Những ngày qua dư luận thu hút sự quan tâm hơn tới hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) khi Bộ Tài chính có công văn yêu cầu tạm dừng thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT. Với kinh nghiệm nhiều năm ở vị trí quản lý nhà nước về đất đai, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho rằng không thể có chuyện một công văn đòi "đóng băng" thực tiễn.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã có đóng góp rất lớn xóa điểm nghẽn trong phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Mặc dù việc thực hiện BT còn gây bức xúc trên thực tế do thiếu chuyên nghiệp từ nhiều phía, nhưng hoàn thiện cơ chế BT, nâng cao tính chuyên nghiệp vẫn là giải pháp tốt cho phát triển hạ tầng.
PV: Ông đánh giá thế nào về ý kiến của Bộ Tài chính yêu cầu tạm dừng thanh toán đất cho nhà đầu tư BT, kể cả khi nhà đầu tư đã ký hợp đồng BT với nhà nước và triển khai dự án?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng công văn này có những điểm "bất thường" cần phải làm rõ. Đầu tiên, bằng công văn này, Bộ Tài chính đang bắt cuộc sống ngừng lại để chờ đợi Nghị định được ban hành rồi mới được sống tiếp.
Tiếp đó, Bộ Tài chính bỏ qua thực tế là các dự án BT đều đã được đề xuất, hình thành, quyết định và ký hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ ba là việc dừng các dự án để chờ một Nghị định chưa biết bao giờ được ban hành sẽ gây thiệt hại lớn cho cả 3 ba bên: Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
Cuối cùng, chịu trách nhiệm quản lý dự án BT là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng không hiểu sao Bộ Tài chính lại "nhầm vai".
Một công văn có tới 4 điểm như trên thì cần xem lại.
PV: Ở góc độ quản lý, theo ông các địa phương nên làm gì khi nhận được yêu cầu tạm dừng của Bộ Tài chính?
GS. Đặng Hùng Võ: Chỉ ra những điểm "bất thường" trong công văn của Bộ Tài chính để khẳng định rằng, Hà Nội và các địa phương cứ thực hiện những dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Những vấn đề có liên quan tới đất đai thanh toán cho nhà đầu tư hạ tầng được giải quyết theo các quy định của Luật Đất đai 2013. Chúng ta phải đều phải tuân thủ những nguyên lý cơ bản nhất của một nhà nước pháp quyền.
PV: Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc Bộ Tài chính ra văn bản như vậy liên quan đến hình thức đầu tư BT?
GS. Đặng Hùng Võ: Chúng ta cũng thấy, mọi bình luận hiện nay mới chỉ đứng trên góc nhìn giá trị trước mắt, trong khi hạ tầng lại là vấn đề mang lại giá trị lợi ích với tầm nhìn dài hạn.
Ngay bản thân tôi ban đầu từng không có mấy thiện cảm với cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng". Nhưng theo thời gian, phải thừa nhận cơ chế này đã có đóng góp rất lớn, góp phần xóa điểm nghẽn trong phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Từ thủa ban đầu thiếu chuyên nghiệp, đến nay, nước ta cũng đã xuất hiện khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.
PV: Nhưng tại sao việc áp dụng BT tại Việt Nam vẫn có nhiều vướng mắc đến vậy, thưa ông?
GS. Đặng Hùng Võ: Về cơ bản, do hệ thống pháp luật quy định của chúng ta chưa hoàn thiện và thống nhất, dẫn tới việc quản lý, thực hiện các dự án BT có nhiều vướng mắc.
Về tài chính đất đai, Luật Đất đai 2013 vẫn chưa vươn được tới chuẩn mực của vốn hóa đất công đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, đất đai được điều chỉnh theo Luật Đất đai, nhưng lại vẫn được coi là tài sản công và bị điều chỉnh bới Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tài chính đất đai vốn yếu kém mà lại bị rơi vào tình trạng "một cổ đôi tròng" thì sao mà khá được.
Khung pháp luật về thực hiện các dự án BT cũng bị chia năm xẻ bảy. Theo đúng ý nghĩa, khung pháp luật này được đặt dưới ô của Luật Đầu tư công vì đây là hình thức đối tác công tư.
Theo hướng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 15, trong đó có riêng một Chương về đầu tư theo hình thức BT.
Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lại coi đất đai là tài sản công nên điều chỉnh cả dự án BT với nội dung sử dụng tài sản công để thanh toán. Bộ Tài chính cũng đã trình một Nghị định riêng nhưng chưa được Chính phủ ban hành. Một vấn đề mà điều chỉnh bằng 2 Nghị định, tái diễn tình trạng "một cổ đôi tròng" như trên thì quả là làm khó cho thực tế.
PV: Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ tình trạng "một cổ đôi tròng" như ông nói ở trên?
GS. Đặng Hùng Võ: Điều cần làm hiện nay là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về BT trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho cả 3 bên liên quan: Nhà nước, Nhà đầu tư và xã hội sẽ giúp phương thức BT mang lại hiệu quả phát triển thực sự cao.
Việc xác định phạm vi áp dụng phương thức BT dựa trên phân tích chi phí - lợi ích trước mắt và dài hạn là cần thiết. Sau đó, việc triển khai các dự án BT phải dựa trên quy hoạch mang lại lợi ích lớn cho tương lai. Một vấn đề cốt yếu nữa là BT phải được tiếp cận theo lợi ích từ khai thác quỹ đất phù hợp thị trường và được chia sẻ giữa các bên tham gia.
Tôi tin rằng, việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về BT để tránh chồng chéo và đảm bảo lợi ích cho cả 3 bên liên quan: Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội sẽ giúp phương thức BT mang lại hiệu quả phát triển thực sự cao và trả lại nhìn đúng đắn về hình thức này trong mắt công luận.