Tràn lan dự án “biến tướng”
Đi dọc địa bàn quận Cầu Giấy hiện nay, sẽ thấy hàng loạt dự án chậm tiến độ đang được quây tôn kín mít hoặc biến tướng thành nhà hàng, bãi gửi xe, hoặc phân lô để dựng nhà xưởng, nhà hàng, sân bóng, sân tennis hòng thu lợi bất chính trước sự làm ngơ của chính quyền.
Có thể kể ra rất nhiều dự án như: Dự án Công viên và hồ điều hòa trên lô đất CV1 đã không thực hiện mục đích sử dụng là xây dựng công viên mà biến thành nhà xưởng, bãi xe, sân bóng mọc lên bừa bãi, nhếch nhác.
Tại phường Yên Hòa, chỉ riêng trên lô đất E3 với khoảng 1.184m2 có tới 5 chủ đầu tư với 8 công trình vi phạm. Tại khu đất E4, diện tích vi phạm khoảng 11.763m2 (gồm 11 chủ đầu tư với 35 công trình vi phạm). Trên ô đất E5 diện tích vi phạm lên tới 15.122m2 (gồm 16 chủ đầu tư với 52 công trình vi phạm).
Bất chấp năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản thu hồi hàng ngàn mét vuông “đất vàng” sử dụng sai mục đích trên địa bàn quận Cầu Giấy nhưng hiện nay, các công trình vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, khu đất ngõ 92 phố Trần Thái Tông, phố Dịch Vọng Hậu... xuất hiện hàng loạt bãi xe Thành Công, sân bóng PVV, gara ô tô... "xẻ thịt" khu đất này suốt một thời gian dài. Đối diện là lô đất 23 Trần Thái Tông cũng rơi vào tình trạng tương tự với những sân bóng Đông Đô, sân tennis Chiến Dương, sân tennis Thế Anh... Nhiều lô đất tại các tuyến phố Thành Thái, Trương Công Giai, lô đất D34 Khu đô thị Dịch Vọng (phường Dịch Vọng), Mạc Thái Tông, Nguyễn Chánh, lô đất A5, A7 (phường Trung Hòa) cũng xuất hiện nhiều công trình trái phép với những gara ô tô, sân bóng, sân tennis, bãi trông giữ xe ngày và đêm hoạt động một cách vô tư, không gặp bất cứ trở ngại nào.
Điển hình của việc “bất chấp, coi thường” pháp luật phải kể đến vi phạm về trật tự xây dựng tại Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô, xây dựng bãi đỗ xe phố Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Tại ô đất số 1 với diện tích 3.704m2 (cấp phép để xây dựng nhà để xe và dịch vụ phụ trợ quy mô 2 tầng và sân đỗ xe ngoài trời) nhưng hiện nay, được sử dụng làm salon ô tô của hãng Honda, Yamaha, chợ cóc.
Tại ô đất số 2, có diện tích 2.324m2 hiện là nơi kinh doanh nhà hàng cà phê, salon làm đẹp, cửa hàng KFC, quán bia Vuvuzela...
Ô đất số 3 được phê duyệt là khu cây xanh nhưng hiện nay lại được xây dựng thành bãi đỗ xe ngoài trời và nhà 1 tầng cho thuê.
Ô đất số 4 được phê duyệt có chức năng là bãi đỗ xe máy, ô tô ngoài trời, nhà đỗ xe và dịch vụ số 3 nhưng hiện nay khu này biến thành một khối nhà 1 tầng có kết cấu tường gạch, vách kính, bê tông cốt thép cho thuê và chợ tạm ngoài trời…
Sai phạm nhức nhối đến mức Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã phải có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm nhưng đến nay, lãnh đạo quận dường như đã quên, phớt lờ luôn cả chỉ đạo của cấp trên?
Một thực trạng nhức nhối nữa phải kể đến tình trạng hàng trăm quán karaoke “có vấn đề”. Quận Cầu Giấy, trong thời gian vừa qua là một trong những điểm nóng của Thủ đô về tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke. Đây cũng là địa bàn trọng điểm được UBND thành phố lưu tâm rà soát kiểm tra liên tục về hoạt động này.
Vụ cháy ngày 1/11/2016, tại quán karaoke số 68, phố Trần Thái Tông khi quán bốc cháy, lan ra 3 nhà lân cận. Sau hơn 6 tiếng, hỏa hoạn được dập tắt. Ngọn lửa đã cướp đi tính mạng 13 người là lời cảnh tỉnh cho việc kinh doanh karaoke không đảm bảo PCCC. Thế nhưng, bất chấp hậu quả nặng nề đó, việc quản lý hoạt động karaoke đến nay đâu vẫn hoàn đó.
Phê duyệt quy hoạch sai vì “lợi ích nhóm”?
Ngày 3/8/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều thiếu sót liên quan đến trách nhiệm của UBND quận Cầu Giấy trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước ngành xây dựng. Trong đó, đối với công tác quy hoạch xây dựng, tại Quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 24/3/2010 của UBND quận Cầu Giấy phê duyệt nhiệm vụ Đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị (điểm dân cư đô thị hóa phường Dịch Vọng), có diện tích 35ha trái quy định. Trong khi theo quy định, UBND quận chỉ được phê duyệt quy mô nhỏ hơn 20ha. Điều này là chưa đúng Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 48/2006/QĐ-UBND ngày 11/4/2006 của UBND TP. Hà Nội.
Đối với công tác cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra hàng loạt yếu kém, thiếu sót. Về việc cấp giấy phép xây dựng quận Cầu Giấy chưa có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để làm cơ sở cho việc quản lý kiến trúc, xây dựng và làm căn cứ để cấp phép xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị.
UBND quận Cầu Giấy đã thực hiện chưa đúng Khoản 1, Điều 6, Nghị định 64/2012/NĐ-CP và khoản 2, Điều 93 của Luật Xây dựng khi cấp một số giấy phép tạm theo chính văn bản hướng dẫn của quận. Bên cạnh đó, UBND quận còn cấp một số giấy phép sai nội dung về diện tích tầng lửng, mật độ xây dựng…
Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, UBND quận Cầu Giấy đã để nhiều công trình vi phạm vẫn tồn tại. Một số công trình vi phạm trật tự xây dựng khi không có giấy phép hoặc xây dựng sai nội dung giây phép nhưng chưa được chính quyền lập hồ sơ, xử lý vi phạm theo quy định.
Đặc biệt, đối với việc quản lý đầu tư xây dựng, UBND quận Cầu Giấy dưới sự lãnh đạo của ông Dương Cao Thanh đã lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán của một số gói thầu chưa đúng về khối lượng, định mức một số công việc, khiến tổng giá trị sai tăng tạm tính là hơn 2 tỷ đồng. Công tác thanh quyết toán một số dự án sử dụng ngân sách Nhà nước tính chưa đúng về khối lượng, đơn giá, định mức khiến giá trị sai tăng hơn 2,7 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực xây dựng, liên quan đến việc lát đá vỉa hè, UBND TP. Hà Nội cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm khiến lãnh đạo thành phố, trực tiếp là Chủ tịch Nguyễn Đức Chung rất bức xúc, yêu cầu thanh tra thì gần đây, kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn đã cho thấy: Quận Cầu Giấy chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thành phố là không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm. Kết luận điểm rõ những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm trong đó có vai trò của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trong việc chỉ đạo…
"Quýt làm, cam chịu"?
Với hàng loạt vấn đề sai phạm trên, nhưng điều lạ lùng là lãnh đạo quận vẫn không có ai phải nhận hình thức kỷ luật thoả đáng theo trách nhiệm công vụ của mình. Dư luận bức xúc vì chuyện “quýt làm, cam chịu”, mà vụ việc cháy quán karaoke chết 13 người là một ví dụ.
Sau khi xảy ra vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người trên phố Trần Thái Tông cách đây ít lâu, theo công bố, UBND quận Cầu Giấy đã quyết định hình thức kỷ luật cách chức với hai cá nhân là các bà Nguyễn Thị Xuân Nữ (Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận) và bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu). Hai người khác bị khiển trách là bà Trịnh Thị Dung (Phó Chủ tịch UBND quận), ông Nguyễn Tiến Huy (công chức phường Dịch Vọng Hậu). Ông Nguyễn Quang Thắng (Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu) bị cảnh cáo.
Điều lạ lùng là ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, là người đứng đầu nhưng lại không phải nhận một hình thức kỷ luật nào. Về phía tập thể, cũng không có tập thể nào bị xử lý kỷ luật, chỉ có “rút kinh nghiệm” chung chung: “UBND quận Cầu Giấy xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy”.
Sau sự việc, hiện nay tình hình quản lý các quán karaoke vẫn bộc lộ hàng loạt bất cập, sai phạm nhưng người chịu trách nhiệm chính là ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách mảng văn xã không hề phải chịu trách nhiệm mà mới đây còn được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thay ông Dương Cao Thanh nhận công tác khác.
Không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trung ương 4, Khoá XII
Dư luận cũng hết sức bất bình vì trước đó chưa lâu, năm 2016, mặc dù lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo nhưng thay vì vận động người dân hợp thửa, hợp khối hoặc cấp phép 1 tầng có điều kiện thì ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy (ký thay Chủ tịch UBND quận) đã ký cấp phép xây dựng nhà ở gia đình 3 tầng trên thửa đất “siêu mỏng, siêu méo” số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân.
Việc cấp phép của UBND quận Cầu Giấy không chỉ trái với quyết định của UBND TP. Hà Nội, trái với quy định của Nhà nước mà còn đi ngược lại chủ trương chung của TP và Thủ tướng Chính phủ về xử lý trường hợp thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”.
Hiện nay, quận tiếp tục buông lỏng quản lý để công trình xây dựng tại thửa đất “siêu mỏng, siêu méo” số 4 hẻm 81/24/3 đường Lạc Long Quân xây dựng trái phép lên 5 tầng không hề bị xử lý và ông Bùi Tuấn Anh còn tiếp tục được... lên chức, bất chấp nhiều đơn thư, báo chí phản ánh sai phạm này nhưng ông Bùi Tuấn Anh vẫn được đánh giá hoàn thành xuất nhắc nhiệm vụ các năm 2016, 2017 và được bổ nhiệm (!?).
Cùng với đó, phải kể đến trách nhiệm của ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách mảng kinh tế - xây dựng. Ông Hà là người thường xuyên tiếp xúc, trả lời báo chí về các vụ sai phạm trật tự xây dựng nhưng lần nào cũng chỉ chung chung, hứa hẹn rồi... để đó.
Để bức tranh đô thị quận Cầu Giấy méo mó, sai phạm nhan nhản như trên có trách nhiệm chính của ông Trần Việt Hà đã buông lỏng quản lý. Vậy nhưng, có lẽ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII dường như đã không được Quận uỷ, UBND quận quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Qua các năm triển khai kiểm điểm Nghị quyết, dàn lãnh đạo quận Cầu Giấy, trực tiếp là các ông Dương Cao Thanh, Trần Việt Hà, Bùi Tuấn Anh vẫn luôn “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thiết nghĩ, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đã đến lúc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm minh trách nhiệm của lãnh đạo quận Cầu Giấy trong hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng./.