Aa

Bức tranh giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển sang “gam màu“ sáng

Thứ Sáu, 07/07/2023 - 17:00

Giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 trong tháng 6 vừa qua đã tăng gần 10% so với số giải ngân của cả 5 tháng trước đó.

Đây là tín hiệu cho sự bứt phá của công tác này trong nửa năm còn lại để giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn như mục tiêu của Chính phủ đưa ra.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn với 817.307,3 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 51.542,7 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2023 là 765.764,7 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn này cao hơn 33% so với tổng nguồn vốn của năm 2022 và gấp đôi mức bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020. Lượng vốn này được giải ngân sẽ tác động rất lớn đến sự phục hồi của các doanh nghiệp và nền kinh tế của cả nước.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đã được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương là 804.420,3 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng; kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh nguồn vốn ra nền kinh tế, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 5 tổ công tác đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, ngày 24/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 435/QĐ-TTg phân công thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn…

Ngoài ra, các địa phương cũng thành lập các tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công theo các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

Với sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân tháng 6 đã có sự bứt phá khi tăng gần 10% so với tỷ lệ giải ngân của cả 5 tháng trước đó, đã kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước trong 6 tháng đầu năm đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Kỳ vọng vào sự bứt phá trong nửa cuối năm

Đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công là cần thời gian để các nhà thầu thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán, do đó, tỷ lệ giải ngân thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Với sự khởi sắc của công tác giải ngân trong tháng 6 vừa qua sẽ là động lực cho sự bứt phá vào nửa năm còn lại. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi các bộ, ngành, địa phương đang gấp rút thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Bộ Giao thông vận tải có tổng lượng vốn cần giải ngân lớn nhất trong các bộ, ngành, bao gồm cả những dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc Nam. Theo báo cáo từ bộ này, tính đến hết ngày 30/6/2023 đã giải ngân khoảng 35.627 tỷ đồng, đạt hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình của cả nước.

Theo kế hoạch, trong quý III này, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân thêm gần 21.700 tỷ đồng, gồm hơn 20.800 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2023 và hơn 855 tỷ đồng thuộc nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện giải ngân trong năm nay. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ. Đối với các dự án đang triển khai thi công cần chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, sớm có đủ khối lượng nghiệm thu để thanh toán vốn.

TP. Hồ Chí Minh cũng có sự tiến bộ rất lớn trong công tác giải ngân. Những tháng đầu năm, thành phố này luôn giải ngân thấp nhất cả nước, nhưng bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, tỷ lệ giải ngân của TP.HCM đã tăng vọt khi thực hiện chi bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3.

Tiếp đà giải ngân này, TP.HCM đang tập trung vào giải pháp cải cách hành chính để tạo điều kiện giải ngân đầu tư nhanh, tập trung giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các tổ công tác liên ngành của thành phố đang tiến hành kiểm tra chặt chẽ tiến độ để đảm bảo quý III/2023 cố gắng đạt 55% và hết năm ngân sách 2023 (hết 31/1/2024) đạt 95% kế hoạch vốn được giao.

Tại tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết cho từng dự án; đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó ưu tiên bố trí các dự án chuyển tiếp theo tiến độ thực hiện, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện và thời gian bố trí vốn cho các dự án, bảo đảm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Điểm mới và cũng là bước đột phá trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Phú Thọ là đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như các dự án giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các công trình phòng, chống thiên tai và các công trình hạ tầng đô thị… Hiện tỉnh Phú Thọ đang đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất của cả nước.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2023 của các chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

 

Còn 33.525,5 tỷ đồng vốn đầu tư chưa phân bổ

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết còn 33.525,5 tỷ đồng, chiếm 4,85% kế hoạch vốn năm 2023. Hiện còn một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,21%); Bộ Y tế (71%), Bộ Thông tin và Truyền thông (72,24%), Tuyên Quang (71,49%), Hòa Bình (69,19%).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top