Aa

BOT Bến Thủy, kinh tế thân hữu và "rủi ro đạo đức"

Thứ Tư, 28/09/2016 - 09:26

Tách bạch vai trò và biết rõ các giới hạn, nhất là giới hạn về lợi ích, lại là điều bắt buộc đối với mọi chính trị gia, nếu muốn con đường phía trước hanh thông và không trở thành đối tượng hứng chịu chỉ trích của dư luận.

 

Ông Lê Ngọc Hoa có mặt tại Đại hội cổ đông của Cienco4 ngày 29/3/2015 với tư cách lãnh đạo cũ và là một cổ đông.

Ông Lê Ngọc Hoa có mặt tại Đại hội cổ đông của Cienco4 ngày 29/3/2015 với tư cách lãnh đạo cũ và là một cổ đông.

Không chỉ là chuyện bất đồng quan điểm của hai địa phương trong việc điều hành một sự vụ cụ thể có liên quan đến người dân, câu chuyện BOT Bến Thủy còn là một câu chuyện điển hình về điều phối và quản trị quốc gia, nơi thấp thoáng bóng dáng kinh tế thân hữu và hàm chứa "rủi ro đạo đức"...

Kinh tế thân hữu

Tháng 9/2014, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) đã phải phát đi thông báo về việc ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, sẽ không còn là thành viên của Hội đồng Quản trị của công ty này.

Thông báo cho biết, "trên cơ sở phản ánh, góp ý của dư luận”, Hội đồng Quản trị DCIC nhận thức sâu sắc vấn đề, nhìn nhận sự việc mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia Hội đồng Quản trị là “không phù hợp với quy định pháp luật, không khách quan".

Trước đó, một số báo chí đã nêu vấn đề cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham gia Hội đồng Quản trị của DCIC chỉ 8 tháng sau khi về hưu có thể đã vi phạm Nghị định 102/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thời hạn không được tham gia kinh doanh.

Ứng xử rất đúng mực này của Công ty Đèo Cả cho thấy, ngay cả khi về lý có vẻ không có gì sai, thì về ứng xử, mối quan hệ giữa các quan chức với các doanh nghiệp, dù đã về hưu hay đương chức, đều là một mối quan hệ vô cùng nhạy cảm. Cho dù cố gắng chứng minh sự công tâm, rất khó để cựu Bộ trưởng nhận được cái nhìn sẻ chia từ công luận.

Đó không chỉ là những câu chuyện cụ thể mà còn là vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam.

Vào năm 2009, theo "đặt hàng" của Chính phủ Việt Nam, một nhóm các chuyên gia của Đại học Havard đã liên tục đưa ra các khuyến nghị chính sách mang tên "Lựa chọn thành công" với kỳ vọng làm thay đổi nhận thức về hàng loạt vấn đề kinh tế quan trọng.

Một trong số các kiến nghị được đưa ra chính là làm thế nào để ngăn chặn những tác động của một "nền kinh tế thân hữu" (crony economy) đã và đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, len lỏi vào trong đời sống chính trị và kinh tế quốc gia.

Các chuyên gia Havard khi đó đã nhấn mạnh rằng những người hay nhóm có thế lực chính trị có thể lợi dụng chính sách và các dự án công để trục lợi cá nhân và trở lên giàu có một cách bất chính. Nhưng với tư cách là chủ đầu tư, nhà nước không thể cho phép các chương trình đầu tư của mình đi chệch khỏi mục tiêu tối đa hóa lợi ích của quốc gia.

"Khi đầu tư công trở thành đối tượng của các hành vi trục lợi thì một mặt mục tiêu của dự án đầu tư không được thực hiện, đồng thời gánh nặng chi phí sẽ được đặt lên vai của người dân và của nền kinh tế… Nhiều cá nhân và nhóm có thế lực chính trị ở Việt Nam đang “hô biến” tài sản quốc gia thành sở hữu cá nhân thông qua những phi vụ đất đai mờ ám và cổ phần nội bộ", bản khuyến nghị viết.

Sau bảy năm, tình hình có vẻ cũng không khác.

Cùng ngồi lại với nhau trong hội thảo "Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hoá thể chế", một sự kiện được tổ chức để hỗ trợ xây dựng Báo cáo Việt nam 2035, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều thừa nhận khắc phục được “chủ nghĩa thân hữu” ở Việt Nam là một bài toán khó giải.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng việc thiên vị các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hoặc doanh nghiệp khác do có quan hệ thân hữu với Nhà nước đã làm giảm khả năng của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh.

"Điều đó cũng nảy sinh tình trạng thương mại hóa thiết chế công tạo dư địa để một số quan chức lạm dụng thẩm quyền điều tiết thị tường, thực thi pháp luật và phân bổ quyền tài sản nhằm thu lợi cho mình và thân hữu", chuyên gia nhận xét.

Vẫn theo bà Phạm Chi Lan, ở Việt Nam không chỉ có sự phân phân biệt DNNN, doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp thân hữu và doanh nghiệp không thân hữu.

Cũng nói về vấn đề chủ nghĩa thân hữu, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương nhận định rằng, nguyên nhân sâu xa là do ở Việt Nam thiếu thị trường thật sự.

“Hiện nay tài sản công rất lớn nhưng không ai biết bao gồm những gì? Giá trị gia tăng là bao nhiêu và ai đang được hưởng lợi từ đó? Chỗ này làm méo mó thị trường nhiều nhất”, ông Cung nói.

“Rủi ro đạo đức”

Thoạt tiên, khái niệm “rủi ro đạo đức”, dịch từ nguyên bản tiếng Anh là moral hazard, có một phạm trù ý nghĩa hẹp hơn trong lĩnh vực ngân hàng, theo đó rủi ro đạo đức nảy sinh khi bên có ưu thế thông tin hiểu được tình thế thông tin phi đối xứng giữa các bên giao dịch và tự nhiên hình thành động cơ hành động theo hướng làm lợi cho bản thân bất kể hành động đó có thể làm hại cho bên kém ưu thế thông tin.

Tuy nhiên, theo thời gian, khái niệm này còn được mở rộng nội hàm, theo đó đề cập đến tình trạng các cá nhân có thể sử dụng các lợi thế của mình trong công việc để trục lợi, chẳng hạn các quan chức có thể ra các quyết định có lợi cho họ và chủ thể liên quan hơn là có lợi cho cộng đồng mà lẽ ra người này phải phục vụ.

Sự bất đồng quan điểm giữa tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong vấn đề di dời hay không di dời trạm thu phí cầu Bến Thủy là câu chuyện đang gây xôn xao dư luận, và là câu chuyện thấp thoáng bóng dáng của rủi ro đạo đức.

Cho dù các lập luận của hai bên đều có lý, rõ ràng người dân chờ đợi sự công bằng và do đó, việc tiếp tục duy trì thu phí như hiện nay sẽ được coi là nỗ lực bảo vệ quyền lợi của bên thu phí, ở đây là Cienco 4. Khách quan mà nói, “dời trạm” cũng chưa chắc là giải pháp khả thi để giải quyết trọn vẹn bức xúc của người dân, trong khi việc đặt trạm như hiện nay đã nhận được sự đồng tình của UBND cả hai tỉnh.

Tuy nhiên, sẽ rất khó để ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, người có cổ phần trong Cienco 4 và có vợ đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này, chứng minh được sự công tâm trong nỗ lực bảo vệ Cienco 4, ngay cả khi lợi ích của đơn vị này với tư cách nhà đầu tư là cần được tôn trọng theo tinh thần hợp đồng BOT đã ký với bên chính quyền.

Cho dù BOT không là “đầu tư công” như trong khuyến nghị của các chuyên gia Havard, yếu tố “công” là rất rõ khi nhà nước là một bên trong hợp đồng, chịu trách nhiệm về các dự án BOT trước người dân.

Các báo cáo tài chính chính thức của Cienco 4 cho thấy đến cuối năm 2015, ông Lê Ngọc Hoa đang nắm giữ 126.360 cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco4). Đồng thời, bà Trương Thị Tâm – vợ ông Lê Ngọc Hoa, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Cienco4 đang nắm giữ 9.586.870 cổ phần của Cienco4, trong khi em trai bà Tâm là ông Trương Hữu Thìn đang nắm giữ 10.240 cổ phần của Cienco4.

Khoản 2 điều 37 Luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức thì “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Còn theo quy định về “Những điều Đảng viên không được làm”, những lãnh đạo như ông Lê Ngọc Hoa không được “Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định” và “Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi”.

Điều rất thật là ông Lê Ngọc Hoa và gia đình đang sở hữu một lượng lớn cổ phần của Cienco4, một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nơi ông từng là lãnh đạo cao nhất và “có ưu thế thông tin”.

Cho dù Cienco 4 giờ đây đã là một công ty đại chúng, về lý thuyết, mọi hoạt động của doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần được minh bạch và giám sát, để người dân tin tưởng rằng doanh nghiệp này sẽ không có bất kỳ ưu ái nào từ…chính quyền tỉnh này, một khi ông Lê Ngọc Hoa còn ngồi ghế Phó chủ tịch.

Sinh năm 1967, có bằng thạc sỹ và từng có trải nghiệm quý giá trong việc điều hành một doanh nghiệp lớn, những lãnh đạo như ông Lê Ngọc Hoa là rất cần thiết cho chính quyền các địa phương, những nơi vốn phần lớn cán bộ không có nhiều trải nghiệm kinh tế.

Tuy nhiên, tách bạch vai trò và biết rõ các giới hạn, nhất là giới hạn về lợi ích, lại là điều bắt buộc đối với mọi chính trị gia, nếu muốn con đường phía trước hanh thông và không trở thành đối tượng hứng chịu chỉ trích của dư luận, như là sau câu trả lời được xem là “già thương trường, non chính trường” vừa qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top