ Âu Cơ từ cội nguồn dân tộc. Đồng chí có chung mẹ Việt Nam được tôn vinh: Mẹ Việt Nam anh hùng.

Vẻ đẹp của người lính trước hết là vẻ đẹp của tâm hồn và lý tưởng. Giữa đường hành quân, nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên thật xúc động khi bắt gặp những anh vệ quốc quân qua bao gian khổ: "Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ/ Anh vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế!". Họ là những con người: "Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!" (Đồng chí - Chính Hữu). Vẻ đẹp tâm hồn của người lính dưới "Bầu trời vuông" của mái tăng che võng: "Sục sôi bom lửa chiến trường/ Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng" (Nguyễn Duy). Đó là sự tinh tế, nhạy cảm khi người lính trẻ Hoàng Nhuận Cầm nghe được tiếng chim sót lại trên đồi chốt sau trận đánh ác liệt: "Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/ Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm". Và thật lạc quan tươi trẻ biết bao khi bắt gặp: "Mấy chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi" trên đường ra trận trong thơ Tố Hữu. Hơn ai hết, người lính "Bộ đội cụ Hồ" hiểu sâu sắc rằng: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/ Ta yêu sao làng quê non nước mình/ Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca" (Diệp Minh Tuyền). Tôi lại nghĩ về chiếc mũ nan choàng lưới ngụy trang của anh vệ quốc đoàn thời chống Pháp đến chiếc mũ tai bèo hình lá sen của anh giải phóng quân thời chống Mỹ: "Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/ Mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc" (Tố Hữu).

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao- Ảnh 2.
Bỗng nghe vần thắng vút lên cao- Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội trong thời bình giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống sau bão Yagi. (Ảnh: Sưu tầm)

Đến nay, quân đội ta đã được trang bị hàng loạt vũ khí, khí tài quân sự hiện đại. Từ xưa tới nay, là từ tên tre, chông tre đến tên lửa; từ súng kíp, súng trường đến những cỗ pháo hạng nặng; từ xe đạp thô sơ thồ hàng lên mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa đến những khối xe tăng, thiết giáp, xe chiến đấu hiện đại; từ những con thuyền độc mộc len lỏi qua khe suối thác ghềnh đến những hạm tàu rẽ biển khơi sóng vỗ. Và trên nền trời tự do thanh cao của Tổ quốc, những "cánh én bạc" mang ngôi sao vàng nghiêng cánh bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của đất nước. Những người lính "Bộ đội cụ Hồ" được trang bị kiến thức quân sự, mang trong mình một lý tưởng cao đẹp, một trái tim đầy nhiệt huyết. Chính đó là hạt nhân sức mạnh, là cội nguồn chiến thắng. Đó chính là "Bài thơ báng súng": "Ta lại viết bài thơ trên báng súng/ Con lớn lên đang viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua" (Hoàng Trung Thông). Đó là vẹn nguyên một tình yêu lãng mạn, bay bổng "Đầu súng trăng treo" trong thơ Chính Hữu như một biểu tượng cao đẹp, một khát vọng hòa bình, một niềm tin chiến thắng.

Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, hình ảnh người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Khúc ca người lính chính là điệp khúc quân hành "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh"; là điệp khúc "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi" trong "Hành quân xa" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Khúc ca ấy được cất lên bắt đầu từ cánh rừng mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo để đi suốt chặng đường dài 80 năm với khí thế "Đường dài đi giữa Trường Sơn/ Nghe vọng bài ca đất nước/ Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang" trong hào khí bài thơ "Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi" của nhà thơ quân đội Nam Hà. Khúc quân hành ấy trong âm vang của niềm lạc quan cộng hưởng: "Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao" của Bác Hồ kính yêu.

Hà Tĩnh, tháng 12 năm 2024

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top